Bài: Thùy Dung
Nhưng phần lớn những nỗi sợ hãi của trẻ bị người lớn cho là vớ vẩn. Các trẻ từ 6 -12 tuổi phần lớn đều sợ bóng tối, sợ bị bỏ lại một mình; có em sợ các con vật hay sợ độ cao... thậm chí nhiều trẻ sợ tiếp xúc với người lạ hoặc các anh chị lớn. Làm thế nào để con không sợ nữa?
Dưới đây là những cách mà bạn có thể áp dụng:
Không chế nhạo nỗi sợ hãi của trẻ. Chế nhạo hay cười cợt khi trẻ sợ tiếng sủa của một con chó lớn là điều thật tồi tệ với một đứa trẻ trong độ tuổi từ 2 -4. Không chỉ vậy, trẻ trong độ tuổi này còn sợ khi phải tập đi vệ sinh, sợ tắm, sợ tè dầm, sợ bị bỏ một mình, sợ té ngã, sợ đau... Khi thấy trẻ sợ hãi, hãy hỏi để trẻ nói ra cảm xúc của trẻ và giải thích ý nghĩa của sự việc. Ví dụ tiếng sủa là tiếng nói của con chó để báo hiệu cho chủ nhà biết có khách lạ. Vào những lúc khác, bạn có thể cho trẻ đến gần hay vuốt ve những con chó nhỏ và đừng quên dạy trẻ nguyên tắc an toàn khi chơi với thú nuôi.
Ai cũng có nỗi sợ hãi. Nếu những nỗi sợ của người lớn có vẻ rất rõ ràng và chính đáng, thì nỗi sợ của trẻ con thường khó có thể giải thích lý do. Một đứa trẻ trong độ tuổi 4 -6 có thể sợ những sinh vật không có thật, sợ khi phải ngủ riêng hay bị cha mẹ bỏ rơi... Việc mà cha mẹ cần làm vẫn là lắng nghe và tập cho trẻ quen dần với thói quen mới. Có trẻ sợ các anh chị lớn chỉ vì trước đó từng bị hù dọa ác ý. Nỗi sợ hãi trong giai đoạn này giống như là sự nhút nhát. Hãy cho trẻ kết bạn với các anh chị dễ mến quanh nơi bạn ở để trẻ dần hiểu rằng mỗi người bạn có một tính cách riêng, cách chơi riêng. Con bạn sẽ dần biết “chọn bạn” để chơi.
Nỗi sợ hãi của trẻ sẽ dần biến mất theo thời gian.
Không bắt con phải trở nên dũng cảm. “Có gì đâu mà sợ!”- Chúng ta thường hay nói vậy khi con trẻ tỏ ra sợ hãi và không chịu chào hỏi hay làm quen với một người mà cha mẹ vừa giới thiệu. Trẻ em ở độ tuổi từ 7 -10 đã có những nỗi sợ hãi có lý hơn như sợ đi học trễ, sợ điểm kém hay bị cô giáo phạt, nhiều trẻ vẫn không thoải mái khi tham dự những sự kiện đông người, khi gặp gỡ người lạ tại hội chợ, tiệc cưới... Cha mẹ có thể cùng trẻ vạch ra những việc có thể làm để xóa tan nỗi sợ như để đồng hồ báo thức, chuẩn bị bài kỹ... Với những trẻ không thích đến nơi đông người, cha mẹ cần tôn trọng ý thích của trẻ. Bản thân trẻ sẽ quyết định chúng muốn làm quen hay nói chuyện với ai khi có cảm giác an toàn.
Nói thật với con về những sự việc đang xảy ra xung quanh. Khi cùng con đi trên đường mà gặp một đám cưới, chúng ta dễ dàng nói với con về sự kiện cưới cũng như niềm vui và hạnh phúc. Tuy vậy, khi gặp một đám tang, chúng ta lại thường né tránh nói về chủ đề này. Thiết nghĩ, cha mẹ nên nói với con về mọi việc đang diễn ra xung quanh chúng. Việc diễn giải chi tiết sẽ tùy theo lứa tuổi và sự hứng thú của trẻ. Khi cha mẹ có thể nói về đám tang cũng như đám cưới thì những nỗi sợ hãi như sợ ma quỷ, sợ mất người thân... cũng dễ dàng được trẻ hóa giải. Bởi vì ở lứa tuổi 11 -12, trẻ đã dần hiểu về các quy luật của cuộc sống và xã hội.
Khi sợ hãi thành nỗi ám ảnh |
Khi nỗi sợ hãi không được hóa giải mà luôn bị cường điệu hóa sẽ biến thành nỗi ám ảnh đối với trẻ. Điều này mang đến nhiều tác động bất lợi cho trẻ. Vì thế, cha mẹ hãy trò chuyện thật nhiều với con để nhận diện và hóa giải những nỗi sợ của con trẻ. |