Bài: Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM
Bộ luật hình sự 2015 có những quy định mới về phạt tù người ngoại tình. Luật sư có thể cho biết cụ thể thêm về những quy định mới này?
Thy Anh (Quận Tân Bình, TP.HCM)
Việc ngoại tình không những vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình theo pháp luật Việt Nam vì vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy với nhau. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Nếu người nào vi phạm thì có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung một số trường hợp được coi là tình tiết định tội, nhưng thực chất chỉ là luật hóa quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLTBTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/09/2001 về việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XV "Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình" của Bộ luật Hình sự năm 1999. Điểm mới của Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 là: nếu hậu quả của việc chung sống như vợ chồng với người khác của người phạm tội mà khiến vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm, nghĩa là tăng nặng hình phạt hơn quy định hiện hành tại Điều 147 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 01 năm). Nhìn chung, quy định mới mang tính rõ ràng hơn so với trước đây.
Mức độ ngoại tình như thế nào mới xử lý hình sự? Trường hợp ngoại tình có mức độ xử phạt cho trường hợp đó?
Theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới đến mức bị xử lý hình sự (phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm). Nếu làm cho vợ, chồng hoặc con của mộttrong hai bên tự sát hoặc đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Là một người có bề dày kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực luật pháp, Luật sư có gặp những trường hợp ngoại tình dẫn đến đi tù chưa?
Như tôi đã nói ở trên, việc xử lý hình sự người phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng không phải là quy định mới mà đã được quy định tại Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Tuy nhiên trên thực tế, từ khi có quy định đó đến nay tôi hầu như không thấy các cơ quan có thẩm quyền xử lý người ngoại tình. Thậm chí, có những trường hợp người chồng ngoại tình, chung sống như vợ chồng với người khác, có con riêng và sau đó yêu cầu ly hôn với người vợ để hợp thức hóa quan hệ hôn nhân với người mà mình ngoại tình. Khi người chồng khởi kiện ly hôn ra Tòa án, Tòa án vẫn chấp nhận yêu cầu ly hôn của người chồng và người chồng cũng không bị xử lý hình sự hay hành chính.
Nếu trường hợp người vợ hoặc chồng ngoại tình dẫn đến hậu quả phải ly hôn thì việc chia tài sản, con cái được quy định thế nào, thưa Luật sư?
Về việc phân chia tài sản
Theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, khi ly hôn thì việc giải quyết tài sản chung của vợ chồng sẽ do vợ chồng thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
- Một là, hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng
- Hai là, công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
- Ba là, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập
- Bốn là, lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, ví dụ như người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn.
Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên. Như vậy, nếu một bên vợ hoặc chồng ngoại tình dẫn đến ly hôn thì họ sẽ gặp bất lợi khi Tòa án xem xét chia tài sản chung.
Về quyền nuôi con
Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Riêng đối với con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.