Dịch: Mê Linh
Các nhà hoạt động xã hội và các tổ chức phi chính phủ cho biết họ lo ngại những kẻ buôn người đang lợi dụng chuyện đất nước Nepal bị tàn phá nặng nề sau hai trận động đất để dụ dỗ phụ nữ trẻ và các bé gái vào con đường mại dâm.
Nguy cơ gia tăng
Liên Hiệp Quốc ước tính 12.000 – 15.000 cô gái Nepal bị bán làm nô lệ tình dục ở châu Á hàng năm và giờ đây, người ta lo sợ các lều dành cho nạn nhân bị ảnh hưởng bởi động đất đang nằm trong tầm ngắm.
Những kẻ buôn người thường tự xưng là các nhà tuyển dụng, khi đưa ra lời đường mật về các công việc không có thật cho những phụ nữ trẻ và các cô gái đang tuyệt vọng, những người có cảnh ngộ khốn khổ sau động đất. Một thủ đoạn khác của chúng là tỉ tê một ông chồng giàu sẵn sàng cưới vợ ở thành phố khác, nhưng khi họ đặt chân đến nơi họ bị buộc làm gái mại dâm.
“Đội ngũ của chúng tôi đến hiện trường thành phố Bhaktapur, Gorkha và các vùng lân cận thủ đô Kathmandu ngay sau khi động đất xảy ra, đã chứng kiến nhiều người đến đó nhân danhc ứu viện và hứa hẹn giúp trẻ em và nữ vị thành niên có việc làm”, Bhuwan Ribhu thuộc Hội bảo vệ trẻ em Bachpan Bachao Andolan nói.
“Và chúng tôi e rằng họ sẽ bị bóc lột tình dục và lao động cưỡng bức”.
Các nhân viên cứu trợ đến từ các nước phương Tây cũng quan tâm đến quy mô vấn đề. “Sự hỗn loạn tạo cơ hội để… buôn bán nhiều phụ nữ hơn. Rất có khả năng là mọi chuyện tồi tệ xảy ra ở Nepal sẽ gia tăng”, một nhân viên cứu trợ kể.
Đáng buồn là, vấn đề buôn người không có gì mới ở Nepal. Báo cáo của Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc(Unicef) cho thấy con số phụ nữ và trẻ em bị bán hồi năm ngoái tăng 60%, nếu so với một năm trước đó.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp loại Nepal là vùng 2, nghĩa là chính phủ “không hoàn toàn tuân theo các tiêu chuẩn tối thiểu của việc xóa sổ tệ nạn buôn người; tuy nhiên, lại có những nỗ lực đáng kể”.
Nhiều cô gái đang được chở đến các thành phố của Ấn Độ nơi họ thường xuyên bị lạm dụng tình dục và thể xác, thậm chí là bị giết. Các tổ chức phi chính phủ làm việc trong lĩnh vực này cho biết có những bé gái chỉ mới 8 tuổi được giải cứu trong những điều kiện kinh khủng.
Nhiều tổ chức từ thiện đã yêu cầu cảnh sát tăng cường các đội tuần tra trên tuyến đường biên giới dài 1.000 dặm nhưng đầy chông gai Nepal – Ấn Độ để ngăn chặn những kẻ buôn người. Tuy nhiên, sau hai trận động đất, hầu hết cảnh sát đều tập trung cho hoạt động cứu trợ ở những ngôi làng hẻo lánh, chỉ còn lại ít người loviệc tuần tra biên giới.
Hai trận động đất ở Nepal với cường độ 7.8 và 7.4 độ Richter vào hồi tháng 4 và tháng 5 khiến hơn 8.600 người thiệt mạng và gần 20.000 người bị thương – nhiều người trong số họ vẫn đang sống trong các lều.
Các nhà chức trách Nepal cố gắng tìm cách giải quyết sự tàn phá trên diện rộng và có thể cần đến 10 tỉ USD cứu trợ để tái xây dựng các tòa nhà và cơ sở hạ tầng bị tàn phá bởi hai trận động đất.
Trẻ em gái cần được bảo vệ
Khi nghe tin về hai trận động đất bi thảm ở Nepal, bà Olga De Biaggio, chuyên gia bình đẳng giới thuộc Tổ chức quyền trẻ em Plan của Anh đã nghĩ ngay đến các bé gái bị ảnh hưởng. Theo bà, các trẻ em gái dễ bị tổn thương vì vị trí bé nhỏ trong xã hội và thậm chí còn bé nhỏ hơn nữa khi thảm họa xảy ra.
Chứng cứ cho thấy sự phân biệt giới tính mà nữ vị thành niên đối mặt trong cuộc sống hàng ngày đã làm trầm trọng hoàn cảnh của họ trong những tình trạng khẩn cấp.
Thậm chí trước thảm họa lớn này, việc là một bé gái ở Nepal cũng không hề dễ dàng. Sự phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái là một phần của các quy chuẩn xã hội đã được chấp nhận rộng rãi và được duy trì trong các gia đình và cộng đồng. Tỉ lệ tử vong ở bé gái luôn cao hơn bé trai, và bé gái ít được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện.
Đặc biệt là tại các vùng nông thôn, các bậc cha mẹ không nhìn thấy giá trị của việc cho con gái đến trường vì điều này có lẽ sẽ không tăng thêm các cơ hội việc làm trong tương lai. Hậu quả là các bé gái bỏ học sớm, và 41% lấy chồng trước 18 tuổi. Trên thực tế, 10% kết hôn trước khi bước sang tuổi 15.
Điều kiện kinh tế eo hẹp, việc học hành có giới hạn và tình trạng văn hóa thấp đã đẩy các bé gái và phụ nữ vào tình trạng lao động cưỡng bức và con đường mại dâm. Nạn nhân của tệ nạn buôn người thường được đưa từ các khu vực nông thôn Nepal đến các trung tâm thành thị, cũng như đến các nước láng giềng.
Theo Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef), khoảng 50.000 phụ nữ và trẻ em gái làm việc trong các nhà hàng, quán bar và cơ sở mát – xa ở thủ đô Kathmandu. Khoảng 1/3 trong số họ bị bóc lột tình dục. Hàng năm, khoảng 5.000 – 7.000 cô gái bị bán sang Ấn Độ qua đường biên giới, và hầu hết trở thành gái mại dâm trong các nhà thổ ở Mumbai và New Dehli.
DỮ LIỆU BUỒN
|