Henri Hubert được công chúng biết đến với rất nhiều cái tên như giám đốc sáng tạo, đạo diễn thời trang, đạo diễn catwalk… và anh cũng được mời làm giám khảo của các cuộc thi sắc đẹp lớn như Miss World Vietnam, The Face Vietnam, Vietnam’s Next Top Model, Siêu mẫu… Anh là một trong số những chuyên gia nước ngoài đầu tiên đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nhiếp ảnh và sân khấu. Cuộc trò chuyện với anh lần này, tôi cảm thấy anh không mấy thay đổi so với gần 20 năm về trước. Anh vẫn là một Henri trẻ trung, nhiệt huyết, đam mê nghệ thuật và vẫn tràn đầy sức sáng tạo mặc dù tuổi đời đã ngoài 60.
Xin chào anh Henri! Sau bao nhiêu năm sinh sống và làm việc ở Việt Nam, anh thấy ngành thời trang có những thay đổi gì?
Ngày nay thế giới đã thay đổi rất nhiều, không chỉ Việt Nam, được chuyển đổi bởi cuộc cách mạng kỹ thuật số và những tiến bộ, về y học và tri thức của con người. Nhưng những thay đổi này có phải là những thay đổi được mong đợi? Tôi không chắc. Đối với tôi thời trang là sự phản ánh của xã hội, nó là hiện tượng giống nhau ở mọi nơi, trên thế giới và Việt Nam...
Để trả lời câu hỏi của bạn, tôi sẽ đưa ra một báo cáo đáng báo động. Như các bạn đã biết từ nhiều năm trở lại đây, thị trường thời trang thế giới trở nên suy giảm nên mặc nhiên thị trường Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Mặc dù với sự xuất hiện của các cửa hàng thời trang, trung tâm thương mại, nhà bán lẻ, các chương trình thời trang, chúng ta đã làm mưa làm gió... , nhưng những gì chúng ta có thể nói về ngành công nghiệp này, tôi không chắc chắn!
Thay đổi có, phát triển thì không. Nếu như những người có tầm ảnh hưởng quyết định trong ngành thời trang có nhiều đóng góp đáng kể và hữu ích hơn cho ngành công nghiệp này thì tốt hơn rất nhiều.
Vậy anh có lời khuyên gì không?
Thị trường thời trang đã giảm doanh số bán hàng từ năm 2010. Sai lầm làm cho các cửa hiệu phải đóng cửa vẫn không ngừng dừng lại. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ dường như vẫn bám vào những “giải pháp” tương tự mà họ đã từng làm. Đó là một sự hủy hoại vô nghĩa. Khi một thị trường diễn biến tồi tệ trong một thời gian dài, những nhà kinh doanh trong lĩnh vực này chắc chắn có một số trách nhiệm. Một thị trường quá đông đúc như ở Việt Nam không còn được coi là một lợi thế nữa mà còn là một rủi ro thương mại.
Một trong những vấn đề lớn nhất trong ngành này là nguồn cung các bộ sưu tập quá lớn. Từ số lượng cung ứng vượt mức sinh ra, dư cung và từ đó làm đảo ngược hiệu ứng mong muốn. Rõ ràng, chúng ta đã làm mất đi tính hấp dẫn của thị trường thời trang.
Các cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng là khá rõ ràng. Họ phải kết thúc cuộc đua về các chương trình khuyến mãi và quay trở lại một diễn ngôn mạch lạc hơn: nói về sản phẩm, sự đổi mới, nhận diện thương hiệu và câu chuyện thương hiệu đi kèm với một số sản phẩm mang tính biểu tượng. Đây là những gì họ phải bám vào và là yếu tố then chốt có giá trị để thúc đẩy việc kinh doanh, bán hàng. Và đó cũng là lý do tại sao việc tái đầu tư vào quan hệ khách hàng là cấp thiết.
Tôi nhớ không lầm thì anh đến Việt Nam vào năm 2002, đến nay đã gần 2 thập kỷ, một chặng đường khá dài! Điều gì khiến anh gắn bó với Việt Nam lâu như vậy?
Chân thành về cách sống, văn hóa, ẩm thực, và đặc biệt là khí hậu khiến tôi nhớ đến Guyana nước Pháp quê hương của tôi. Và cả tư tưởng phóng khoáng mà người Việt Nam có, khía cạnh trẻ thơ mà tôi đặc biệt trân trọng...
Sẽ là một thiếu sót khi nói đến Henri Hubert với loạt chức danh giám đốc sáng tạo, đạo diễn catwalk, đạo diễn thời trang… mà không nhắc đến anh cũng chính là một biên đạo xuất sắc. Đây có phải là một trong những lợi thế để anh có được thành công như ngày hôm nay?
