Lương nhà giáo cao nhất được 'luật hóa'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
16/05/2024 06:02 GMT+7

Dự thảo luật Nhà giáo mà Bộ GD-ĐT vừa công bố có nhiều quy định tác động trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của nhà giáo. Trong đó nổi lên vấn đề tiền lương, tuyển dụng nhà giáo,chứng chỉ hành nghề…

CHÍNH SÁCH THU HÚT, ƯU ĐÃI NHÂN TÀI TRỞ THÀNH NHÀ GIÁO

Dự thảo luật Nhà giáo quy định: "Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp". Tiền lương và các chính sách theo lương nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục tự chủ không ít hơn các nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục chưa tự chủ và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù, được hưởng chế độ đặc thù.

Dự thảo luật Nhà giáo có nhiều quy định tác động trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của giáo viên

Dự thảo luật Nhà giáo có nhiều quy định tác động trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của giáo viên

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo dự thảo, nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, dạy trẻ khuyết tật, dạy tiếng dân tộc thiểu số, dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật.

Nhà nước có chính sách thu hút đối với người có tài năng để trở thành nhà giáo; có chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn...

Các chính sách thu hút và ưu đãi như: nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khám bệnh định kỳ hằng năm, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo, ưu tiên tuyển dụng...

Ngoài các quy định chung về chính sách hỗ trợ, nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ nhà giáo; cơ sở giáo dục hỗ trợ thông qua quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo. Quỹ này không vì lợi nhuận, dùng để hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn; khen thưởng, tôn vinh.

Từ ngày 1.7, tiền lương giáo viên sẽ thay đổi như thế nào?

TRAO QUYỀN TUYỂN DỤNG NHÀ GIÁO CHO NGÀNH GIÁO DỤC

Về thẩm quyền và phương thức tuyển dụng, dự luật quy định các cơ sở sau được trực tiếp tuyển nhà giáo theo nghị quyết của hội đồng trường hoặc hội đồng đại học ban hành: cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập (tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư), cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên.

Đối với các cơ sở giáo dục công lập khác, do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm tuyển dụng nhà giáo. Tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo. Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định cụ thể điều này.

Dự luật cũng nêu các nguyên tắc tuyển dụng nhà giáo, gồm: "bảo đảm công khai, công bằng, khách quan và đúng quy định của pháp luật. Không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm tính cạnh tranh; tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, chuẩn nhà giáo, chức danh nhà giáo; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục"...

Ứng viên tham gia kỳ thi tuyển dụng giáo viên TP.HCM năm học 2023 - 2024. Theo dự thảo luật Nhà giáo, việc tuyển dụng nhà giáo sẽ có những thay đổi đáng kể khi giao cho ngành GD-ĐT chủ trì thay vì chính quyền địa phương và ngành nội vụ như hiện nay.

Ứng viên tham gia kỳ thi tuyển dụng giáo viên TP.HCM năm học 2023 - 2024. Theo dự thảo luật Nhà giáo, việc tuyển dụng nhà giáo sẽ có những thay đổi đáng kể khi giao cho ngành GD-ĐT chủ trì thay vì chính quyền địa phương và ngành nội vụ như hiện nay.

BẢO CHÂU

Nếu dự luật này được thông qua, việc tuyển dụng nhà giáo sẽ có những thay đổi đáng kể khi giao cho ngành GD-ĐT chủ trì tuyển dụng thay vì chính quyền địa phương và ngành nội vụ như hiện nay. Trước đó, trong phân tích về tình hình đội ngũ nhà giáo hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo hiện nay còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên (GV) nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được GV thừa, thiếu. "Quy định về tuyển dụng viên chức nói chung còn chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo", Bộ GD-ĐT nhận xét và đưa ra hàng loạt những minh chứng.

Tại phiên họp toàn thể Ban soạn thảo, tổ biên soạn dự án luật Nhà giáo mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, cũng phát biểu đồng tình với đề nghị giao việc tuyển dụng GV cho ngành giáo dục.

NHÀ GIÁO PHẢI ĐƯỢC CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ

Dù có nhiều ý kiến trái chiều về quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo, nhưng Bộ GD-ĐT vẫn quyết định đưa quy định về chứng chỉ hành nghề vào dự thảo luật Nhà giáo vừa được công bố.

Dự luật nêu: "Bộ GD-ĐT quy định mẫu giấy chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo" và nêu các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo như sau: Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày luật này có hiệu lực thi hành; nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo (nếu có nhu cầu); nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu; nhà giáo đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lại chứng chỉ hành nghề khi bị mất hoặc hư hỏng.

Người có chứng chỉ hành nghề hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được công nhận tương đương với chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo khi được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà VN là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà VN là bên ký kết và còn hiệu lực.

Theo dự thảo luật Nhà giáo vừa được công bố, nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề

Theo dự thảo luật Nhà giáo vừa được công bố, nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề

ĐÀO NGỌC THẠCH

NƠI NÀO CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ NHÀ GIÁO ?

Về thẩm quyền cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, dự luật quy định: "Cơ quan có thẩm quyền cấp thì có thẩm quyền cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo". Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ cấp chứng chỉ hành nghề đối với giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng, trường cao đẳng sư phạm; giảng viên dự bị đại học thuộc thẩm quyền quản lý.

Sở GD-ĐT cấp chứng chỉ hành nghề đối với GV của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (đối với GV dạy chương trình giáo dục thường xuyên) và giảng viên các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục đại học thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh. Sở LĐ-TB-XH cấp chứng chỉ hành nghề đối với GV trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (đối với GV dạy chương trình giáo dục nghề nghiệp) và giảng viên các trường cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh.

TRÁNH gây phức tạp, khó khăn cho cơ sở giáo dục và nhà giáo

Góp ý về nội dung cấp chứng chỉ hành nghề, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng: "Với quy định này có thể hiểu các cơ sở giáo dục gửi danh sách cán bộ, GV đang làm công tác quản lý, giảng dạy đến sở GD-ĐT để được cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, cần làm rõ nhà giáo đang giảng dạy không phải làm thêm bất cứ khảo sát nào để được cấp chứng chỉ này thì nhà giáo mới yên tâm. Ngược lại, phải làm thêm bất cứ thủ tục nào sẽ rất phức tạp, khó khăn cho cơ sở giáo dục và chính nhà giáo, vì số này lên đến hàng triệu người".

Ngoài ra, dự thảo luật Nhà giáo quy định: "Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ quan công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo". Ông Khang đặt câu hỏi: "Kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề do cấp nào tổ chức, thực hiện lúc nào, mỗi năm mấy lần?". Từ đó ông nêu lên những bất cập: Sinh viên tốt nghiệp CĐ sư phạm (mẫu giáo) hoặc ĐH sư phạm (giáo dục phổ thông)… có bằng cử nhân sư phạm vẫn chưa đủ điều kiện "hành nghề nhà giáo"? "Vậy tại sao không để trường sư phạm làm nốt "kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề" cho trọn vẹn khâu đào tạo nhà giáo?", ông Khang đặt vấn đề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.