Cuộc trò chuyện của chúng tôi, ban đầu đã “vấp” phải sự lo lắng “ai yêu cầu phỏng vấn tôi” của Andy Minh, chỉ sau khi trao đổi sâu thêm, anh mới “có vẻ” thoải mái hơn. Là người trong ngành gần hai thập kỷ, tôi hiểu sự e ngại của anh. Đâu đó, sự xô bồ của truyền thông, sự cạnh tranh của các nhãn hàng, thương hiệu, đã có lúc chạm tới lòng tự kiêu của những người làm nghề thật sự, làm nghề chân chính…
Thuộc thế hệ 7X, Andy Minh đã chọn được chỗ đứng cho mình trong ngành tóc Việt
|
PV: Anh có vẻ hoài nghi giới truyền thông?
NTM Andy Minh:Tôi rất sợ những từ hoa mỹ, những từ mà ngành tóc vẫn rất ưa dùng như Phù thuỷ tóc, Nam thần, Ông Hoàng, Cây kéo vàng… Nhiều bạn tạo mẫu trẻ và cả nhiều nhà báo trẻ - chị thông cảm ( cười), thích dùng mỹ từ, có vẻ như ngoài những mỹ từ ấy, thì họ không còn cái gì khác thì phải. Thế nên, bao nhiêu từ “chát chúa” họ đều “lôi” lên hết mặt báo. Họ không tiếc lời khen dành cho nhau. Họ khen suốt ngày, cái gì cũng khen. Tôi cho rằng lời khen là một món quà tặng quý giá, dùng tràn lan sẽ mất ý nghĩa, danh giá của người được nhận. Cũng như những mẫu tóc họ làm, tới hoặc chưa tới thì họ đều đưa qua các app ( phần mềm – pv) và hào hứng chạy page ( quảng cáo trên các trang mạng xã hội –pv) rồi khoe nổi tiếng. Tôi thì chỉ muốn được gọi là một nhà tạo mẫu, đơn giản thế thôi. Nên mỗi khi nhận lời hẹn phỏng vấn tôi đều phải “giao hẹn” như vừa làm với chị. Công việc chính của chúng tôi là tạo ra các mẫu tóc. Hiểu tóm tắt, đó là một công việc sáng tạo trong suy tư và tĩnh lặng. Sự ồn ào của giới truyền thông mà tôi với chị vừa nhắc trên kia, không quá phù hợp.
Luôn coi khách hàng là bạn thân thiết, mong muốn lớn nhất của Andy Minh là mang lại nhiềm vui cho những người bạn của mình từ những mẫu tóc anh tạo nên
|
PV: Chứ không phải là “chảnh”, là do các anh luôn có được sự “chăm sóc” đặc biệt của các nhãn hàng sao?
NTM Andy Minh: Ví dụ một bài tính đơn giản như này: nếu mỗi salon tóc chỉ cần tiêu thụ mỗi tháng 3,000,000đ ( ba triệu đồng), thì với 100 – 300 salon ( thành viên của một câu lạc bộ hoặc một hội nghề tóc) doanh số sẽ dễ dàng đẩy lên cả tỷ đồng mỗi tháng. Sự hấp dẫn đó tạo ra một sự thật ở ngành tóc là các hãng mỹ phẩm rất o bế các chủ salon hoặc những người đứng đầu cộng đồng nghề. Thêm nữa, những người đã từng tốt nghiệp ở những Học viện tóc hàng đầu thế giới như Vidal Sassoon, Tony&Guy…, ( như tôi và nhiều anh chị) được dạy cách phải lựa chọn những sản phẩm cao cấp và sử dụng chúng như nào để đem lại điều tốt nhất cho khách hàng, tạo dựng thương hiệu, chỗ đứng bằng tay nghề thực chất ra sao. Mỗi sản phẩm ở salon của chúng tôi nếu không phải là những sản phẩm danh tiếng, đẳng cấp thì cũng là những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, là thành quả của các nghiên cứu khoa học, tốt cho sức khoẻ của con người. Điều đó như là nguyên tắc bất thành văn trong giới. Chính vì vậy, các hãng mới về Việt Nam hay muốn xây dựng thương hiệu thường tìm đến chúng tôi để đề nghị hợp tác. Họ biết rằng, khi chúng tôi sử dụng hay giới thiệu sản phẩm của họ thì sẽ là một lợi thế, gây được sự chú ý trong ngành. Cái đó, như chị gọi, là “sự chăm sóc đặc biệt”. Nhưng, người làm kinh doanh sẽ hiểu rằng mọi sự trao đổi, gặp gỡ đều có “giá” của nó. Hãng tin tưởng, mong muốn kết nối nhưng chúng tôi thì cần suy nghĩ, cân nhắc để được thêm mà không mất cái mình đang có – chứ không phải là “chảnh” ( cười).
