Bài: Kim Ngọc
Thế nhưng vẫn nhiều người thản nhiên chen ngang, hút thuốc trong phòng máy lạnh, khạc nhổ bừa bãi... Thực tế cho thấy cách cư xử lịch thiệp của một người không dễ được hình thành trong một sớm một chiều. Nếu ngay từ thuở ấu thơ, một đứa trẻ luôn được nhắc nhở và thực hành cách ứng xử văn minh lịch thiệp thì nếp sống ấy sẽ theo họ đến suốt cuộc đời.
Khi con trẻ quá thừa yêu thương
“Con cưng” không phải là một từ ngữ mới lạ trong mỗi gia đình. Từ rất lâu rồi, chúng ta vẫn hay quen miệng gọi con, cháu mình là “cục cưng”, “cục vàng”. Xuất phát từ tình tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ, ông bà cùng rất nhiều người lớn trong gia đình vây quanh chăm chút, cưng nựng yêu thương một đứa trẻ. Vì thế, đứa trẻ được sống trong cuộc sống vô cùng đầy đủ bất kể hoàn cảnh gia đình giàu hay nghèo. Tình yêu thương vừa đủ là liều thuốc tốt nâng đỡ đứa trẻ phát triển nhân cách, đạo đức. Còn khi thừa, tình yêu thương cũng có thể mang đến tác dụng ngược.
Trong buổi nói chuyện chuyên đề “Dạy con ứng xử lịch thiệp”, bác sĩ Nguyễn Lan Hải, cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ cho biết “Hội chứng 4 – 2 -1 đang trở thành vấn đề của mỗi gia đình. Những em bé thừa tình yêu thương lớn lên với suy nghĩ nhu cầu, ước vọng và ý kiến của chúng phải là quan tâm hàng đầu của mọi người, dần hình thành tính ích kỷ. Không khó để nhận biết một em bé là con cưng. Chúng thường không biết nhường nhịn, chia sẻ, hiếu thắng, hay ăn vạ, cau có, khó bảo, ích kỷ, vô lễ...”
Yêu thương và kỷ luật
Cha mẹ đừng bao giờ cho rằng kỷ luật đồng nghĩa với roi vọt. Nghiêm khắc một cách máy móc, cứng nhắc dẫn đến những hình thức trách phạt trẻ mang tính bạo hành sẽ chỉ khiến trẻ bị tổn thương. “Muốn thể hiện sự không đồng ý khi con cái yêu cầu, cha mẹ không cần tỏ thái độ cấm đoán thẳng thừng mà để trẻ tự đấu tranh, tự kiềm chế những ham muốn, rồi sau đó hướng dẫn con xử lý, rút ra bài học kinh nghiệm”, bác sĩ Lan Hải chia sẻ.
MC Thanh Thảo thì tâm sự: “Khi con gái dưới 2 tuổi, tôi rất hiếm khi đưa con ra ngoài vì sợ khi con ăn vạ mè nheo, thì mình vì sĩ diện có thể sẽ đàn áp cảm xúc của con. Khi con phạm lỗi, tôi đã học được cách kiềm chế cơn nóng giận để không lớn tiếng hay phạt con vô lý. Khi đó, tôi chỉ nói: “Bây giờ mẹ đang rất giận, mẹ không thể bình tĩnh nói chuyện với con, cho mẹ 5 phút” rồi bỏ sang phòng khác. Tôi cũng ít khi bắt con phải ngay lập tức xin lỗi mà thường nói với con “Nếu con thấy mình có lỗi thì xin lỗi!”. Tôi thấy cách ứng xử này khá hiệu quả với bé Dâu”.
Con học từ cha mẹ
“Cách tốt nhất để động viên con cái thành người lịch thiệp, giàu tình nghĩa là cha mẹ phải thật cố gắng để trở thành người mà mình hy vọng con cái trở thành”, bác sĩ Lan Hải nhấn mạnh.
Bởi vì trẻ quan sát cha mẹ mỗi ngày. Trẻ học từ cha mẹ cả trong vô thức lẫn tiềm thức. Các cha mẹ đối xử với nhau, với trẻ, với hàng xóm đồng nghiệp hay thậm chí là khi nói chuyện điện thoại... đều vô thức mang đến cho trẻ những ý niệm và thói quen. Khi nói chuyện với con, hãy khuyến khích con đặt câu hỏi và giải thích một cách thấu đáo. Con cái sẽ bắt đầu hiểu cha mẹ và cha mẹ hiểu con cái. Hiểu biết rõ lẫn nhau là cách tốt nhất để con cái tôn trọng những đức tính tốt đẹp nơi cha mẹ.
Ngoài ra, trẻ em còn học được những quy tắc ứng xử thông qua rất nhiều hoạt động như đọc sách truyện, học qua các nhân vật. Khi chứng kiến những cách hành xử từ người khác không lịch sự, trẻ sẽ có những thắc mắc, so sánh và phản ứng lại khi cha mẹ nhắc nhở. Lúc này, cha mẹ đóng vai trò là “quan tòa” phân định, đâu là cách ứng xử đẹp cần học hỏi, đâu là cách ứng xử kém lịch sự cần được loại bỏ hoặc phê phán. Cha mẹ cần nhớ rằng ứng xử lịch thiệp là xét đoán những gì thuộc về đạo đức. Vì thế, một người chỉ biết ứng xử thế nào là lịch thiệp khi xem trọng ý nghĩa của quy tắc ứng xử, thông qua việc thực hành.
Cha mẹ có thể làm gì?
|