Bài: Trần Bá Giao
(Nhân đọc cuốn tự truyện "Để gió cuốn đi" của Ái Vân)
Chị không muốn dùng từ hồi ký vì nghe nó có vẻ hợp hơn với những người tên tuổi. Chị không muốn nhận mình là người nổi tiếng nên chị dùng khái niệm tự truyện để kể về cuộc đời mình. Nói như nhà văn Nguyễn Quang Lập khi nhận xét về cuốn tự truyện của Ái Vân là: “Nhưng trước tiên và trên hết là một chữ thật tràn lên tất cả mấy trăm trang sách, chữ thật của một nghệ sĩ xinh đẹp yêu đời, yêu người và yêu nghề”.
Vâng! Cũng như Nguyễn Quang Lập, tôi cảm nhận được sự chân thật của những điều Ái Vân đã nói ra trong tập sách. Không tô vẽ, không bình luận phê phán một ai ngay cả đối với những nhân vật vô tình hay hữu ý tác động xấu đến Ái Vân và đại gia đình của chị. Vì vậy, như lời Ái Vân trích dẫn lời một bài hát của Trịnh Công Sơn ở đầu cuốn sách: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”.
Cuốn sách "Để gió cuốn đi" đã mở ra cho chúng ta một mảng hiện thực cuộc sống của một gia đình nghệ sĩ thuộc lớp các nghệ sĩ ca múa nhạc nửa cuối của thế kỷ XX ở Việt Nam. Không! Nghệ sĩ Ái Vân ơi - chị nghĩ những điều chị nhớ lại và viết ra chỉ là “Để gió cuốn đi” để giải tỏa sự ẩn ức bao năm trong cuộc đời chị. Nhưng sự thật là tấm lòng của chị đã chạm đến trái tim tôi - một bạn đọc cuốn sách của chị.
Tôi muốn giới thiệu đến độc giả một cuốn sách đáng đọc để hiểu về các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật một thời đã qua, về những năm tháng nghệ sĩ đồng hành cùng dân tộc vượt qua chiến tranh để có cuộc sống hòa bình như hôm nay. Có thể có nhiều cách tiếp cận “Để gió cuốn đi” của Ái Vân, nhưng dưới đây tôi xin trình bày ý kiến của cá nhân mình về quyển tự truyện này của chị.
1. Một gia đình nghệ sĩ có đóng góp lớn cho nền nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam
Gia đình Ái Vân là một gia đình nghệ sĩ có tiếng tăm. Bà ngoại của Ái Vân - bà Trần Thị Sinh - là một nghệ sĩ cải lương. Mẹ chị là Nghệ sĩ Ái Liên - một nghệ sĩ cải lương nổi danh từ những năm 30 của thế kỷ XX. Ba của Ái Vân là công tử Hà Thành: Hà Quang Định. Một điều rất lý thú là bà ngoại của Ái Vân lại là vợ của ông Lê Văn Thuyết - một nhà cách mạng tiền bối là bạn của Bác Hồ. Nói ra trong cuốn tự truyện của mình, Ái Vân cho biết gia đình nghệ sĩ Ái Liên luôn được Bác Hồ quan tâm, nhưng bà ngoại của Ái Vân cũng như ba má Hà Quang Định - Ái Liên không muốn khoe ra điều đó - đấy là sự tự trọng của một gia đình nghệ sĩ chân chính.
Ái Vân kể những chuyện ấy ra nhưng muốn nhấn mạnh ý thức tự trọng của một gia đình nghệ sĩ. Sức hấp dẫn của cuốn tự truyện được tô điểm bằng những chi tiết chân thực, bằng những nhân vật như vậy. Một số tình tiết khác nữa trong cuốn truyện cho ta thấy gia đình Ái Vân thực sự có đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà: từ mẹ Ái Liên đến chị Ái Loan (đã mất năm 1958) rồi đến Ái Vân, Ái Xuân, Ái Thanh và một số người anh của Ái Vân được kể đến trong cuốn tự truyện “Để gió cuốn đi”.
Một trong những nhân vật được Ái Vân nói đến nhiều nhất trong cuốn tự truyện của mình tuy không phải là nghệ sĩ biểu diễn nhưng lại là một nhân vật có ảnh hưởng lớn đến cả gia đình - đó là ông Hà Quang Định - người chồng của nghệ sĩ Ái Liên - là cha của mười bốn người con trong đại gia đình nghệ sĩ đó. Hà Quang Định, một chàng trai hào hoa Hà Thành, là người từng có vợ (đã mất do hậu sản) và ba con, lại cưa đổ “chim họa mi” đất Bắc khi lưu diễn ở Sài Gòn (nơi Hà Quang Định đang làm công việc chào bán ô tô cho một hãng xe nổi tiếng thế giới).
Dưới con mắt của Ái Vân, người cha Hà Quang Định là thần tượng. Ông chính là người đàn ông lý tưởng. Bởi Hà Quang Định dù trong hoàn cảnh nào cũng hết lòng với vợ và con. Cuộc đời thăng trầm của một công tử Hà Thành, một chàng trai hào hoa thực sự là một tấm gương về một người đàn ông yêu nghệ thuật, người chèo lái cho con thuyền nghệ thuật trong gia đình tài danh của nghệ sĩ Ái Liên, thuộc đại gia đình nghệ thuật ca kịch Việt Nam.