Với các khách hàng của mình, Andy Minh luôn trực tiếp tham gia vào từng công đoạn chăm sóc tóc như những người thợ
|
PV: Thế nguyên tắc làm nghề của anh là gì?
NTM Andy Minh: Kiên nhẫn một tí chị ạ. Nghề này không ăn xổi được. Tôi vào nghề ngót 20 năm rồi, có nhiều khách hàng của tôi là ba thế hệ trong một gia đình. Tôi đi đâu họ cũng đi theo. Nhiều khi, cũng vì họ mà tôi không di chuyển salon quá xa. Với tôi, nghề nhiều khi không là nghề, nghề là cuộc sống. Khách nhiều khi không là khách, khách là bạn tâm giao. Khách đến lần đầu hay khách hàng cũ đến yêu cầu tạo kiểu mới hoặc muốn có thay đổi mới, tôi thường ngồi trước họ cố gắng tìm kiếm ý tưởng. Họ khi ấy là khoảng lặng để tôi sáng tạo. Đó là về tâm lý. Còn về kỹ thuật, thì phải khó tính một tí. Khách ưng và mình ưng là hai việc khác nhau. Tôi không cho phép mình dễ dãi với quan niệm khách vui là mình vui. Khách là người trải nghiệm, họ ngắm và sở hữu mẫu tóc bằng tâm lý khám phá nhưng mình lại là người cung cấp nên mình phải khắt khe, để tạo ra những dịch vụ, sản phẩm tốt. Những điều này tôi học ở các bậc tiền bối, ở thầy của mình. Cuộc đời và nghề là một cầu thang dài vô tận. Mỗi ngày, mỗi thành công là một bậc thang mình vượt qua. Cố gắng tiến lên, mệt thì có thể nghỉ, nhưng không nên nản chí mà bước xuống. Tôi có nhiều lúc nản lắm, cuộc sống mà, dài thế, vui mãi sao được nhưng tôi không bước xuống. Đó là những nguyên tắc cơ bản.
Andy Minh luôn dành thời gian cho những đam mê và thú vui của riêng mình để cân bằng áp lực công việc và cuộc sống
|
PV: Ngành tóc thì ồn ào, anh biết đấy. Anh có sốt ruột không?
NTM Andy Minh: Không, chúng tôi có thế giới riêng của mình. Tôi kể chị nghe, tôi lớn lên ở đây, giữa những con phố “Hàng” của Hà Nội… Từ nhiều thế kỷ trước, mỗi con phố là một nghề. Họ biết nhau hết, chứng kiến thành công, thăng trầm của nhau và thầm nể nhau vì sự trường vững hay sự phát đạt nên họ rất tôn trọng nhau. Không bỗng dưng có câu “Chẳng thơm cũng thể hoa Nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Càng những người giàu có càng khiêm tốn, càng những người có uy thế thì càng lịch thiệp. Biết trước, biết sau, biết trên, biết dưới, sống gần nhau, lớn lên/ thành nghiệp với nhau thì khắc tôn trọng nhau. Tôi nói như này, không biết có quá động chạm không, nhưng tôi vẫn nói, đó là những người không có ai biết, họ cần một chỗ đứng thì họ mới ồn ào để thu hút sự chú ý. Cho nên tôi và nhiều các anh chị “cây đa, cây đề” ở ngành tóc này chưa bao giờ sốt ruột. Khi tôi vào nghề này, có những anh chị hơn tôi rồi. Tôi nhìn họ và học hỏi, rút cho mình những kinh nghiệm phù hợp. Và tôi biết, có những người cũng đang nhìn tôi, theo tôi để rút kinh nghiệm chứ. Chúng tôi biết nhau qua sự ngưỡng mộ, hiểu nhau qua thời gian và luôn có một ranh giới nhất định cho nhau. Ranh giới đó không phải đẳng cấp, cũng không phải là thứ bậc mà nó là cái ngưỡng của sự yêu quý, tôn trọng. Tất nhiên, việc ồn ào khác việc truyền thông ( tức là truyền thông tích cực). Tôi phân biệt để chị biết tôi rất trân trọng truyền thông.
