Bài: Lê Phan
Thế nhưng, câu chuyện với nhà sản xuất (NSX) và người làm điện ảnh sẽ dừng lại ở câu hỏi: một bộ phim Việt ăn khách cần hội tụ những yếu tố nào? Bài viết này chỉ gói gọn quanh chuyện chất lượng nội dung phim, không bàn đến những yếu tố khách quan từ bên ngoài như rạp chiếu, con cưng của nhà phát hành,…
Quan trọng nhất vẫn là khâu kịch bản
Nói về thành công của Em là bà nội của anh, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thừa nhận, yếu tố cốt lõi chính là kịch bản. Trớ trêu thay, đây là điều gần như chẳng mấy NSX phim Việt quan tâm và có sự đầu tư đúng mức. Không phải là tất cả nhưng đa phần, phim Việt hiện nay thường chú ý đến việc người nổi tiếng nào đang hot, danh hài nào sẽ góp mặt vào bộ phim để đảm bảo hiệu ứng ngay từ lúc bấm máy cũng như sự trấn an về mặt tinh thần. Dĩ nhiên, chi phí để trả cho danh hài, cho người nổi tiếng không phải là thấp, và với mức kinh phí có hạn thì các khâu khác trong quá trình sản xuất bắt buộc phải co cụm là tất yếu. Hệ quả là những bộ phim dở ông dở thằng, hài nhảm, bê nguyên xi kịch truyền hình lên sân khấu nhan nhản khắp rạp chiếu, khiến khán giả ngán ngẩm và lắc đầu mỗi khi nghe đến phim Việt. Và nói như vậy, không có nghĩa là phủ nhận yếu tố ngôi sao của một bộ phim. Nhưng, với kinh phí co hẹp thì việc nên đầu tư cho khoản nào là quan trọng nhất là một bài tính NSX cần hết sức cân nhắc.
“Em là bà nội của anh” – dấu ấn mới trong lịch sử doanh thu phòng vé Việt.
Rất nhiều bộ phim kịch bản từ khá đến tốt, dẫu doanh thu không ngất ngưởng nhưng vẫn đem về cho NSX lợi nhuận không hề nhỏ. Có thể kể ra đây: Thần tượng, Chàng trai năm ấy, Quả tim máu, Scandal, Để mai tính, Tèo em, Âm mưu giày gót nhọn, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mật ngữ 12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy, Yêu, Trúng số,… Kịch bản chắc tay là yếu tố tiên quyết giúp người làm phim có thể thêm mắm dặm muối, vẽ vời đủ thứ nhưng vẫn không đi lạc khỏi sợi dây chính, đưa bộ phim đi đến cái kết cuối cùng làm thỏa mãn và hài lòng người xem.
Sẽ có phản biện rằng, những bộ phim như Đường đua, như Siêu trộm gần đây nhất, kịch bản ổn, mới lạ về nội dung cũng như cách dựng phim tài tình lại thua thê thảm, thậm chí bị đá bay khỏi rạp chiếu trong khi những bộ phim bị chê nhảm như Tía tôi là cao thủ, nhiều bộ phim của đạo diễn Trần Ngọc Giàu, các phim của hãng Phước Sang,… lại tung hoành và nghiễm nhiên trở thành hot phòng vé. Câu trả lời ở đây nằm ở mạch cảm xúc của phim.
Nhân vật phải gần gụi, mang hơi thở của đời sống
Có hai ví dụ điển hình xoay quanh câu chuyện này là 49 ngày của Nhất Trung và Siêu trộm của Hàm Trần. Về kỹ thuật dựng phim, có thể khẳng định Hàm Trần thuộc hàng “vô đối” ở Việt Nam hiện nay khi rất nhiều đạo diễn Việt kiều tên tuổi đều ngả mũ mời anh về đứng sau sản phẩm của họ kỳ được. Thế nên khi thông tin Siêu trộm, bộ phim chiếu Tết năm nay của Hàm Trần dưới sự phát hành của BHD bị hất tung ra khỏi rạp, trong khi Tía tôi là cao thủ tung hoành khiến không ít người trong giới làm phim chua xót, cảm thán liên tục! Họ quên mất rằng, chính thị trường và thị hiếu khán giả là câu trả lời chính xác nhất cho việc sản phẩm có phù hợp hay không. Không ai phủ nhận Hàm Trần quá xuất sắc, Siêu trộm là một bộ phim khá ổn nhưng nội dung của phim thì rõ ràng xa lạ với khán giả Việt. Một tác phẩm dù có xuất sắc đến mấy, kỹ xảo hoành tráng đến đâu, ngôi sao nhiều vô đối mà nội dung thiếu gần gũi, nhân vật thiếu một đời sống tinh thần có thể đại diện cho số đông của đời sống xã hội thì vẫn bị khán giả quay lưng. Có thể soi chiếu điều này rõ ở những siêu phẩm của Hollywood thất trận trên sân Việt mà thí dụ gần đây nhất là Star War: The Force Awakens.
“Siêu trộm” – phim Việt được đánh giá là đáng xem nhất lại “thất trận” mùa phim Tết 2016.
Trong khi đó, Tía tôi là cao thủ hay trước đó là 49 ngày, một phim tạm ổn của Nhất Trung lại tràn đầy hơi thở đời sống. Câu chuyện trong phim, nhân vật trong phim có thể chưa trọn vẹn, có thể hơi thừa thãi, có thể từ trên trời rơi xuống nhưng sợi dây đời sống, tình cảm có thể xí xóa sự thiếu mạch lạc ấy. Họ đại diện cho một số đông nào đấy mà khi xem, khán giả thấy được bóng dáng họ trong phim. Đây chính là nguyên nhân chốt yếu vì sao phim Hàn được người Hàn ưa chuộng đến hơn cả phim Hollywood.
Mật ngữ 12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy và Yêu là hai bộ phim tuổi thanh xuân đánh trúng vào tâm lý của khán giả trẻ, không chỉ hội đủ trai xinh gái đẹp mà phim còn để những người trẻ trong phim tự lớn, tự giải quyết câu chuyện của họ. Chính vì thế, dù gặp một số vấn đề ở khâu kiểm duyệt thì hai bộ phim vẫn được giới trẻ yêu thích, người làm nghề nhắc đến bằng sự kỳ vọng thiết tha.
Có nhiều yếu tố quyết định sự thành bại của một bộ phim, trên đây chỉ là hai yếu tố được lẩy ra từ phim Việt. Điện ảnh Việt, cần nhiều hơn nữa những bộ phim tốt như Em là bà nội của anh, như Trúng số, như Thần Tượng, Chàng trai năm ấy,… để kéo khán giả đến rạp nhiều hơn. Nói như Phan Gia Nhật Linh thì, NSX và cả đạo diễn, trước nhất phải yêu bộ phim của chính anh ta. Làm phim là kể một câu chuyện cảm xúc mà chính người thực hiện khát khao chia sẻ với người xem. Phần còn lại, khán giả sẽ là người quyết định.