Bài: Hoàng Lan
Bệnh Parkinson hay liệt rung, là một bệnh thần kinh xảy ra do thoái hóa một nhóm tế bào (motor neuron) nhân xám ở đáy não, dẫn đến làm giảm tiết chất dẫn truyền thần kinh có tên dopamin. Bệnh tiến triển từ từ, ở giai đoạn đầu có thể không có biểu hiện đặc trưng, sau đó có thể xuất hiện tình trạng run tay, tăng trương lực cơ, co cứng, cử động chậm chạp, khiến người bệnh khó khăn trong vận động và sinh hoạt. Bệnh do một bác sĩ người Anh, tên là James Parkinson mô tả lần đầu tiên vào năm 1817. Từ đó trở đi, người ta gọi bệnh này theo tên của ông.
Triệu chứng và biểu hiện
Ngoài các triệu chứng về nhận thức và vận động, bệnh Parkinson có thể làm giảm nhiều chức năng cơ thể khác. Bệnh có thể có các biểu hiện như buồn ngủ ban ngày, rối loạn trong giấc ngủ hoặc mất ngủ. Ngoài ra người bệnh có thể có các triệu chứng như hạ huyết áp, da nhờn và viêm da tiết bã, đổ mồ hôi quá nhiều, tiểu không tự chủ và chức năng tình dục thay đổi, táo bón. Bệnh Parkinson cũng gây ra các bất thường về mắt như tỷ lệ nháy mắt giảm, dẫn đến kích thích bề mặt mắt, những bất thường trong việc nhìn theo một vật hoặc chuyển mục tiêu nhìn đột ngột và hạn chế trong việc nhìn lên. Thay đổi trong cảm quan bao gồm giảm các cảm giác về mùi, cảm giác đau, dị cảm.
Nguyên nhân
Cho đến nay nguyên nhân gây bệnh cụ thể vẫn chưa được xác định, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu cho thấy là bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền và các tác động từ môi trường cũng như sự phát triển không bình thường của tế bào.Quan sát tiến triển của bệnh cho thấy có nguyên nhân trực tiếp từ sự giảm sút trong sản xuất dopamin của một số tế bào thần kinh đặc biệt. Ở người bệnh Parkinson, các tế bào có chức năng sản xuất dopamin bị hủy diệt hàng loạt, dẫn đến giảm mạnh chất này trong cơ thể. Do thiếu dopamin, một số tế bào thần kinh liên quan không được kích thích đúng mức, dẫn đến người bệnh mất khả năng kiểm soát các hoạt động của bản thân. Tuy nhiên, nguyên nhân của hiện tượng vừa nói trên vẫn chưa được làm rõ.Một công trình nghiên cứu được công bố tại Hoa Kỳ vào năm 2000 cho thấy ở người bệnh Parkinson còn có sự giảm số lượng các sợi thần kinh ở tim. Do đó, các nhà nghiên cứu tin rằng bệnh Parkinson cũng gây ảnh hưởng đến dây thần kinh ở các cơ quan khác nằm bên ngoài não bộ. Điều này giải thích một số các triệu chứng thường gặp ở bệnh này như: tụt huyết áp, táo bón, khó tiểu...
Bệnh Parkinson có liên quan đến yếu tố di truyền và các tác động từ môi trường cũng như sự phát triển không bình thường của tế bào.
Chẩn đoán bệnh
Bệnh Parkinson tiến triển chậm. Các triệu chứng ban đầu mờ nhạt, ít được chú ý, thường chỉ run nhẹ ở một bàn tay, cánh tay hay một bên chân.Người bệnh thường run khi nghỉ ngơi và giảm run khi cử động hoặc làm việc.
Dần dần, bệnh gây ảnh hưởng đến cả hai bên cơ thể, gây cứng, yếu và run cơ, làm người bệnh đi kéo lê chân và lảo đảo, mất thăng bằng.Khi bệnh phát triển, bệnh nhân đi những bước ngắn, run rẩy và mất khả năng kiểm soát. Bàn tay cũng run liên tục, run nhiều hơn khi nghỉ ngơi và giảm bớt khi vận động.