Cùng với đam mê là chất nghệ của Andy Minh, anh duy trì chúng trong suốt những năm làm nghề, coi như nguồn cảm hứng sáng tạo của mình
|
PV: Thế một nhà tạo mẫu, có cần “xưng hùng” không? Nghĩa là Pr ấy mà !
NTM Andy Minh: Thật ra thì không thể phủ nhận truyền thông. Nhất là nghề làm đẹp. Rõ ràng, câu từ, sự kiện như một thứ ánh sáng, nó làm chúng tôi đẹp hơn, rõ hơn, trong mắt những người đang quan tâm đến chúng tôi. Cái này các bạn trẻ rất mạnh. Có những người trẻ, họ rất giỏi. Tôi cũng ngưỡng mộ họ, ít nhất ở điểm này. Họ táo bạo nói ra điều mình mơ ước. Họ dám mô phỏng điều mình khao khát. Bất luận họ đạt được nó hay chưa. Khách hàng cũng cần sự “mịn màng” đó. Chỉ tiếc là nhiều bạn nói được không làm được hoặc nói quá xa với làm thì sẽ bị lố. Tôi hiểu ý chị, việc khoanh vùng “xưng hùng, xưng bá” ở một lĩnh vực, mảng miếng kỹ năng, kỹ thuật cũng là cần thiết. Như tôi nói, đó là cách làm mình nổi bật lên. Chỉ có là đừng đi xa quá thôi.
Niềm vui của khách hàng cũng là niềm vui của nhà tạo mẫu
|
PV: CLB tóc Đẹp nơi anh làm Chủ tịch, cũng có “tuổi đời” đến 12 năm rồi, đứng đầu một tập thể hàng trăm nhà tạo mẫu, liệu có áp lực với anh không?
NTM Andy Minh: Việc ai nấy làm. Chúng tôi có ban chủ nhiệm, mỗi người một thế mạnh, đảm nhận phần việc mình thành thạo. Và, chúng tôi tôn trọng vai trò, vị trí của nhau. Như thế đủ để cái tôi của mỗi người không trỗi dậy. Điều mình thích, không có nghĩa là điều người khác thích. Tóc Đẹp là một câu lạc bộ nghề, ra đời trên tiêu chí kết nối, chia sẻ, yêu thương. Là Chủ tịch của một cộng đồng nghề đến hàng trăm người, hầu hết là các nhà tạo mẫu có danh tiếng và đương nhiên là có cá tính, có khi có cả “tật” nữa. ( Một số người giàu có từ nghề, có thể gọi là những doanh nhân thành đạt). Thì, tôi chỉ nên làm tốt nhất một việc đó là dẫn dắt, hối thúc mọi người bám sát tiêu chí ban đầu đề ra: Tạo ra các sự kiện để kết nối, duy trì sự quan hệ, gặp gỡ nhau; Chia sẻ, hỗ trợ với các thành viên mới, thành viên gặp khó khăn, và duy trì các chuyến đi tập thể thiện nguyện ở các vùng quê nghèo, vùng sâu, vùng cao để bày tỏ sự yêu thương…
Cảm ơn anh. Chúc anh thành công