Bài: Thùy Dung | Ảnh: NVCC
- Thưa chị Phạm Thanh Hương, chị đã gắn bó cuộc sống và sự nghiệp với đất nước Nhật Bản từ khi nào?
Trong thời gian học cao học tại Nhật Bản, cơ duyên đã đưa tôi gắn bó hơn với đất nước này. Nhờ có tập đoàn Monomaru mà tôi đã có nhiều cơ hội để phát triển năng lực bản thân và đạt được thành công trong sự nghiệp. Được gắn bó và làm việc trong một tập đoàn lớn có trên 30 năm tuổi hoạt động đa ngành như Monomaru, tôi thấy mình may mắn, đó cũng là động lực thúc đẩy tôi phải phát triển từng ngày.
- Chị đã bước qua những khó khăn khi phát triển sự nghiệp trong một tập đoàn của Nhật như thế nào?
Xây dựng sự nghiệp trên đất Nhật là điều không hề dễ dàng, đặc biệt với nữ giới thì điều đó khó khăn gấp bội. Ý thức được điều này nên tôi luôn chăm chỉ phấn đấu, từng bước khẳng định năng lực trong một môi trường kinh doanh nổi tiếng là chuyên nghiệp hàng đầu thế giới. Người Nhật làm việc rất chuyên nghiệp, họ luôn nỗ lực làm mọi thứ một cách hoàn hảo nhất. Sự năng nổ, nhiệt tình trong đối ngoại cùng bản lĩnh trên thương trường đã giúp tôi ghi dấu ấn trong lòng cộng đồng doanh nghiệp Nhật và dễ dàng vượt qua mọi khó khăn.
- “Phụ nữ đẹp và giỏi thường khó hạnh phúc”- Câu nói này có đúng với chị? Chị làm gì để cân bằng được cuộc sống, để vừa hạnh phúc vừa thành công?
Theo quan điểm của tôi khái niệm này chỉ đúng khi chúng ta không cân bằng được mọi khía cạnh với nhau, dẫn đến cái thì quá thừa trong khi cái thì quá thiếu. Để vừa có được thành công mà vẫn hạnh phúc chỉ còn cách là sắp xếp công việc một cách khoa học nhất, để vẫn toàn vẹn công việc mà thời gian và tình yêu dành cho gia đình vẫn đảm bảo. Điều này rất khó nhưng nếu cố thì vẫn có thể song hành tốt đẹp . Và tôi vẫn nỗ lực như vậy mỗi ngày. (Cười). Tôi cũng phải biết tự chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và biết lạc quan yêu đời để cống hiến cao nhất cho xã hội và gia đình của mình. Tôi vẫn thấy nhiều người nổi tiếng trên thế giới họ rất thành công mà vẫn có một gia đình hạnh phúc!
- Chị tiếp thu những gì từ văn hóa Nhật và gìn giữ những gì của văn hóa Việt trên hành trình xây dựng phong cách và hình ảnh cá nhân?
Tôi cảm thấy may mắn khi trong mình được giao thoa nhiều nền văn hóa. Văn hóa hiện đại và truyền thống đã tạo nên nét đẹp đặc trưng trong văn hóa của người Nhật - nguyên tắc, đơn giản không cầu kỳ. Còn người Việt Nam chúng ta có tố chất chăm chỉ, cần mẫn, dễ thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh và đặc biệt sống rất tình cảm.
- Đâu là ước mơ, mục tiêu của chị trong vai trò kết nối kinh doanh / xúc tiến thương mại giữa Việt – Nhật?
Tại Nhật, tôi luôn nhớ về quê hương và luôn mong mỏi đóng góp điều gì đó cho Việt Nam. Tôi muốn kêu gọi đầu tư vào Việt Nam, nâng cấp các dịch vụ góp phần phát triển cho nước nhà. Thời gian tới, tôi sẽ đưa nhiều quỹ đầu tư của Nhật Bản về Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Các hạng mục sẽ đầu tư là bất động sản, y tế và
giáo dục, bán lẻ. Vì tôi đánh giá cao chất lượng và phương cách giáo dục kỷ luật, khả năng tự lập của người Nhật. Con người là yếu tố cốt lõi trong phát triển kinh tế của đất nước vì thế chúng ta nên chăm sóc và tạo cho trẻ em một thói quen tư duy, nề nếp sống cũng như sự kỷ luật thật tốt ngay từ khi còn nhỏ.
- Chị có thời gian dài sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản, chị có ấn tượng gì về Tết của người Việt và người Nhật?
Tết Nguyên đán luôn là một ngày lễ truyền thống đặc biệt nhất trong tôi, bởi tôi là người con đất Việt như bao người Việt khác. Cho dù hoàn cảnh có làm giao thoa bao nhiêu nền văn hoá, thì Tết Nguyên đán Việt Nam là một ngày tết ấm cúng nhất, mang nhiều cung bậc cảm xúc và chan chứa tình quê hương nhất trong tôi. Ngày tết đoàn viên, ngày của đại gia đình và sự sum họp. Đó là điều quý nhất và riêng nhất của đất nước ta, tôi nghĩ vậy. Còn Tết của người Nhật là Tết dương lịch. Xa xưa họ cũng có ngày tết riêng nhưng giờ đây họ đón tết chung với thế giới. Nhật Bản là một nước tư bản phát triển tại Châu Á nhưng có lẽ họ là đất nước khá đơn giản trong ngày Tết. Sau một năm làm việc bận rộn, họ dành dịp nghỉ lễ này cho sự nghỉ ngơi và đi du lịch. (Cười) Đó chính là lý do vì sao tôi càng nhớ Tết Nguyên đán của đất nước ta hơn. Dù cuộc sống có bận rộn bao nhiêu thì chúng ta cũng nên duy trì và bảo tồn một nét văn hoá rất riêng và ý nghĩa này của ngày Tết Nguyên đán.