Bài: Song Uyển
Bệnh rụng tóc không đơn giản là những sợi tóc rụng xuống, bay lơ lửng trước mặt, đó có thể là dấu hiệu của căn bệnh nào đó cần điều trị thích hợp. Nguyên nhân nào khiến tóc bạn “thôi bay”? Và làm sao để trả lại “quân số” cho mái tóc?
Rụng tóc dưới góc nhìn y học
Mỗi một sợi tóc đều trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn đang phát triển anagen (kéo dài khoảng 2 - 6 năm), giai đoạn tiếp theo là catagen (giai đoạn co nang tóc) và giai đoạn cuối cùng là telogen (giai đoạn suy thoái, tóc rụng khỏi đầu). Hiện tượng rụng tóc thường xảy ra sau khi mang thai, phẫu thuật lớn, giảm cân quyết liệt, hoặc căng thẳng cực độ. Biểu hiện là một lượng lớn tóc bị rụng mỗi ngày, thường là khi gội đầu, tạo kiểu tóc, hoặc chải tóc. Nó cũng có thể là do tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta, thuốc chống viêm không steroid.
Trong giai đoạn này, tóc chuyển biến nhanh hơn bình thường từ giai đoạn phát triển đi nhanh vào giai đoạn “nghỉ ngơi” và mau chóng chuyển sang thời kỳ rụng tóc. Triệu chứng điển hình bạn nên lưu ý: Phụ nữ đang ở vào giai đoạn telogen effluvium có thể rụng tóc kéo dài trong khoảng từ sáu tuần đến ba tháng sau khi trải qua stress kéo dài. Thậm chí, lúc cao điểm, có thể thấy xuất hiện một nắm tóc rụng nằm trong tay khi vuốt tóc.
Lúc này, cần làm gì là chuẩn nhất: Alo ngay bác sĩ da liễu, lập một cuộc hẹn để tiến hành kiểm tra sinh thiết da đầu. Đây là phương pháp kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định trạng thái nang tóc. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như mang thai hoặc phẫu thuật lớn, bạn có thể phải chờ thời gian cho đến khi hiện tượng rụng tóc giảm bớt. Nếu nguyên nhân do tác dụng phụ của thuốc, nên nói chuyện với bác sĩ về việc giảm liều hoặc đổi thuốc. Nếu stress là nguyên nhân, bạn tốt nhất nên giành thời gian nghỉ ngơi, quẳng gánh lo đi để chăm tóc.
Rụng tóc: Lỗi tại di truyền
Rụng tóc di truyền hay rụng tóc androgenetic, theo Học viện Da liễu Mỹ, là nguyên nhân phổ biến nhất của rụng tóc. Sự thừa hưởng gen bệnh từ người mẹ hoặc người cha, hoặc có nhiều khả năng hơn nếu cả hai cha mẹ đều mắc bệnh này. Nếu rơi vào trường hợp này, tóc bạn thường có xu hướng phát triển mỏng ở chân tóc sau những đợt “tu sửa”. Các dấu hiệu phát triển có thể bắt đầu sớm nhất ở độ tuổi 20. Bạn có thể bị tổn thương nếu mẹ của bạn cũng sở hữu cấu trúc tóc mỏng, thưa. Trong một số trường hợp, rụng tóc có thể được lan rộng trên toàn bộ vùng đầu.
Khoan vội hoang mang, di truyền nhưng không có nghĩa không có cách xủ lý. Bạn nên gặp bác sĩ da liễu để xem xét các mô hình của rụng tóc nhằm xác định nguyên nhân. Bạn có thể được yêu cầu thử máu để loại trừ các nguyên nhân khác. Phương pháp sinh thiết da đầu cũng có thể phải áp dụng trong trường hợp này nhằm thay thế các nang tóc bị teo nhỏ, một dấu hiệu chắc chắn của rụng tóc do di truyền. Trong thời gian này, tốt nhất bạn nên tham khảo bác sĩ phương pháp làm chậm sự rụng tóc bằng cách thoa dung dịch minoxidil (Rogaine) lên da đầu hai lần một ngày.
Hóa ra vì suy tuyến giáp
Bệnh liên quan đến tuyến giáp không phải bệnh khó kiếm, hiếm gặp, nhất là cực kỳ “yêu thích” đối tượng phụ nữ. Việc sản xuất quá ít hormone, chịu trách nhiệm cho sự trao đổi chất, nhịp tim và tâm trạng, khiến tuyến giáp suy giảm, hoạt động kém. Điều này cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh rụng tóc ở phái đẹp.
Các triệu chứng bạn nên đặc biệt lưu ý: Suy giáp, quá ít hormone, có thể gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm cả tăng cân không rõ nguyên do, mệt mỏi, táo bón, trầm cảm và khó tập trung. Tóc, móng tay và da có thể trở nên giòn hơn và dễ gãy hơn và phổ biến hơn, đặc biệt là ở độ tuổi trên 50.
