NTK Vũ Thảo Giang đã có buổi trò chuyện với Thời Trang Trẻ về con đường đến với thời trang và những trải nghiệm mà cô có được khi làm công việc thiết kế áo dài.
Chào chị! Chị có thể chia sẻ về con đường lập nghiệp trong lĩnh vực thiết kế thời trang của mình? Những thuận lợi và khó khăn?
Tôi đã có 1 thời gian sau khi ra trường vẫn cảm thấy rất mông lung với công việc và tương lai. Tôi bén duyên với thời trang cũng 1 phần muốn dùng tuổi trẻ của mình vào những việc thật ý nghĩa, tranh thủ gây dựng cho mình 1 sự nghiệp vững vàng mà mấu chốt phải là công việc mình yêu thích. Tôi may mắn có được 1 người truyền cảm hứng đồng thời cũng là người thầy đặt nền tảng cũng như dìu dắt và đồng hành trong suốt chặng đường vừa qua. Và khi người học trò sẵn sàng thì người thầy sẽ xuất hiện. Tôi đến với thời trang với 1 con số 0 tròn chĩnh, gia đình tôi không có điều kiện kinh tế, không có mối quan hệ nhưng dần dần từng bước tôi đều nhận được sự ủng hộ của mọi người. Thời gian đó tôi thường xuyên làm việc và học tới 3- 4 giờ sáng, mỗi ngày chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng thôi, có những lúc trên đường đi cũng ngủ gật. Buổi tối ở nhà không có bàn to để làm việc nên thường ngồi xuống sàn nhà và vẫn để lại đến bây giờ mỗi khi ngồi một lúc là bắt đầu đau lưng đau cổ rồi. Cũng phải cảm ơn những khó khăn đã giúp tôi trưởng thành hơn, rút ra được nhiều kinh nghiệm và cho tôi thêm bản lĩnh bước về phía trước.
Tại sao chị lại chọn hướng thiết kế áo dài dân tộc thay vì sự phá cách hiện đại?
Quan niệm về cái đẹp có rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng riêng với tôi thì trang phục truyền thống của các dân tộc luôn là nét đẹp trân quý. Áo dài phá cách hiện đại cũng có những nét đẹp mới lạ riêng tuy nhiên tôi vẫn luôn yêu mến những nét đẹp mang âm hưởng dân tộc, đặc biệt là các chất liệu dân gian truyền thống.
Đâu là nguồn cảm hứng để chị cho ra đời những bộ sưu tập đó?
Có lẽ ảnh hưởng từ việc sinh ra và lớn lên ở vùng non nước Cao Bằng, nơi giàu truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc và cũng là cái nôi của lịch sử cách mạng dân tộc ta đã ươm mầm nguồm cảm hứng cho tôi. Mỗi vùng miền của đất nước đều chứa rất nhiều những nét độc đáo riêng về văn hoá truyền thống, càng đi càng tìm hiểu lại càng có thêm nhiều nguồn cảm hứng để cho ra đời của những bộ sưu tập mới.
Những chất liệu mà chị chọn cho sáng tác của mình là gì?
Chất liệu mà tôi quan tâm đầu tiên là công năng sử dụng của vải giúp cho người mặc thoải mái nhất, mặc được nhiều mùa quanh năm, chất liệu nên có độ co giãn để người mặc không bị gò bó khó thở. Đặc biệt là ít nhăn tiện lợi cho việc mang áo dài đi công tác mà ít phải là ủi hay có thể mặc áo dài đi họp cả ngày. Chất liệu vải thoáng khí thấm hút mồ hôi, tốt nhất là không lộ đối với người hay đổ mồ hôi, vải không quá dày hay quá mỏng và giúp người mặc che được tối đa các khuyết điểm trên cơ thể, hạn chế tối đa rạn hay xước vải…Trên thân áo áo tôi luôn ưu tiên diểm xuyết chất liệu mang đậm nét tinh hoa văn hoá dân tộc như thổ cẩm, kỹ thuật thêu, trạm bạc của các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Điều khó nhất để cho ra đời 1 BST áo dài?
Để cho ra đời 1 BST áo dài là ý tưởng thiết kế cần được dung hoà giữa nét đẹp trình diễn kết hợp cùng tính ứng dụng của sản phẩm, sự cân đối là khó nhất. Nếu tách riêng 2 yếu tố này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nhưng sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Đối tượng khách hàng chị nhắm tới là ai?
