Mua sắm và nghiện mua sắm thời trang diễn ra như thế nào?
Laura Horton đi thăm anh trai ở California (Mỹ) thì phát hiện ra cửa hàng gần đó có chiếc váy giảm giá 10 đô la - món đồ thiết kế đầu tiên mà cô có đủ khả năng mua. Khi trở lại Vương quốc Anh, thay vì khoe sự phát hiện may mắn này với những người bạn cùng sở thích thời trang thì Horton lại biến nó thành việc cô chủ động mua món đồ xa xỉ này với giá cả đắt đỏ như quảng cáo - trong sự vui sướng mãnh liệt.
Hưởng niềm vui theo cách này, Horton dường như đã không ngừng lại được việc mua sắm thời trang. Cô thường trực cảm giác hãnh diện khi sở hữu các món đồ hàng hiệu. Cô cảm thấy mình được "thăng cấp" trong nhóm bạn cùng đam mê. Horton tận dụng thời gian làm việc tự do để xếp hàng từ 5 giờ sáng hoặc đi khắp thành phố để "săn sale".
Horton mua đôi giày Vivienne Westwood Mary Jane chỉ với 20 bảng Anh, chiếc váy cashmere của Christopher Kane chỉ với 10 đô la… Tuy nhiên, có tới khoảng 70% các thiết kế của Alexander McQueen, Stella McCartney, Preen và Chanel mà Horton mua không vừa.
Chị Vân (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) đam mê mua sắm thời trang hàng tuần, thậm chí hàng ngày - chị đặc biệt "săn giờ vàng" trên livestream của các shop bán hàng online để mua được những món đồ giảm kịch giá. Chị Nhung (Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội) cũng vậy. Cho rằng giá đồ ở các "giờ vàng" livestream rất "hời" nên chị không bỏ lỡ. Dù đang nấu cơm, chăm con hay soạn đồ đi làm chị vẫn để máy điện thoại ở chế độ theo dõi trực tiếp nhằm kịp "chốt" đồ. Cả chị Vân và chị Nhung đều thừa nhận rằng phần lớn số đồ mà các chị "chốt đơn" không sử dụng đến (không mặc kịp, mặc không vừa, không hợp, không có dịp mặc…).
Chị Nhung có 6 tủ đồ như này trong nhà. Không có đủ thời gian sắp xếp, đồ của chị thường xuyên lộn xộn. Chị cũng không nhớ hết các món mình đã mua, đang có
Theo các chuyên gia, thời trang vừa là nhu cầu thiết yếu cũng vừa là thứ tiêu sản. Điều đó khiến cho hành vi mua sắm thời trang trong nhiều trường hợp khó phân biệt, kiểm soát.
Ranh giới của mua sắm thông thường và nghiện mua sắm thời trang
Khi kinh tế trung bình người ta mua sắm thời trang theo nhu cầu cơ bản (đồ đi làm, đi chơi…) hoặc theo dịp (tết, hè, kỷ niệm…) hoặc các lý do hợp lý khác. Khi có vấn đề về tâm lý hay gặp sự cố nào đó thì hành vi mua sắm thay đổi. Người ta không mua theo nhu cầu mà mua theo tâm lý hay quảng cáo. Đây chính là ranh giới của việc mua sắm thời trang bình thường và nghiện mua sắm.
Theo Viện Tâm lý Việt - Pháp: "Với nhiều người, việc mua sắm món đồ mới là một trong những cách ứng phó với căng thẳng cuộc sống. Ở một số người, hành vi mua sắm có thể mang lại cho họ cảm xúc vui vẻ, cảm nhận về việc đạt được thành tựu và phần thưởng. Não bộ của họ có thể tiết ra các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine - liên quan đến sự hưng phấn, tò mò, và ham muốn; endorphin - giúp giảm đau, tạo cảm giác dễ chịu; serotonin - liên quan đến cảm nhận hạnh phúc. Mua sắm có thể giúp tiết ra những chất dẫn truyền thần kinh này ngay lập tức và duy trì trong một khoảng thời gian ngắn, khiến con người yêu thích cảm giác mà nó mang lại và mong muốn được lặp đi lặp lại hành vi nhiều lần. Xét về cơ chế này, nghiện mua sắm là một dạng nghiện hành vi, có nhiều điểm khá tương đồng với nghiện rượu, nghiện internet, nghiện cờ bạc…".
"Mua sắm thông thường là mua những đồ mà mình cần và có nhu cầu sử dụng; không có cảm giác về việc như bị cưỡng bức mua sắm (biết rằng không nên mua nhưng không dừng lại được); không gây ra những hậu quả đau khổ về tài chính; chỉ diễn ra đôi khi hoặc theo những dịp cụ thể (như mua sắm nhiều hơn vào mùa lễ hội, mùa sale...). Trong khi đó, nghiện mua sắm là có cảm giác về việc như bị cưỡng bức mua sắm (biết rằng không nên mua nhưng không dừng lại được), mất khả năng kiểm soát về việc mua sắm; gây ra những hậu quả đau khổ về tài chính; hành vi mua sắm mất kiểm soát diễn ra với tần suất dày đặc, thường xuyên…", Viện Tâm lý Việt - Pháp giải thích.
Ranh giới mỏng manh nhưng hệ quả có thể rất lớn, đó là đặc trưng của các chứng bệnh tâm lý. Trong đó, chứng nghiện mua sắm thời trang được xem là một trong những ví dụ điển hình và số lượng bệnh nhân của nó ở thể từ nhẹ đến nặng không phải là ít. Chuyên gia viện Tâm lý Việt – Pháp nhấn mạnh: "Hành vi mua sắm vô độ có thể mang lại những hệ quả với cá nhân như vướng phải nợ nần, nhận phải chỉ trích từ những người xung quanh, cảm giác tội lỗi và hối hận sau những lần "vung tay quá trán", gây tác động tiêu cực tới hình ảnh bản thân và cảm nhận hạnh phúc".
Cũng như các chứng bệnh tương tự, để không bị "nghiện", tốt nhất các tín đồ đặt ra các quy tắc, giới hạn. Ví dụ như đặt hạn mức chi tiêu thời trang, khoanh lý do "được phép" mua (bổ sung), tạo ra các cảnh giới (chia sẻ và tiếp nhận lời khuyên, sự can ngăn của bạn bè, người thân…), xây dựng "danh sách" thời trang đen gồm các shop bán sản phẩm đẹp nhưng chất lượng kém, marketing hấp dẫn nhưng không thiết thực… hoặc hạn chế theo dõi quảng cáo thời trang nhằm tránh bị "thao túng" tâm lý.
Kiểm soát và tự đặt giới hạn về việc mua sắm thời trang cho mình không chỉ tránh gia tăng một chứng bệnh tâm lý phổ biến mà còn là cách tận hưởng trọn vẹn thú vui và các hiệu ứng tích cực khác từ thời trang.
Ảnh: Viện Tâm lý Việt - Pháp, Telegraph UK, Quảng Hà, Fashion Journal