Ngược lại với suy giảm tuyến giáp là cường giáp, quá nhiều hormone, có thể gây ra các hiện tượng tim hồi hộp, bồn chồn, cáu kỉnh, tiêu chảy, da ẩm, yếu cơ và triệu chứng giật mắt. Hiện tượng rụng tóc cũng có thể xảy ra vì sự trao đổi chất tăng tốc quá mạnh. Tuy nhiên, nguyên nhân này thường xảy ra ít hơn so với suy tuyến giáp.
Khi phát hiện những dấu hiệu trên, bạn nên đi thăm khám để bác sĩ tiến hành các xét nghiệm kiểm tra mức bất thường của hormon kích thích tuyến giáp (TSH) trong máu. TSH được sản xuất bởi tuyến yên, một cơ quan nhỏ nằm dưới não và đằng sau các hốc xoang. TSH dư thừa thường gây suy giáp, trong khi mức thấp bất thường là nguy cơ cao của cường giáp. Để điều trị, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc liên quan đến hormone tuyến giáp để khôi phục lại mức bình thường.
Thói quen bảo vệ “quân số” cho tóc
Không nên dùng lược quá cứng, không nên chải tóc quá nhiều lần trong ngày. Ngay cả gội đầu nhiều lần trong ngày, sấy tóc, để tóc ướt đi ngủ hoặc phơi nắng cũng làm gia tăng các tổn thương.
- Một thiếu sót hay gặp của đa phần phụ nữ là ra nắng không che tóc, khiến tóc bị tổn thương bởi tia cực tím trong ánh nắng mặt trời.
- Nếu dùng thường xuyên hóa chất cũng gây hại cho sự phát triển của tóc như keo xịt tóc, dầu gội đầu, chất tẩy rửa… Khi loại bỏ những tác nhân đó, tóc vẫn có thể mọc trở lại.
- Nếu bị rụng tóc, bạn cũng cần tẩy gàu bởi gàu là các vi nấm tấn công gây viêm da đầu, rụng tóc. Cần lưu ý là các loại dầu gội đầu thông thường chỉ nhằm tạo độ trơn, bóng đẹp cho tóc. Nếu bạn bị rụng tóc, cần dùng loại dầu gội đặc hiệu chứa vitamin và các chiết xuất từ thực vật, kích thích nuôi dưỡng da đầu và chân tóc.
- Tránh tình trạng quá căng thẳng, stress mạnh. Nghỉ ngơi nhiều, bớt công việc, quẳng gánh lo đi để nuôi tóc ở điều kiện tốt nhất.
- Siêu dưỡng chất giúp “nuôi” tóc
- Tăng cường chất sắt : Một nguyên nhân phổ biến gây rụng tóc ở phụ nữ là thiếu các chất khoáng do chế độ ăn kiêng sợ béo. Phụ nữ thiếu chất sắt do kinh nguyệt nhiều hoặc kéo dài, ăn ít thịt đỏ, rau xanh, tươi cũng rất dễ lâm vào tình trạng “tóc gió thôi bay”.
- Bổ sung chất kẽm: Thiếu kẽm làm tóc kém phát triển, tóc trở nên mảnh, nhỏ, có màu vàng ố, không óng ả, tóc hay bị rụng. Kẽm có tác dụng định mức chuẩn tỷ lệ chất bã nhờn, chống một số chất độc, kim loại nặng, cho ta một mái tóc khỏe mạnh và sạch sẽ. Kẽm có nhiều trong gan, sò, thịt đỏ, cá, óc, trứng…
- Đa dạng hóa các loại vitamin: Có rất nhiều vitamin làm bền vững tóc. Vitamin A thường xuyên cần cho quá trình sừng hóa lớp thượng bì, hình thành chất keratin. Thiếu vitamin B2 không những làm mất màu tóc, tóc bị duỗi thẳng mà còn gây hói. Trong cơ thể, vitamin B6 tham gia quá trình trao đổi chất làm cơ năng của tế bào biểu bì khỏe hơn, có thể khống chế chốc đầu vì da đầu nhiều dầu. Thiếu vitamin C, các miệng nang lông nở rộng ra và bị sừng hóa nặng làm các tóc không thể mọc lên được. Vitamin D2, D3 thúc đẩy sự sinh trưởng tóc thông qua tác dụng đến chuyển hóa canxi, phốt pho, hệ thống thần kinh thực vật, các tuyến nội tiết. Để tạo thêm sinh lực cho tóc, có thể dùng vitamin B5, vitamin H, các acid amin có lưu huỳnh như mêthionin, có tác dụng tham gia vào quá trình tạo kêratin. Ảnh hưởng của dinh dưỡng đến mái tóc rất rõ rệt. Vitamin H (hay còn gọi là biotin H, vitamin B8), chất đạm, vitamin nhóm B và các chất khoáng có khả năng kích thích sự phát triển của tóc.