Run có thể lan đến đầu, làm người bệnh thường có dáng điệu gật gù.
Người bệnh có dáng điệu cứng nhắc, chậm chạp và dần dần trở nên khó khăn ngay cả khi thực hiện những công việc đơn giản trong sinh hoạt thường ngày như ăn uống, tắm rửa, thay quần áo...
Các biến chứng thường gặp
Trầm cảm và lo âu: Ảnh hưởng đến 50% người mắc bệnh parkinson ở những giai đoạn khác nhau. Thuốc, liệu pháp tâm lý, hoạt động thể chất (tập thể dục) có thể cải thiện được tình trạng này.
Buồn ngủ ban ngày: Có thể sử dụng thuốc điều trị chứng ngủ rũ hoặc áp dụng phương pháp tăng cường vận động thể lực cho những bệnh nhân bị buồn ngủ liên quan đến Parkinson
Loạn thần, ảo giác: Có thể dùng một số thuốc chống loạn thần sử dụng triệu chứng tâm thần phân liệt. Nhưng riêng thuốc như Zypreexa không nên được sử dụng cho người bị Parkinson, do nó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng loạn thần kinh của họ.
Sa sút trí tuệ
Rối loạn chức năng cương dương5 Mồ hôi quá nhiều (hyperhidrosis)
Nuốt khó, chảy nước dãi quá mức
Tiểu không tự chủ
Táo bón
Q & A |
BS CKI Dương Lệ Chi – Phòng khám đa khoa Vigor Health TTT: Thưa bác sĩ, những loại thuốc nào được dùng để điều trị cho bệnh nhân bị Parkinson? BS CKI Dương Lệ Chi: Các thuốc điều trị bệnh Parkinson bao gồm một số nhóm chính sau đây: 1. Các thuốc chứa tiền chất của Dopamin, khi vào cơ thể thì các thuốc này sẽ được chuyển hóa thành chất dẫn truyền thần kinh:Các thuốc phổ biến: Madopar, Sinemet, Kinson, Stalevo, Duodopa. Liệu pháp thay thế Dopamine có thể gây ra các tác dụng phụ như: Buồn nôn, nôn, táo bón, hạ huyết áp tư thế. Sau khi sử dụng thời gian dài, Levodopa có thể gây ảo giác và rối loạn vận động với các cử động vô thức. Buồn nôn và nôn có thể tự biến mất, các tác dụng phụ còn lại cần được điều trị bằng thuốc. Mặc dù Levodopa có khả năng làm giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson nhưng theo thời gian, bệnh vẫn tiến triển và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Hiệu lực của thuốc sẽ kém dần sau vài năm và mất hẳn sau khoảng 10 năm sử dụng. 2. Thuốc kích thích tăng vận chuyển Dopamin vào não. 3. Thuốc ức chế men (MAO, COMT) chuyển hóa Dopamine. Chất ức chế MAO-B giúp kéo dài tác dụng của levodopa MAO-B (monoamine oxidase type B) cũng là một enzyme tự nhiên có vai trò phân giải và làm mất hoạt tính của Dopamine. Vì vậy, chất ức chế MAO-B giúp kéo dài tác dụng của Dopamine và các tiền chất của nó. Chất ức chế MAO-B, phổ biến là selegilin (Eldepryl) và rasagiline (Azilect). Selegilin được sử dụng chủ yếu để giảm run, nó hoạt động như một loại thuốc bảo vệ thần kinh và ngăn ngừa tổn thương các tế bào thần kinh. Rasagiline (Azilect) có tác dụng mạnh hơn nhưng chưa có nhiều bằng chứng về độ an toàn khi sử dụng trong thời gian dài. Chất ức chế MAO-B có thể tương tác với một số loại thuốc khác, chẳng hạn như các thuốc chống trầm cảm. Bệnh Parkinson biểu hiện ở mỗi người khác nhau vì vậy không có cách dùng thuốc chung cho tất cả các trường hợp. Việc thăm khám theo định kỳ đều đặn ở bác sĩ chuyên khoa, để điều chỉnh liều lượng từng thuốc, cũng như phối hợp các kiểu thuốc với nhau là rất cần thiết. |