Nghệ sĩ cải lương lấn sân kịch nói

Hoàng Kim
Hoàng Kim
09/06/2024 07:07 GMT+7

Mới đây, vở kịch 'Má ơi Út dìa' của Nhà hát IDECAF (TP.HCM) có sự tham gia của cô đào cải lương Huyền Trâm đã khiến khán giả thú vị. Và mọi người cũng thấy ngôi sao cải lương Võ Minh Lâm trong vở kịch thiếu nhi 'Thế giới đồ chơi và câu chuyện chú bé Rồng' tại sân khấu 5B, góp phần làm tưng bừng bao nhiêu suất diễn.

NHỮNG "PHÁT HIỆN" TUYỆT VỜI

Nhân dịp đạo diễn Minh Nguyệt vừa tái dựng vở Tiếng chim vườn ngọc lan tại 5B (tên mới là Tiếng chim vườn ngọc), người ta chợt nhớ đến NSND Diệp Lang từng đóng vai người cha của anh thợ bạc Trần Hùng cách đây 25 năm, quả là một "phát hiện" tuyệt vời.

Nghệ sĩ cải lương lấn sân kịch nói- Ảnh 1.

Võ Minh Lâm (phải) và Lê Chi Na trong vở Tiếng chim vườn ngọc

H.K

Ngày đó, khi nghe đồn Diệp Lang đóng kịch, người ta đã xôn xao. Nhưng khi bước vào khán phòng, khán giả mới ngỡ ngàng và khâm phục tài năng của một nghệ sĩ cải lương lão luyện. Diệp Lang được báo chí và đồng nghiệp lẫn khán giả khen ngợi rất nhiều ở chỗ ông đóng kịch mà không hề "lộ" chất cải lương, đóng kịch rất ra chất kịch.

Sau đó không lâu, người ta thấy hàng loạt nghệ sĩ cải lương tài năng đã tham gia kịch nói, góp phần làm nên một giai đoạn hưng thịnh của kịch nói TP.HCM. NSND Ngọc Giàu và nghệ sĩ Hồng Nga trở thành hai "cái tên bán vé" của ông bầu Phước Sang tại Kịch Sài Gòn. Một người là đào thương, một người là đào lẳng, nhưng hai nghệ sĩ đều có thể hoán đổi vị trí cho nhau, nghĩa là đóng mùi độc lẳng đều được, và ăn ý đến nỗi vở nào đạo diễn cũng ráng phân vai cho hai bà đóng chung để tung hứng ngoạn mục. Hoặc nếu không thì mỗi vở phải có một bà để hút khán giả. Ngọc Giàu từng làm khán giả khóc như mưa trong vở Áo đợi người, với vai bà mẹ có những đứa con vô tâm, chỉ duy nhất cô con dâu hiếu thảo vừa qua đời đã kéo mọi người trở lại gần gũi nhau và biết phụng dưỡng mẹ già. Còn Hồng Nga vai bà mẹ bình dân trong Xóm gà đã chấp nhận làm cái nghề không mấy tốt đẹp để nuôi con gái ăn học thành tài, với ước mong con thoát khỏi hoàn cảnh như mình. Nhưng cô gái đã không hiểu lòng mẹ, cư xử khiến bà đau lòng. Khán giả mà xem Hồng Nga diễn thì cứ là chuẩn bị khăn để lau nước mắt, hoặc ngược lại, chuẩn bị ôm bụng mà cười đến quặn ruột, không hổ danh hiệu "nữ quái" của diễn viên gạo cội này. Hồng Nga đóng kịch nhiều vô số, ra cả Nhà hát Hòa Bình "quậy tưng" trong vở Tình nghệ sĩ. Còn Ngọc Giàu thì sang cả 5B gây ấn tượng trong nhiều vở, chẳng hạn Chưa yêu sao hiểu được.

NSƯT Bảo Quốc cũng là một nghệ sĩ cải lương, nhưng đóng kịch cho sân khấu Phú Nhuận của bà bầu Hồng Vân rất ngọt. Ông tham gia rất nhiều vở, nhưng ấn tượng tuyệt đẹp thuộc về vai Nhan Tấn trong vở kịch sử hoành tráng Nỏ thần. Ông từng nói: "Tôi phải diễn cực kỳ kỹ lưỡng, để khán giả "quên" Bảo Quốc đi mà chỉ nhớ đến Nhan Tấn".

NGUỒN DIỄN VIÊN BỔ SUNG CHO KỊCH NÓI

Thế hệ nối tiếp có NSND Hữu Quốc, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Tú Sương, NSƯT Quỳnh Hương trở thành trụ cột của nhiều vở tại 5B. Trong vở Diều ơi, Thoại Mỹ đóng vai cô Hai bị phụ tình nên mất trí, và Quỳnh Hương vai bà mẹ phải vừa nuôi con gái lẫn đứa cháu ngoại đỏ hỏn, thế nhưng mái ấm cơ cực đó vẫn ngập tràn hạnh phúc, yêu thương, và khán giả đã khóc sưng mắt vì hai nghệ sĩ này diễn quá giỏi. Thoại Mỹ là "ngôi sao" đào thương, còn Quỳnh Hương chuyên trị các vai độc lẳng của cải lương, nhưng khi vào kịch nói thì chị nổi tiếng đóng bi với vóc dáng gầy gầy và gương mặt khắc khổ đủ làm người ta lay động. Còn Hữu Quốc và Tú Sương đã gặp nhau trong vở Tình lá diêu bông diễn suốt mấy năm trời vẫn có khách xem.

Nghệ sĩ cải lương lấn sân kịch nói- Ảnh 2.

Huyền Trâm (phải) và Quốc Thịnh trong vở Má ơi Út dìa

Thế hệ mới nhất có Võ Minh Lâm, không chỉ đóng kịch thiếu nhi mà còn tham gia vai chính trong vở Tiếng chim vườn ngọc, Bên đàng dệt mộng, toàn những vai có tính cách và tâm lý phức tạp. Minh Lâm nói: "Tôi đóng kịch thiếu nhi vì thấy gần đây có nhiều vụ bạo hành hoặc các em học hành quá mệt, nên mình muốn bù đắp đôi chút cho các em, để nâng niu, chăm sóc tuổi thơ. Tuổi thơ có đẹp và yên bình thì khi lớn lên các em sẽ sống tốt hơn. Còn cát sê, nói thiệt không đủ để tôi mua bánh kẹo tặng các em trong mỗi suất diễn, phải lấy tiền túi bù thêm, nhưng tôi rất vui. Sau này có được mời thì tôi lại tham gia nữa".

Thật sự thì kịch nói đôi khi cũng thiếu đào kép phù hợp nên phải tăng cường nghệ sĩ cải lương. Và đôi khi ông bà bầu cũng muốn nghệ sĩ cải lương kéo được fan của họ đến xem kịch. Tuy nhiên, vở diễn cũng phải chất lượng thì mới thành công chứ không chỉ viện vào nghệ sĩ.

Điều thú vị nữa là có vài đạo diễn biết khai thác sở trường cải lương của nghệ sĩ nên đã để họ hát một chút ca cổ, thế là khán giả vỗ tay rần rần. Trong vở Chưa yêu sao hiểu được, Ngọc Giàu hát câu vọng cổ ngọt lịm khiến khán giả mê mẩn. Hồng Nga, Quỳnh Hương cũng thường cất giọng hò hoặc ru với những làn điệu ngũ cung đốn tim người xem. Thật sự là những điểm xuyết cho vở kịch thêm đậm đà, xao xuyến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.