Để tìm hiểu thêm loại hình dân gian này, chúng tôi tìm đến nhà Nghệ nhân Ưu tú Đỗ Thiếu Sơn (tên thường gọi Lê Đức Hiền, 62 tuổi, ngụ xã Long Phước, H.Long Hồ, Vĩnh Long), một nghệ nhân lão làng trong tạo hình bằng trái cây.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Sơn cho biết việc tạo hình các con vật bằng trái cây là nghề truyền thống của gia đình, có từ thời ông nội ông. “Từ nhỏ, tôi thường xuyên theo cha và ông nội làm, được hướng dẫn rất kỹ nên năm 14 - 15 tuổi đã tự nhận tác phẩm để làm”, ông Sơn kể.
Chỉ dành cho nhà khá giả
Đề cập đến cổng cưới ở miền Tây, ông Sơn cho biết lúc trước cổng cưới đa phần tết bằng lá dừa và trái cây, nhưng rất ít người làm được hình rồng, phượng. Khoảng năm 2005, khi những chiếc cổng cưới cầu kỳ bằng khung sắt, hoa vải đủ màu sắc với giá cả phải chăng xuất hiện thì cổng cưới truyền thống dần mất hẳn. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, cuộc sống người dân dư dả hơn thì họ chú ý đến việc trang trí đám tiệc. Nhờ đó, những chiếc cổng cưới truyền thống xuất hiện trở lại, song không phải gia đình nào cũng có khả năng làm được bởi giá cả khá cao.
Theo ông Sơn, hiện nay một chiếc cổng cưới truyền thống (gồm vật tư và nhân công) có giá từ 4 - 15 triệu đồng, còn mâm quả chưng có khi lên đến 5 triệu đồng. Thường thì các gia đình khá giả mới dám chưng mâm quả này, bởi khi nghệ nhân làm xong phải xịt một loại hóa chất vào giữ cho tươi, sau tiệc chỉ bỏ chứ không ăn được. Trong khi đó, nếu thuê một bộ cổng cưới hiện đại bằng khung sắt, hoa vải đủ màu chỉ chừng 1 triệu đồng đổ lại và mâm trái cây vài trăm ngàn là có ngay. “Năm trước, tôi có làm cổng cưới cho một gia đình ở TP.Vĩnh Long với giá 15 triệu, nhưng chỉ có cổng “loan phụng hòa minh” và “long tầm tri kỷ” (rồng đến chúc mừng vợ chồng đoàn kết, thương yêu nhau - PV), còn tiền hoa làm đường dẫn vào hơn 10 triệu đồng là riêng nữa”, ông Sơn kể.
Cũng theo ông Sơn, có người khi làm cổng cưới không biết do không am hiểu ý nghĩa hay do yêu cầu của chủ nhà mà họ làm chưa đúng. Bởi cổng đám cưới không nên làm rồng - phụng, vì hai con này không là vợ chồng được, nó chỉ là tri kỷ của nhau thôi. Muốn là vợ chồng phải làm cặp rồng hoặc cặp phụng mới đúng nghĩa. Hoặc khi là thế “long thăng” thì phải chân trước, chân sau thể hiện đang đạp mây bay, còn “long giáng” hai chân trước ngang nhau chuẩn bị đáp…
Vật liệu càng khó tìm càng độc, lạ
Khoảng năm 1978, ông Sơn đã tham gia làm các tác phẩm trưng bày tại lễ hội ở TP.HCM, chủ yếu là mâm quả tạo hình long - lân - quy - phụng, hoặc theo chủ đề lễ hội. “Nét đặc trưng ở miền Tây là mâm quả chưng 3 mặt. Nghĩa là đứng nhìn chiều nào cũng ra hình dáng con vật, không như những vùng khác chỉ chưng có một mặt”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết đối với mâm quả, nếu đám hỏi chỉ chưng một con phụng. Đám cưới thì nhà trai chưng long - phụng, nhà gái chưng loan - phụng. Để làm một tác phẩm tạo hình trái cây phải mất hơn 1 tuần. Đặc biệt quan trọng là phần sườn, đẹp hay xấu do phần này quyết định. Bên cạnh đó, việc tìm vật liệu phù hợp để tạo ra tác phẩm cũng không kém quan trọng.
Những vật liệu cơ bản như lá dừa, dừa nước, đủng đỉnh, khóm, thơm, cóc kèn…và các loại trái cây quen thuộc của miền Tây sông nước luôn được lựa chọn. Nhưng tác phẩm có bắt mắt, độc đáo và lạ hay không là nhờ sự phối hợp của các vật liệu. Những thứ càng khó tìm, càng lạ thì mới hút được ánh nhìn. Phải lựa thật kỹ trong mớ hỗn độn đó để có vật liệu phù hợp với tác phẩm. Chẳng hạn như ớt, mỗi trái có độ cong, dài, màu sắc khác nhau thì phải lựa kỹ mới làm được bộ vây rồng đẹp mắt. Phần nền cũng không kém phần quan trọng, kết hợp các loại hoa, quả sao cho phần hình thú bên trên nổi lên không lẫn vào phần nền mới đẹp.
Mong được truyền nghề miễn phí
Mấy chục năm làm nghề ông Sơn đã đoạt không biết bao nhiêu giải thưởng. Nhưng với ông, nghề nào cũng có thăng trầm nên cả 3 người con của mình ông không cho ai theo nghề mà chỉ dạy lại cho các “đệ tử”.
Ông chia sẻ để làm được nghề này phải có tư duy tốt, đó cũng chính là cốt lõi thành công của một tác phẩm. “Muốn làm cho đẹp thì cần đi đó, đi đây học hỏi người ta. Học là học cái hay chứ không phải sao chép của họ, phải giữ nét riêng của mình. Ví như làm đầu con rồng cũng vậy, từ Long An về đây, chỉ cần nhìn đầu rồng là tôi biết ai làm ngay”, ông Sơn chia sẻ.
Giờ lớn tuổi, sức khỏe yếu nên ông Sơn không còn làm được như trước. Do đó, ông rất mong muốn được truyền nghề. “Làm cái này phải có đam mê mới được. Tôi vẫn mong muốn giữ nghề nên nếu ai thích nghề này cứ đến, tôi sẽ dạy miễn phí”, ông Sơn tâm sự.
Với những đóng góp của mình, năm 2015, ông Sơn đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và vinh dự được đại diện cho các nghệ nhân tỉnh nhà sáng tạo mâm chưng “Về nguồn” tại đền Vua Hùng (Phú Thọ) nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.
|
Ảnh: Xuân Phúc