Trình diễn thời trang lấy cảm hứng từ truyện cổ tích
Trong nhiều năm gần đây thời trang đã lấy cảm hứng từ thế giới truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn và phim hoạt hình. Thực tế thời trang và truyện cổ tích đều có một điểm chung từ kể chuyện, thoát ly khỏi thực tế. Cả hai cùng kể một câu chuyện đẹp có, xấu có. Nhà mốt Alexander McQueen, người luôn nuôi dưỡng tác phẩm của mình bằng tầm nhìn vạn hoa đã có buổi trình diễn Givenchy Haute Couture vào năm 1998 đến từ những thế giới xa xôi, bao gồm các hoàng tử trên lưng ngựa, các công chúa và thậm chí cả Robin Hood hiện đại.
Buổi trình diễn thời trang xuân hè 2025 của Coperni diễn ra tại Disneyland Paris
ẢNH: @COPERNI
Nhà mốt Ý, Dolce&Gabbana thường được lấy cảm hứng từ thế giới trong truyện cổ tích. Buổi trình diễn thời trang thu đông 2014 lấy bối cảnh trong một khu rừng đầy mê hoặc. Tại một thời điểm nhất định, cô bé quàng khăn đỏ cũng xuất hiện, mặc bộ đồ trông giống lông sói. Hai năm sau, đối với bộ sưu tập A/W 2016, các nhà thiết kế người Sicily đã sáng tạo lại Cinderella, để các người mẫu diễu hành với một chiếc xe ngựa khổng lồ phía sau họ.
Khi thời trang là một trò chơi
Nguyên mẫu của "Cô bé quàng khăn đỏ" cũng được Comme Des Garçons xem lại vào năm 2015, trong một phiên bản gothic và bởi Maria Grazia Chiuri vào năm 2021. Đặc biệt, buổi trình diễn của Dior được lấy cảm hứng từ những câu chuyện cổ tích đen tối, với những chiếc váy ca rô và tạp dề như của Alice ở xứ sở thần tiên. Chương trình khép lại với chiếc váy màu đỏ rực của Queen of Hearts.
Bộ sưu tập xuân hè 2025 của nhà mốt Coperni là một câu chuyện có thật: âm nhạc và ánh sáng nhấn mạnh những khoảnh khắc căng thẳng, cao trào của cốt truyện, sự xuất hiện của những nữ hoàng "ác quỷ" và sau đó là chiến thắng của các công chúa, trong một vũ hội đương đại hoành tráng, nơi họ mặc quần jeans với những đường tàu dài đến mắt cá chân. Những bộ quần áo ban đầu gợi nhớ đến thời thơ ấu, bao gồm những con bướm, hoa và vũ công ba lê 3D, sau đó chạm đến những hình bóng nổi tiếng nhất của Disney: chiếc túi có tai chuột Mickey và chiếc váy có sừng của Maleficent gần như là một mặt hàng tinh vi. Và chắc chắn là rất dễ bán.
Cảm hứng từ truyện cổ tích Việt Nam lên sàn diễn Trung Quốc
Trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Trung Quốc xuân hè 2025 vừa diễn ra ở Bắc Kinh, Trung Quốc, các nhà thiết kế Việt Nam trình làng 4 bộ sưu tập mang tên Chín tầng mây, Truyện cổ tích Việt Nam, 12 mùa hoa và Ả Đào Thị. Các bộ sưu tập nằm trong dự án Việt Nam đa sắc với ý nghĩa mang nét đẹp văn hóa Việt đi muôn nơi. Với ý tưởng từ những câu chuyện về cội nguồn, về tinh thần bất khuất, kiên trung của dân tộc, bộ sưu tập Truyện cổ tích Việt Nam của nhà thiết kế Nguyễn Minh Công tái hiện các chủ đề: Con Rồng cháu Tiên, Thánh Gióng.
Trong gam màu rực rỡ và đầy ngọt ngào, mỗi thiết kế đều là một câu chuyện mang đậm màu sắc văn hóa dân gian - dân tộc Việt Nam được chuyển thể khéo léo qua ngôn ngữ cùng những sắc màu thời trang đương đại.
Chúng ta có cần quay lại làm trẻ con không?
Nhà thiết kế Đoàn Như (Viện thiết kế trang sức, thời trang MUS) chia sẻ: "Truyện cổ tích đại diện cho nỗi hoài niệm tuyệt đối nhất: nỗi nhớ tuổi thơ. Không chỉ các nhà mốt lớn mà ngay cả trong nước, những nhà thiết kế và thương hiệu thời trang cũng đã và đang lấy ý tưởng từ các câu chuyện cổ thích, thần thoại để sáng tạo ra tác phẩm". Disney đang tập trung phần lớn nỗ lực vào việc chuyển thể phim hoạt hình thành một hoạt động hướng tới những người trưởng thành ngày nay, những người đã lớn lên cùng những nàng công chúa của ngày hôm qua. Bản live-action "Nàng tiên cá" đã khiến xu hướng nàng tiên cá bùng nổ, lây lan sang thời trang. Nó có vẻ giống như một trường hợp chung của hội chứng Peter Pan - mãi mãi là một đứa trẻ. Một hiện tượng nói lên rất nhiều điều về thời đại chúng ta đang sống - nếu niềm tin vào tương lai bị lung lay thì tốt hơn hết chúng ta nên ẩn náu dưới vỏ bọc của những ký ức, về một thời mà mọi thứ đều ổn. Khi kẻ xấu chỉ là tờ giấy thì cuối cùng người tốt luôn chiến thắng.
Buổi trình diễn mới nhất của Coperni tại Disneyland không phải là bước đột phá duy nhất của thời trang vào thế giới tuổi thơ và truyện cổ tích. Suy cho cùng, chẳng phải quần áo là một cách để mơ ước ngay cả khi đã trưởng thành sao?