Bài: Khánh Nguyễn
Người đồng hành cùng PNF trong dự án lần này cũng chính là bộ đôi quen thuộc của Cổ Tích Việt Nam: đạo diễn Quách Khoa Nam và biên kịch Hoài Hương. Quách Khoa Nam từng đoạt giải Đạo diễn phim truyền hình xuất sắc nhất tại Cánh Diều 2014 và có các sản phẩm được đánh giá cao như: Vọng Kim Lan, Phiêu bạt giữa cuộc đời, Dòng sông không trở lại, Cung đường bí ẩn… Anh nói: “Tôi có niềm đam mê rất lớn với phim thiếu nhi, trước đây khi còn là diễn viên, cũng từng tham gia Cổ Tích Việt Nam của PNF(19 tập trên định dạng băng VHS, VCD, DVD). Vậy nên khi được gắn bó với loạt phim truyền hình Cổ Tích Việt Nam và nay là Cậu Bé Nước Nam khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Mặt khác, tôi cảm thấy công việc làm nghệ thuật của mình còn có ý nghĩa hơn khi đây lại là một trong số hiếm hoi những phim truyện dành cho thiếu nhi ở thời điểm có quá ít những phim truyện vừa mang tính chất giải trí vừa mang tính giáo dục cho con em của chúng ta”.
Phim truyền tải thông điệp: “Nước Nam luôn có anh tài”, người nước Nam cho dù là một em bé nhưng vẫn đầy đủ những tố chất khiến những kẻ xấu phải kiêng dè…Những lúc tổ quốc lâm nguy, đều đồng lòng đứng lên phò vua giúp nước. Đó là khát vọng cũng là niềm tin của người dân Việt Nam!
Cậu Bé Nước Nam được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, bối cảnh, trang phục, đạo cụ phần hậu kỳ kỹ xảo được xử lý tốt tạo nên hiệu ứng huyền ảo, giúp thổi hồn cho câu chuyện thêm hấp dẫn.
Với kịch bản được phát triển từ những câu chuyện cổ hấp dẫn, bàn tay đạo diễn có nghề, chăm chút đầu tư của bối cảnh, trang phục, kỹ xảo hậu kỳ… nhất là phần diễn xuất thông minh, lí lắc của bé Duy Anh, bộ phim cổ tích thiếu nhi Cậu Bé Nước Nam hứa hẹn được không chỉ khán giả nhí đón nhận mà còn cả khán giả người lớn trong gia đình.
Bộ phim xây dựng trên cơ sở tập hợp các tình tiết chọn lọc từ các câu chuyện cổ tích và các dị bản về mô típ nhân vật “em bé thông minh”, truyện Trạng, dã sử…Bộ phim ca ngợi tài trí và ý chí không khuất phục trước hung tàn bạo ngược của cậu bé nước Nam.
Tí được sinh ra với hình dáng con cóc do được mẹ - lúc này đã già- hoài thai sau khi gặp sự lạ. Sợ bị dân làng dị nghị, chủ làng quở trách, mẹ Tí đem con vào hang núi nuôi, thi thoảng mới đến thăm. Trong khi đó nơi triều đình Vua trẻ mới lên ngôi, Chúa (chú của vua) muốn tranh giành quyền bính. Nhân khi đạo sư làm lễ cúng sao giải hạn cho triều đình thì trời nổi giông gió sấm chớp, Đạo sư báo là điềm có thánh nhân giáng thế để cứu nước – đó chính là Tí – Cóc. Vua muốn tìm thánh nhân về cung, Chúa thì muốn thì muốn truy cùng diệt tận. Từ đó xảy ra một cuộc truy tìm Cóc ly kỳ gay cấn. Song song với mâu thuẫn khi ẩn khi hiện, khi hòa hoãn khi gay gắt giữa Vua và chúa. Từ đó tạo thêm cớ cho giặc Phương Bắc thông qua tên quan đi sứ can dự việc triều chính và mang quân uy hiếp nước non.
Từ lúc Tí – Cóc ra đời, cũng là lúc bắt đầu những cuộc phiêu lưu kỳ lạ…Đan xen các cuộc quậy tưng này là một bí mật phải giữ kín: kỳ thực Tí là tướng trời nhưng phải giấu để sống như người thường. Trong một lần buộc phải hiện hình thành tướng nhà trời đuổi giặc ngoại xâm, được vua lập miếu thờ, Tí suýt nữa đã bị lộ chân tướng, phải dùng mưu mẹo xóa sạch giấu vết về tung tích mình…
Cuộc phiêu lưu của Tí sẽ trải qua các giai đoạn: cuộc chào đời bí ẩn, chiến đấu với 2 yêu tinh, về làng trong bộ dạng cậu bé 7 tuổi, hóa thành thánh nhân đánh tan giặc ngoại xâm, rồi lại trở lại hình người với các cuộc quậy phá ở làng, khi đi học ở chùa, lúc đi thi, khi vào triều, khi đi sứ…