Tôi rất thích ngắm nhìn những người phụ nữ tự tin, yêu thương bản thân mình và công việc làm đẹp cho các chị em như là nghĩa vụ của tôi vậy. Là phụ nữ Việt Nam vào những dịp trọng đại hay các sự kiện lớn đều lựa chọn áo dài nhưng điều đặc biệt trong sản phẩm của tôi là nhắm tới những chị em có khuyết điểm cơ thể chứ không phải 1 phom người chuẩn. Tôi muốn giúp họ tự tin hơn trong việc mặc áo dài.
Thiết kế áo dài không phải là đề tài mới mà đã có rất nhiều những nhà thiết kế đi trước thành công vang dội rồi, vậy chị sẽ làm gì để những sản phẩm của mình trở nên khác biệt?
Tôi cho rằng phong cách cá nhân của mỗi Nhà thiết kế luôn là điều khác biệt. Chất liệu mang âm hưởng dân gian vốn dĩ đã có những nét đẹp riêng, tuy nhiên mang vào trong thiết kế lại thể hiện nét mới, nét sáng tạo riêng của mỗi nhà thiết kế.
Trong quá trình làm nghề đã bao giờ chị cảm thấy bế tắc hay cạn nguồn ý tưởng chưa? Khi đó động lực nào đã khiến chị tiếp tục theo đuổi đam mê?
Thông qua mỗi chuyến đi công tác, đến những vùng đất mới đều góp phần bồi đắp thêm nhiều cảm hứng sáng tác, nhiều ý tưởng, nhiều dự định mới cho các BST của tôi. Có những lúc có quá nhiều ý tưởng cho BST mới mà ngay lúc đó chưa thể thực hiện ngay thì tôi đều ghi chép, phác thảo và lưu giữ lại. Động lực lớn nhất để tôi vượt qua trở ngại và những khó khăn là sự động viên của người thân trong gia đình cùng các anh chị em, bạn bè và những khách hàng của tôi.
Được biết những bộ sưu tập áo dài của chị đã được trình diễn trong nhiều sự kiện văn hoá, qua mỗi lần tham gia trình diễn đó chị có rút ra được điều gì cho hướng đi của mình không?
Mỗi lần tham gia trình diễn trong các sự kiện văn hoá mỗi lần là một trải nghiệm giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm hơn. Mỗi một BST đều cần có ý tưởng và mang ý nghĩa dành riêng cho chương trình đó. Ví dụ: Khi đi trình diễn trên các sàn diễn quốc tế thì việc càng lựa chọn ưu tiên nhất là những BST mang nét văn hoá đặc trưng nhất của văn hoá Việt Nam, hoặc những BST quảng bá di sản rất phù hợp với các sự kiện góp phần quảng bá văn hoá du lịch. Tôi được mở mang hơn khi được tiếp xúc với nhiều nên văn hoá khác nhau và kiên định với con đường mình đã chọn.
Nhận định của chị về nghề thiết kế thời trang tại Việt nam hiện nay?
Thiết kế thời trang tại Việt Nam là nghề rất tiềm năng bởi Việt Nam có rất nhiều các chất liệu để sáng tạo, đặc biệt là chất liệu dân gian truyền thống. Thị trường Việt Nam còn rất nhiều đất để cho các nhà thiết kế trẻ khai thác và toả sáng bởi nhiều lợi thế trên sân nhà và sự yêu mến của giới mộ điệu và công chúng dành cho những người làm nghề thiết kế thời trang hiện nay.
Chị có ngưỡng mộ nhà thiết kế thời trang nào tại Việt Nam không?
Những người tiên phong hẳn là rất sáng tạo và bãn lĩnh, họ cũng chính là những người dìu dắt thế hệ trẻ tiếp bước con đường này. Người đi sau luôn luôn cần học hỏi kinh nghiệm về nghề của người đi trước. Cho đến thời điểm hiện tại tôi vô cùng biết ơn với người thầy đầu tiên của mình là NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam – người truyền cảm hứng cho rất nhiều những nhà thiết kế trẻ yêu nét đẹp văn hoá cổ truyền, góp phần rất nhiều vào công cuộc gìn giữ và quảng bá áo dài trong và ngoài nước. Đồng thời NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cũng là người đặt nền tảng, gieo hạt, dẫn dắt và đồng hành cùng tôi trên suốt chặng đường này.