Bài: Lương Hà
Ảnh: Nguyệt Vy
Nguyệt Vy là một "ca hiếm" trong làng nhiếp ảnh Việt Nam. Tác phẩm của chị từng được trưng bày tại Cung điện Hoàng gia, Stockhom, Thụy Điển năm 2000.
Xin phép được nhắc lại một chút về nữ nhiếp ảnh tài hoa này. Nguyệt Vy là một ca hiếm trong nhiếp ảnh Việt Nam với nhiều tác phẩm đậm chất Việt như “Trở về”, “Chốn xưa”, “Tẩy trần”, “Nguồn Xưa”...đã được các họa sĩ chuyển thể thành các tác phẩm hội họa. Chị cũng từng vinh dự có 20 tác phẩm nhiếp ảnh sánh vai các tác phẩm hội họa của các đại danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Dương Thành... được mang triển lãm tại thư viện của Hoàng gia tại Stockhom, Thụy Điển năm 2000.
Hoa hậu Hồ Quốc Phương được đưa trở về quá khứ một cách chân phương.
Hoa hậu Hồ Quốc Phương được đưa trở về quá khứ một cách chân phương. 60 tháng 10 năm 2017 Thời tiết hôm sáng tác có vẻ không chiều lòng người, trời Paris đang độ chuyển mùa âm u và thiếu nắng. Chẳng có nhiếp ảnh gia nào mong đợi điều đó nhưng nó không thể làm khó được chị: một phụ nữ giàu năng lượng, mạnh mẽ và thoăn thoắt trong từng thao tác. Tôi cũng không giúp được gì cho chị ngoài việc đứng nhìn. Nếu không trực tiếp mục kích thì không thể nào hình dung nổi buổi sáng tác lại vất vả đến vậy. Trên người chị là hai chiếc máy ảnh Nikon với hai ống kính tiêu cự khác nhau để tiện luân phiên hoán đổi. Thời tiết se lạnh, ấy vậy mà trên trán chị rịn kín mồ hôi. Một phần phải vác hai khối sắt nặng hơn 5kg trên người, thường xuyên thay đổi tư thế, còn lại là do chị phải kiêm luôn công việc của một stylist. Chị tỉ mỉ bẻ nắn tư thế của người mẫu, chăm chú hướng dẫn cô người mẫu có gương mặt đẹp sắc sảo, dễ mến nhưng vẫn còn đôi chút gượng gạo khi diễn xuất trước ống kính nhiếp ảnh. Chị đi tới đi tới lui điều chỉnh vị trí của từng đạo cụ để đảm bảo sao cho bối cảnh “phải đúng như thật” như cách chị nói. Chỉ mỗi việc một ấm nước vô tình bị quay vòi ngược hướng cũng không qua mắt được chị. Thiết nghĩ, với yêu cầu cao ấy, có lẽ cũng khó có stylish trẻ nào có đủ độ chín và am hiểu cái hồn xưa để thay chị làm công việc đó.
Hồ Quốc Phương trong vai nàng Tấm đôn hậu sàng gạo để được đi trẩy hội.
Cô người mẫu trẻ lần lượt được phù phép thành các thiếu nữ Việt Nam bước ra từ quá khứ: nàng Tấm đôn hậu lo sàng xong mớ gạo để kịp đi trẩy hội làng, “cô láng giềng” yêu kiều với nụ cười xao xuyến những gã trai làng mới lớn trong ca khúc tiền chiến của Hoàng Quý, cô nữ sinh Gia Long e ấp trong tà áo dài bên chiếc xe đạp cổ... Nhìn người nhớ cảnh, tôi như thấy mình đang có mặt ở quê hương Việt Nam cách nửa vòng trái đất chứ không phải giữa công viên của trời Tây lạnh lẽo. Thì ra không chỉ có hình ảnh của lũy tre, ao làng mới làm ta day dứt nhớ quê mà cả những dáng chị, dáng em trong tâm thức người Việt hễ khi trỗi dậy thì cũng có thể khiến tâm hồn người xa xứ bồi hồi thổn thức!
