Hãy cùng lắng nghe những lát cắt từ câu chuyện của họ để hiểu về nỗ lực và tiềm năng của bức tranh phát triển thương hiệu thời trang nội địa.
Moriko Sài Gòn - phong cách chiết trung và tinh thần bền vững
Với các tín đồ thời trang yêu vẻ đẹp tự nhiên của chất liệu vải linen, tơ tằm, sợi gai dầu ở Sài gòn chắc hẳn cái tên Moriko Saigon không quá xa lạ. Hình ảnh cô chủ của thương hiệu tự tay ngâm vỏ của trái măng cụt chín để lấy màu nhuộm vải đã thực sự gây ấn tượng với các tín đồ.
Từ tình yêu dành cho những xấp vải tự nhiên mộc mạc, thương hiệu đã trải qua một hành trình bền bỉ, kì công trong từng đường thêu, mũi chỉ một cách tỉ mẩn. Từ đó chinh phục khách hàng tìm đến vẻ đẹp chân thực của trang phục thông qua sự kết nối hài hòa với thiên nhiên. Mới đây nhất, thương hiệu lại đưa câu chuyện về những tấm vải được làm hoàn toàn từ thủ công rất nhẹ nhàng, nhưng gây ấn tượng với giới mộ điệu.
Cứ đến mùa nông nhàn, các chị các bà dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng... miền núi Hà Giang lại vừa địu con vừa se sợi, vừa đi chợ vừa se sợi, mọi lúc mọi nơi... tranh thủ dệt vài cuộn vải hemp (vải sợi gai dầu) đem ra chợ phiên bán để có thêm tiền mua thức ăn, tiêu Tết... Sợi thô không đều, vải có độ bóng nhẹ vì được lăn đá bằng chân cho đạt độ mềm, được luộc tro bếp rồi đem ra suối giặt, màu được nhuộm chàm, nhuộm củ nâu, mặc nưa... những nguyên liệu tự nhiên có sẵn trên rừng. Một tấm vải được làm thủ công hoàn toàn từ khâu trồng lanh đến khâu dệt, còn đượm mùi rừng núi.
Về đến Sài Gòn, Mo đã cùng các chị thợ may biến các khúc vải thành những chiếc áo khoác jacket, thành những chiếc móc chìa khóa... những thứ thật gần gũi nhưng mới mẻ. Đây là những sản phẩm thủ công bền vững mà Mo sẽ gắn bó thật lâu để góp phần giữ được nghề truyền thống.
Khi chất liệu tự nhiên và lối sống thân thiện môi trường trở nên thịnh hành, Hoàng An - người sáng lập Moriko nhận ra cả đội ngũ có thêm nhiều việc phải làm, nhiều mục tiêu để hướng tới là lúc thương hiệu đang trên đà tiến bước. Cách vận hành một thương hiệu thời trang của cô chủ nhỏ này nhẹ nhàng và giản đơn như chính tinh thần được gửi gắm vào trang phục.
Khi đưa tơ tằm được dệt thủ công vào những thiết kế của mình, Mo phải đối diện với khá nhiều thách thức vì đặc tính hạn chế của tơ tằm như là giới hạn màu sắc, hoa văn hay khả năng tạo phom dáng. Tuy nhiên khi gắn bó, NTK nhận ra sự cuốn hút của tơ tằm nên đã dung hòa giữa chất liệu và kiểu dáng để tạo nên những kiểu áo dài, áo kiểu suông nhẹ, phát huy vẻ đẹp của chất liệu để ra mắt những sản phẩm kiêu sa, nhẹ nhàng. Vốn luôn quan tâm đến môi trường và sự ảnh hưởng của ngành công nghiệp thời trang, Mo đã chọn hướng đi riêng chính là chỉ sử dụng những chất liệu tự nhiên, thân thiện môi trường nhưng cũng chú trọng sự thẩm mỹ, tính ứng dụng cao. Hoàng An chia sẻ về hướng đi khác biệt của mình: "Thêu tay là một cách để chúng tôi đem ngành thủ công truyền thống đến gần hơn với khách hàng trong cuộc sống hiện đại, các họa tiết thêu vừa phải, gần gũi và xinh xắn giúp bạn sử dụng món đồ được nhiều mục đích hơn, không chỉ là mặc vào những dịp đặc biệt. Mo tận dụng từng mảnh vải vụn để không lãng phí, đôi khi là để làm nút, đôi khi là khẩu trang vải tặng kèm khách... cắt từng cọng chỉ thừa, nâng niu từng món đồ làm ra để trao đến tay khách một cách chỉnh chu nhất có thể. Đó là lý do Mo được rất nhiều khách hàng tin quý và chúng tôi phát triển đều đặn".
Hoàng An cho biết: "Chúng tôi bắt đầu mọi thứ như một cuộc dạo chơi, nên dịch bệnh hay suy thoái kinh tế đều là những bài tập để mình phải vượt qua. Ngày càng có nhiều thương hiệu theo hướng bền vững như Moriko ra đời giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn nhưng cũng khiến họ bối rối hơn. Việc sao chép mẫu mã cũng là một vấn đề lớn. Nhưng đó càng là động lực giúp chúng tôi cố gắng phải làm đúng".
