Nhắc đến tuần lễ thời trang, dường như chúng ta chỉ nhớ và dành nhiều sự quan tâm nhiều hơn đến các fashion week lớn và nổi tiếng từ những "kinh đô" thời trang thế giới như New York, London, Paris đến Milan; hoặc sự phát triển vượt bậc của Seoul, Shanghai, thậm chí Bangkok Fashion Week. Tất cả là vì những giá trị thương mại và nghệ thuật mà các tuần lễ này mang lại.
Theo dòng chảy phát triển, fashion show bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2000 - đây cũng là thời điểm thời trang Việt dần có tiếng nói hơn trên trường quốc tế. Từ những chương trình kết hợp diễn thời trang và ca nhạc như Duyên dáng Việt Nam đến show diễn của các tạp chí như: Đẹp Fashion Show, ELLE Fashion Show, Đẹp Fashion Runway, Vietnam International Fashion Week, Vietnam Designer Fashion Week, Thời trang & Cuộc Sống và gần đây nhất là Celebrating Local Pride.
Đẹp Fashion Show ra đời giúp mang những cái tên kỳ cựu của thời trang Việt như Nguyễn Công Trí, Trương Thanh Long, Trương Thanh Hải, Adrian Anh Tuấn, Lý Quí Khánh, Kelly Bùi... đến gần với công chúng. Các thiết kế thời trang độc đáo được trình diễn trên sàn runway thay đổi chủ đề qua từng mùa.
Đến đầu những năm 2010s, Elle Fashion Show ra đời với mục đích mang thời trang Việt tiệm cận với thế giới, tái định nghĩa về show diễn thời trang mang tính chất ready to wear hơn là trình diễn theo một ý niệm trừu tượng. Và không thể không nhắc đến "cú nổ" lớn nhất của thời trang Việt chính là sự ra đời của Vietnam International Fashion Week (VIFW). Từ sàn diễn của VIFW, công chúng không chỉ yêu thích và hào hứng hơn với những show thời trang chuyên nghiệp mà còn giúp các thương hiệu hiểu rõ hơn về sự quan trọng của show thời trang trong quá trình xây dựng và khẳng định tên tuổi của thương hiệu.
Từ việc mang tính trình diễn, fashion show dần được đơn giản hóa giúp người xem tập trung vào sự sáng tạo và tính thẩm mỹ của thiết kế, qua đó thúc đẩy khát khao sở hữu. Từ sàn diễn đến đời thường, fashion show của Việt Nam những năm gần đây đã có thể "kết nối với khách hàng và tăng doanh thu bán hàng" (điều mà thế giới đã làm được hơn 100 năm trước).
Sau thành công của các show diễn tại VIFW, các nhà thiết kế bắt đầu nghĩ đến việc làm show riêng như: Đỗ Mạnh Cường, Nguyễn Công Trí, Võ Công Khanh, Lê Thanh Hòa, Đỗ Long, Lý Quí Khánh, Chung Thanh Phong, Lâm Gia Khang… Đây là những tiền đề khiến bất kỳ bạn trẻ nào đang dấn thân vào con đường thời trang đều khát khao mang thiết kế của mình lên sàn catwalk ít nhất một lần.
Celebrating Local Pride (CLP) là sàn runway có tuổi đời rất trẻ. Từ mong muốn đồng hành cùng thương hiệu Việt trên giấc mơ thời trang, Style Republik đã xây dựng thành công một sân chơi thời trang cho các thương hiệu nội địa (local brand), quy tụ từ các brand đã có tên tuổi đến các gương mặt mới. Dù ra đời muộn và có quy mô nhỏ hơn nhiều so với các fashion show khác nhưng CLP cho thấy sự phát triển mở rộng hơn qua từng mùa. Hơn 40 local brand đã trình diễn bộ sưu tập trên sàn diễn của CLP qua các năm 2019, 2020 và 2022. Năm nay, sàn diễn này đang rục rịch trở lại với sự tham dự của hàng loạt thương hiệu mới và cũ như: Nguyễn Minh Công, Cao Stu, Blanke, Gian Saigon, Đào Minh Nhật, Decos...
Với sự phát triển của xã hội nói chung và thế hệ trẻ - gen Z nói riêng, thời trang đã và đang được tái định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Để có thể phục vụ hay nhắm thẳng vào tệp khách hàng trẻ, các thương hiệu/ nhà mốt đình đám trên thế giới phải thay đổi định hướng phát triển bằng việc tập trung khai thác việc thể hiện cái tôi một cách tự do của người trẻ. Thời trang Việt cũng không nằm ngoài xu thế đó, đặc biệt khi đã tạo được độ nhận diện nhất định trên bản đồ thời trang thế giới.
Rõ ràng, chính những fashion show đã góp sức tạo nên những dấu mốc quan trọng cho thời trang Việt Nam, cũng là động lực kích thích người làm nghề phải thay đổi để thích ứng. Việc tìm kiếm cơ hội trình diễn tại các sàn runway trở thành một cơ hội, nơi các local brand Việt có thể thay đổi hay làm mới cách định vị thương hiệu, mở rộng tệp khách hàng bên cạnh giá trị về hình ảnh, truyền thông và giá trị sản phẩm thời trang.
Ảnh: Kiếng Cận team, NTKCC