Đầu tiên đối với tôi, thuật ngữ “vũ đạo” thường dùng để chỉ nghệ thuật múa, trong một số lĩnh vực nhất định như khiêu vũ, trình diễn thời trang, chụp ảnh với ngôn ngữ riêng. Nó là tập hợp các chuyển động của cử chỉ và sự thay đổi được đưa vào trong một buổi biểu diễn bởi một chủ thể. Tôi thích các chuyển động có sự hấp dẫn trong từng động tác, từ sự biểu hiện bởi cơ thể đến cảm giác và xúc cảm mang lại, bất cứ điều gì. Với tôi, vũ đạo là sự rèn luyện thường xuyên cùng nhau, là khuôn phép được thể hiện trên cùng một bức tranh sinh hoạt.
Ý thức của tôi về vị trí, cách tiếp cận, từng chi tiết, vận dụng cả 5 giác quan của chúng ta luôn thúc đẩy tôi hướng tới vũ đạo, càng thấy được nhiều tài năng là điều càng khiến tôi vui. Tôi yêu mến và vô cùng trân trọng những người biên đạo.
Một cách tự nhiên khi chúng ta nói về vũ đạo, chúng ta cũng đang nói về biểu cảm cơ thể, và tôi luôn tìm kiếm sự khác biệt, vậy nên tôi sử dụng lợi thế này rất nhiều để giúp cho các nghệ sĩ, người mẫu hiểu tầm quan trọng của việc thể hiện bản thân. Nhưng trước hết họ cần hiểu rằng, thấu hiểu bản thân là rất quan trọng để có thể giải phóng bản thân khỏi sự cứng nhắc, những bài học lý thuyết trong cuộc sống.
Anh từng cộng tác với nhiều tạp chí thời trang nổi tiếng tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Vậy, theo anh tiêu chí nào để có một bộ ảnh thời trang đẹp và ấn tượng? Và đâu là điểm khác biệt trong những bức ảnh mang phong cách của Henri Hubert?
Tôi nghĩ nó phụ thuộc vào tính chất bộ ảnh, dùng cho biên tập, quảng cáo, một chút thương mại, lookbook hay catalog? Câu trả lời của tôi sẽ được định hướng trong bối cảnh biên tập thuần túy. Chuẩn bị sản phẩm, chọn người mẫu đúng, chú trọng đến ánh sáng, đối với tôi là yếu tố chủ đạo. Chọn khung hình phù hợp nhưng vẫn phải sáng tạo, chọn khoảng cách gần nhất có thể (tùy chỉnh) với thực tế, chọn địa điểm thích hợp.
Tôi nghĩ sự khác biệt đến từ việc là tôi đã có cơ hội sống trong hai thế giới hoàn toàn trái ngược nhau, miền đất nơi tôi có thể nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên - Guiana thuộc Pháp và một thế giới vô cùng quyến rũ, nơi chỉ cần ngẩng đầu lên bạn đã có thể không ngừng được truyền cảm hứng - Paris.
Điều còn lại đến từ kiến thức hoàn hảo của tôi về sự phát triển chung của thế kỷ 20. Chúng ta không thể bỏ qua tầm quan trọng của thế kỷ này, và một thực tế thời trang và đời sống xã hội có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Triết lý sống của anh là gì ?
Triết lý sống của tôi là “hãy nhìn những điều xung quanh chúng ta như một tác phẩm nghệ thuật”. Phương châm của tôi là “Tự do” theo mọi nghĩa của từ này.
Chắc hẳn anh cũng là một tín đồ của thời trang đấy chứ?
Tôi yêu thời trang nhưng tôi không phải là một tín đồ thời trang, bởi vì tôi không phải là người theo xu hướng. Tôi tạo ra phong cách của mình dựa trên những kiến thức cơ bản, trình độ học vấn của mình và quan trọng nhất là cảm thấy hài lòng về bản thân với trang phục. “Cảm thụ của tôi về thời trang là thời trang không theo xu hướng.” Tôi không phải là nạn nhân của thời trang. Đối với tôi, thời trang là thứ tôi nhìn thấy, tôi ngửi thấy, tôi cảm nhận hằng ngày trên đường phố. Tôi không thể tách rời thời trang và cuộc sống của mọi người. Chính vì vậy, tôi không nhìn nó giống như mọi người và tôi không chạy theo xu hướng nào cả.
Hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và thời trang, có bao giờ anh gặp khó khăn, chán nản trong công việc và có ý định bỏ nghề?
Không bao giờ, bởi vì tôi luôn xác định các mục tiêu và giá trị mà tôi đã có, và luôn khao khát kiến thức của con người. Đôi khi tôi gạt sự kiêu hãnh của mình sang một bên, để luôn duy trì động lực và tôi là một người yêu thích chủ nghĩa duy mỹ.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện vô cùng thú vị này và chúc anh ngày càng thành công trong sự nghiệp!