2. Một thời để nhớ của nền ca kịch Việt Nam
Trong trí nhớ của Ái Vân, những năm 60 - 70 - 80 của thế kỷ XX là một thời để nhớ của các nghệ sĩ ca nhạc kịch Việt Nam. Nhiều người chưa biết các nghệ sĩ sống và biểu diễn như thế nào trong giai đoạn những năm trước và sau giải phóng miền Nam. Hãy xem từ chương VIII đến chương XIII thì sẽ rõ. Tôi thật sự xúc động khi đọc chương XII - chương ca hát thời bao cấp. Từ việc đi Pắc (tiếng lóng của các ca sĩ biểu diễn theo hợp đồng ngoài luồng - nghĩa là hợp đồng tự do của một nhóm nghệ sĩ tự tạo dựng ký kết) đến việc đi buôn khi có dịp đi biểu diễn nước ngoài.
Bao chuyện “cười ra nước mắt” được Ái Vân kể lại với giọng kể rất dí dỏm, có duyên - thì ra, chị cũng có khiếu viết văn lắm đấy! Ở những mẩu chuyện đó ta thấy sau ánh hào quang trên sân khấu và một phần nào đó ở ngoài đời là cuộc sống vất vả mưu sinh của các ca sĩ - nghệ sĩ. Ta càng thêm yêu và trân trọng những nghệ sĩ dù trong hoàn cảnh nào vẫn đem lời ca tiếng hát đến cho công chúng yêu nghệ thuật, nhất là những chiến sĩ đang bảo vệ Tổ quốc, đến những giáo viên và học sinh, những người lao động dù cuộc sống còn gian khó nhưng rất yêu nghệ thuật. Nghệ thuật mạnh hơn bom đạn đã được Ái Vân khẳng định qua những trang viết đó - Đúng là: “Cuộc đời vẫn đẹp sao”!
3. Những người chồng của Ái Vân
Cuộc sống của Ái Vân bây giờ thật hạnh phúc. Nhiều người đã biết những sóng gió của Ái Vân trong đường tình duyên qua những lời đồn đoán. Đến nay khi cuốn tự truyện “Để gió cuốn đi” ra đời ta mới hiểu thế nào là “số phận” của một con người tài sắc mà truân chuyên - Ái Vân. Những chương chị viết về “Tập 1” rồi “Tập 2” của chị sao thấy thương chị thế! Ái Vân đã viết ra một phần cuộc đời mình. Những gì đã qua đúng là Để gió cuốn đi - nhưng đó là số phận.
Chị kể lại cuộc đời mình với một thái độ tôn trọng quá khứ, vì thế chị không thể hiện sự oán hận hay thù ghét số phận của mình. Tôi đọc những chương này với sự thương cảm và trân trọng bởi tôi đã hình dung được những giọt nước mắt của Ái Vân. Số phận rồi cũng bù đắp cho chị khi chị đang sống với “Tập 3” đã trên hai mươi năm. Tôi tin và cầu chúc cho chị sẽ được hạnh phúc đến cuối đời.
4. Nỗi lòng của người xa xứ
Nhiều người rời xa đất mẹ Việt Nam nhưng tôi tin là trong trái tim họ luôn luôn có một phần dành cho quê hương, nguồn cội của mình. Ái Vân - một nghệ sĩ từng được nhà nước ưu ái - lại trốn sang Tây Đức - Vì sao? Câu hỏi đó có lời giải đáp khi Ái Vân nói về những đau khổ của mình về chuyện gia đình. Trong cuốn tự truyện chị còn nói một số người rời khỏi đất nước Việt Nam cũng có nhiều lý do mà mọi người có thể thông cảm cho họ. Tôi tin vào những điều chị viết - xin hãy mở lòng để hiểu về những thân phận, những con người vì lý do này hay lý do khác phải rời xa quê hương xứ sở, đó là điều Ái Vân gửi đến bạn đọc qua cuốn tự truyện của chị ở những chương XV và XVI.
5. Những tình cảm biết ơn chân thành
Ái Vân kết thúc cuốn tự truyện của mình bằng chương vĩ thanh để bày tỏ lòng biết ơn với mọi người nhất là đối với những người thầy, người bạn của mình. Nhiều chương của cuốn “Để gió cuốn đi” đã nói lên điều đó. Những người thầy như nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, người cha nuôi Bảo Định Giang rồi thầy Lô Thanh, bạn Quang Thọ, Đặng Hữu Phúc, Lệ Quyên,... xin độc giá đọc lời cảm tạ của Ái Vân ở cuối cuốn sách.
Ngay cả những người thầy, người bạn gặp gỡ sau này như Phạm Duy, Hoàng Thị Thơ cùng Trung tâm Thúy Nga, Ái Vân cũng không bao giờ quên ơn - xin được chia sẻ những tình cảm chân thành của chị. Và tôi với tư cách là một độc giả, xin được cám ơn chị đã đem đến cho mọi người tình yêu cuộc sống, tình yêu con người và tình yêu văn học - nghệ thuật bằng một cuốn sách ngôn ngữ sinh động, giọng văn chân thật, giàu chất văn chương.