Một tiết lộ thú vị, nàng Tấm mặc chiếc áo tứ thân ngồi sàng gạo giữa trời thu lạnh Paris, mặc tình để cho bà “phù thủy” Nguyệt Vy chỉnh nắn tư thế kia lại chính là người đẹp Hồ Quốc Phương, gốc Việt đến từ Đức, vừa đăng quang Hoa hậu Việt Nam toàn cầu tại Mỹ và bức hình gửi dự thi cũng là bức hình mang lại giải thưởng thứ hai cho cô: Hoa hậu ảnh. Qua con mắt nghệ sĩ và tài phù phép của Nguyệt Vy, một thiếu nữ vốn được sinh ra và lớn lên tại Đức nhưng lại hiện trên những khung hình thấm đẫm chất Việt hơn cả những cô gái sống ở Việt Nam: e ấp mà vẫn toát vẻ kiêu kỳ, kín đáo mà vẫn quyến rũ đến lạ. Quốc Phương được đưa trở về quá khứ một cách chân phương không pha tạp chút sắc màu hiện đại.
Tuy nhiên, cái tài của Nguyệt Vy không chỉ có thế, gần cuối buổi sáng tác nữ nhiếp ảnh gia phù thủy này lại đưa tôi sang một bất ngờ khác khi thoắt một cái, cô Tấm - Quốc Phương đã biến thành một nàng thổ dân miền biển đẹp hoang dại phủ lên người những mảng rong biển được lấy về từng tận vùng biển Normandie: vô cùng gợi cảm mà chẳng hề pha chút dung tục. Chị bảo cái đẹp của phụ nữ suy cho cùng không phải nằm ở sự phô trương toàn bộ hình thể mà là khi biết cố tình làm cho nó trở nên kín đáo!
Nhiếp ảnh gia Nguyệt Vy chú ý đến từng chi tiết nhỏ của đạo cụ để đảm bảo sao cho bối cảnh “phải đúng như thật”.
Thế rồi chúng tôi kết thúc một ngày sáng tác bằng một cuộc trò chuyện về Việt Nam gần như bất tận. Chị Nguyệt Vy thì vẫn thế, vẫn say sưa nói về những ký ức cũ thời thiếu nữ của chị vốn từng được tôi miêu tả trong một trong bài viết khác về chị trên tuần san Thanh Niên, vẫn là những kế hoạch cho ngày trở về, những ấm ủ sáng tác mới và những trăn trở về một nền nghệ thuật truyền thống đang dần mai một...
Còn với Quốc Phương, tân hoa hậu xinh đẹp này rất thích nói tiếng Việt và nói rất lưu loát. Khó ai nhận ra được cô là Việt Kiều sinh ra ở Đức và chỉ mới về Việt Nam một lần duy nhất năm 12 tuổi. Quốc Phương chia sẻ, cô thường xuyên xem kênh VTV4, luôn được cha mẹ giáo dục về những truyền thống tốt đẹp của người Việt. Tôi phải trố mắt khi Quốc Phương nói lên suy nghĩ: “Phụ nữ Việt Nam là phải có công - dung - ngôn - hạnh, phải giỏi nấu ăn như mẹ”. Cô thích ăn tất cả các món Việt do mẹ nấu và thích được mặc chiếc áo dài Việt Nam nhất. Ấy vậy mà qua ống kính của Nguyệt Vy cô hoàn toàn bất ngờ vì chưa từng nghĩ mình có thể “Việt Nam” đến vậy. Sự nhiệt tình truyền cảm hứng của nhiếp ảnh gia Nguyệt Vy đã giúp cô diễn xuất một cách tự nhiên như không diễn.
Không nhớ rõ có một danh nhân nào đó từng nói: “Nghệ thuật là sự cộng hưởng của những tâm hồn đồng điệu”. Một Nguyệt Vy luôn trăn trở ước mong gìn giữ hồn Việt sẽ tự phát ra nguồn năng lượng hội tụ những con người cùng chất chứa bên trong tâm hồn tình yêu văn hóa Việt và rồi họ sẽ cùng hòa vào nhau làm nên những tác phẩm có giá trị. Đó không chỉ đó là những bức ảnh chị chụp mà gồm cả bài viết này! Sự đồng điệu chung quy là ý thức biết mình đang mang dòng máu Việt vậy.