Bên cạnh việc đẩy mạnh chất liệu bản địa bền vững từ làng nghề gia truyền lâu đời, đội ngũ thiết kế vừa cho ra mắt BST đầu tiên trên sàn diễn mang tên Phổ để đánh dấu cột mốc phát triển mới. Mong muốn liên kết ngành nghề thủ công và lĩnh vực sáng tạo khác để có thể kể câu chuyện sản phẩm một cách trọn vẹn sẽ là kế hoạch tiếp theo của thương hiệu này.
Maison Long - ngôi nhà của những người yêu bản sắc
Từ những cảm hứng về văn hóa dân tộc, thương hiệu tiếp tục tập trung phát triển song song dòng sản phẩm cho nữ với đặc trưng kỹ thuật và họa tiết thêu thủ công vào các trang phục ứng dụng hằng ngày. Yếu tố tối giản cũng giúp trang phục phù hợp cho nhiều nhu cầu đa dạng, được yêu thích và ưu ái lựa chọn không chỉ các dịp lễ Tết.
Để gây được sự chú ý giữa thị trường đa dạng, Maison Long cũng đối mặt không ít thử thách. Là NTK trẻ tuổi đồng thời là người điều hành thương hiệu nhưng Long sớm có quyết tâm theo đuổi con đường chinh phục người tiêu dùng trẻ bằng những giá trị truyền thống đáng tự hào. Anh đã dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu về đồ thêu, học hỏi những xu hướng tiếp cận mới mẻ để khách hàng dần quen với các sản phẩm được làm từ làng nghề thủ công.
Mỗi thiết kế đều có một tên gọi riêng khi ra mắt để khơi gợi sự liên kết với người mặc trong nhiều hoàn cảnh. Trở ngại về nguồn lực đầu tư hạn chế và dịch bệnh kéo dài không khiến anh và cộng sự chùn bước trước giấc mơ cùng các bạn trẻ thể hiện lòng tự tôn dân tộc. Anh tin nỗ lực làm ra những sản phẩm đẹp và chất lượng sẽ giúp thương hiệu nội địa từng bước tiến ra thị trường quốc tế, đưa văn hóa Việt Nam lên bản đồ thế giới thông qua thời trang.
Dù quyết định mạo hiểm nhưng cần thiết để Maison Long khẳng định hướng đi mới, không dừng lại ở quần áo mà còn mở rộng danh mục sản phẩm phong phú gắn kết câu chuyện bản sắc vào đời sống.
Été - tôn vinh phẩm chất nữ tính
Khởi đầu từ lý tưởng chung về vẻ đẹp nữ tính phóng khoáng và sự đồng điệu trong phong cách giữa hai người bạn, đồng thời cũng là những NTK chính của thương hiệu. Été Project ra đời ngay thời điểm phải đối mặt với đại dịch covid toàn cầu và bắt đầu thời kỳ biến động do những suy thoái kinh tế. Những khó khăn buộc đội ngũ luôn đặt trong trạng thái thận trọng trong từng quyết định nhưng cũng đồng thời thúc đẩy sáng tạo và cân bằng khả năng sản xuất được những sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Làm sao mỗi thiết kế xuất hiện luôn mang được cảm giác tươi mới, sành điệu, chất lượng cao mà vẫn ở mức giá thành hợp lí trở thành nỗi trăn trở xuyên suốt giúp Été sớm thiết lập được tiêu chuẩn riêng giữ chân khách hàng.
Phom dáng chuẩn mực luôn được chú trọng như vai trò xương sống để đề cao vóc dáng người mặc, truyền đạt hiệu quả thông điệp về sự tự tin để phụ nữ yêu cơ thể mình trước nhất. Từ váy đầm, trang phục công sở hay những món đồ cơ bản đều có thể phối hợp, không sợ lỗi mốt của nhà mẫu cũng chính là điều giúp cho thương hiệu duy trì được ổn định suốt thời gian qua. Vai trò chủ đạo của lụa bên cạnh điểm nhấn đặc trưng như xếp nếp vải, xoắn vải, đổ múi vải, những đường cắt xẻ nhã nhặn đã trở thành điểm cộng tăng khả năng định hình dấu ấn thương hiệu.
Tuy còn non trẻ, nhưng cách mà đội ngũ của Été project khá vững vàng. Bước đi từ một cửa hàng khiêm tốn ở trung tâm đến các sàn diễn chuyên nghiệp như Celebrating Local Pride, Sun Sea Sand 2023 và dám nghĩ đến việc chinh phục những thị trường thời trang mới mẻ khác trong khu vực Đông Nam Á cho thấy tinh thần xông pha của một "local brand" trẻ giữa thị trường đầy cạnh tranh.
Tinh thần đó sẽ tiếp tục được gắn kết nhất quán trong những thiết kế mà Été project dành cho những người phụ nữ sẵn sàng khám phá và thể hiện bản thân.
Cả 3 thương hiệu đều có tuổi đời khá trẻ, nhưng vì trẻ nên việc họ nắm bắt xu hướng khá nhanh. Ngoài ra, các thương hiệu đều sử dụng mạng xã hội để tiếp cận thị trường và đáp ứng yêu cầu cho khách hàng khá hiệu quả. Các NTK trẻ tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, xu hướng về màu sắc, kiểu dáng và đưa ra nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nội địa. Bởi chính các sản phẩm mới làm thay đổi mọi thứ với khách hàng, bên cạnh đó câu chuyện của sản phẩm vẫn luôn được các NTK và thương hiệu chú trọng truyền tải thông điệp của chính mình tới người mua.
Ảnh: NTK cung cấp