Bài: Thùy Dung
Ảnh: Văn Anh
Cô giáo Phan Thị Ánh Hiệp – Hiệu trưởng trường Mầm non 15, Q.Tân Bình, TP.HCM đã gắn bó với nghề giáo gần 30 năm. Trong suốt chặng đường bền bỉ ấy, chị luôn có được sự hỗ trợ hết lòng của cha mẹ, các em cũng như sau này là sự chia sẻ và cảm thông từ chồng và hai con.
Cô giáo Phan Thị Ánh Hiệp – Hiệu trưởng trường Mầm non 15, Q.Tân Bình, TP.HCM
Lửa đam mê nuôi dưỡng tình yêu nghề
Nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu ra trường, chị Ánh Hiệp bồi hồi xúc động. Vào khoảng những năm 1986, nền kinh tế chung còn rất khó khăn và cô giáo mầm non là còn là nghề rất mới. Đồng lương eo hẹp không đủ sống đã có lúc khiến chị nản lòng muốn bỏ cuộc. Nhưng duyên nghề vẫn còn, nên quãng dừng của chị chỉ kéo dài 1 tháng. Khi trở lại, chị Hiệp quyết tâm sống với nghề. Đã chọn nghề thì phải yêu nghề và làm nghề với niềm đam mê. Và trên hết, tình yêu dành cho trẻ thơ chính là phần thưởng cho những vất vả, cực nhọc của nghề.
Chị Hiệp kể “Đồng lương thấp nhưng khi trở lại, tôi không còn nghĩ tới nó nữa. Tôi làm việc với niềm say mê không giới hạn. Để lên tiết dạy “Rau mùa đông”, tôi tự mình mua các loại rau củ làm học cụ dạy cho các con. Khi dạy về góc gia đình, tôi mua những chén dĩa, xoong nồi inox rất đắt tiền để hướng dẫn các con thực hành bài học. Vì kinh phí nhà trường có hạn, tôi từng bán vàng của mình để thỏa sức trang trí lớp, làm đồ chơi, làm giáo án theo ý tưởng riêng.”
Có vợ là giáo viên mầm non nên ông xã của chị Hiệp cũng quen với việc vợ về trễ. Những năm đầu khi chưa có con, anh thường ngồi chờ chị vài tiếng mỗi chiều để cùng về, sau khi chị đã chuẩn bị xong giáo án, đồ chơi cho buổi học ngày hôm sau. Đến khi chị Hiệp được bổ nhiệm lên làm Hiệu phó thì khối lượng công việc càng nhiều, đòi hỏi chị phải dành nhiều thời gian hơn cho công việc. Có những buổi chị trở về nhà, đồng hồ đã điểm 11- 12h đêm.
“Nếu không có sự hỗ trợ của ông bà ngoại và các dì thì với hai đứa con, vợ chồng tôi khó lòng mà xoay sở!”, chị Hiệp chia sẻ. Gia đình là điểm tựa để chị có thể phấn đấu trong công việc, toàn tâm toàn sức cho việc dạy dỗ các bé Mầm non.
Trong gia đình yêu thương
Năm 2008 là một năm đáng nhớ với chị Hiệp và gia đình. Đó là khi chị được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Mầm non 15, quận Tân Bình. Khi nhận bàn giao, trường là tòa nhà trống không, sân đầy sỏi đá không một bóng cây... cũng chưa có giáo viên hay học trò; chị Hiệp đã cùng Ban giám hiệu dồn hết tâm sức để xây dựng nên một ngôi trường mới. Không biết bao nhiêu sự cố gắng, nhiệt huyết đã bỏ ra để có một ngôi trường 15 hôm nay với hệ thống đào tạo, con người, cơ sở vật chất... hoàn thiện. Cũng chính thời điểm này, ông xã của chị Hiệp có nhiều việc ở đơn vị nên anh chị phải nhờ đến xe ôm để đưa đón con đi học.
Gia đình Cô giáo Phan Thị Ánh Hiệp
Chị Hiệp chia sẻ “Một buổi sáng sớm, tôi có lá thư của con trai khi ấy đang học lớp 7 để trên bàn ăn. Cháu viết thư xin lỗi ba mẹ vì kết quả học tập bị giảm sút nhưng cũng đồng thời nhắc nhở ba mẹ mải mê với công việc mà thiếu quan tâm đến cháu. Tôi đã khóc rất nhiều khi đọc thư con.
Cô giáo Phan Thị Ánh Hiệp và con gái
Mình cứ lo chăm sóc “con nhà người” mà quên mất con của mình. Vợ chồng tôi đã cùng nhau ngồi lại sắp xếp công việc, phân công nhau đưa đón con, quan tâm hơn đến con. Chúng tôi cũng chia sẻ nhiều hơn với con về công việc của cha mẹ để cháu hiểu và thông cảm cùng cha mẹ. Bây giờ thì con trai đã vào Đại học và cô con gái đang học lớp 7”.
Trong câu chuyện của mình, chị Hiệp luôn nhắc đến chồng với tình cảm đầy trìu mến, yêu thương. Không chỉ là một người chồng, người cha, anh còn là người bạn thấu hiểu và chia sẻ với chị mọi vui buồn trong cuộc sống. Những khi stress, chán nản hay bế tắc chưa tìm ra lối thoát, chị không dám để các cô giáo trẻ thấy mình xuống tinh thần mà lặng lẽ về nhà chia sẻ cùng chồng.
Trò chuyện là cách để cởi bỏ cảm xúc tiêu cực, tìm ra những hướng đi. Những lời động viên của anh khiến chị thêm vững tâm và tìm ra giải pháp. Hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống đang có, chị nói rằng chỉ biết nói “Cảm ơn cuộc đời!” khi chúng tôi hỏi rằng, chị muốn nói gì trong không khí của những ngày Nhà giáo đang gần kề?
Niềm vui từ quả ngọtCần Giờ là huyện vùng sâu vùng xa của TP.HCM mà khi vừa ra trường, chị Ánh Hiệp đã tình nguyện về công tác. Thật bất ngờ khi mới đây, khi đi dự chuyên đề ở tỉnh, chị Hiệp đã gặp được một đồng nghiệp trẻ là Hiệu trưởng của một trường MN tại Cần Giờ - cô giáo trẻ này chính là học trò lứa đầu tiên của cô giáo Ánh Hiệp. |