Ai có quyền lập di chúc?
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo quy định tại Điều 647 Bộ luật Dân sự 2005, người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Ngoài ra, đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý thì họ cũng có quyền có thể lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
Hình thức của di chúc?
Di chúc có thể được lập dưới hai hình thức là di chúc bằng văn bản và di chúc miệng. Di chúc bằng văn bản bao gồm di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có công chứng; di chúc bằng văn bản có chứng thực. Riêng đối với di chúc miệng chỉ được phép lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2005. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Thế nào là di chúc hợp pháp ?
Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2005, di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ cac điều kiện sau đây:
Thứ nhất, người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép.
Thứ hai, nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Tùy thuộc vào chủ thể lập di chúc mà có những quy định về hình thức như di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý; di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực. Sau 3 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Di chúc không có người làm chứng cần đảm bảo các yêu cầu gì?
Pháp luật Việt Nam hiện hành cho phép một người được lập di chúc bằng văn bản mà không cần phải có người làm chứng. Tuy nhiên, người lập di chúc cần phải tuân thủ các quy định tại Điều 655 Bộ luật Dân sự 2005, cụ thể như sau:
Thứ nhất, người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc;
Thứ hai, di chúc phải ghi rõ các nội dung cần đảm bảo theo quy định của pháp luật như ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; di sản để lại và nơi có di sản; việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
Thứ ba, di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ di chúc đã lập hay không?
Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào. Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.