Bài: Trần Lệ Thủy
(Tư vấn chuyên môn: BS Hoàng Danh Tấn – BV Bình Dân, TP.HCM)
Không đau và không có biểu hiện gì khác thường là chị P.N (nhà báo) gặp phải khi được bác sỹ thông báo chị bị đa polyp túi mật cần phải phẫu thuật sớm tránh biến chứng ung thư túi mật, sau khi tình cờ đi khám sức khỏe định kì.
Polyp túi mật là gì?
Túi mật là một túi rỗng bên trong có chứa nhiều mật, là một cấu thành của hệ thống đường dẫn mật, túi mật có nhiệm vụ tích mật và cô đặc mật, tham gia điều hòa bài tiết mật giúp tiêu hóa thức ăn. Polyp túi mật, tức u nhú niêm mạc tuyến mật, là tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Polyp túi mật lành tính trong khoảng 92% các trường hợp, số còn lại là ác tính gồm ung thư tuyến (adenocarcinome), u sắc tố (mealanome), di căn ung thư…
Nguyên nhân?
Có nhiều yếu tố thuận lợi đối với việc hình thành polyp túi mật như rối loạn chức năng gan - mật, rối loạn đường máu, rối loạn mỡ máu, người thừa cân, béo phì, chế độ dinh dưỡng ăn uống không phù hợp (ăn nhiều mỡ, phủ tạng động vật…), gan nhiễm mỡ, nhiễm virút viêm gan. Các dạng polyp túi mật dạng lành tính là u tuyến, u cơ, u cơ - tuyến, u mỡ, u giả cholesterol.
Số lượng và kích thước của polyp túi mật cũng khá đa dạng, nhưng thường gặp nhất là có một polyp và kích thước nhỏ hơn 10mm. Một số người có thể có nhiều polyp trong túi mật và có thể có kích thước khá lớn (trên 20 - 40mm). Một số trường hợp vừa có polyp vừa có sỏi túi mật.
Đối tượng nào thường bị?
Polyp túi mật chủ yếu gặp ở người trưởng thành, nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em, hay gặp ở phụ nữ độ tuổi 30 - 50. Người châu Á mắc nhiều hơn so với các châu lục khác. Một vài nghiên cứu cho thấy: các polyp cholesterol thường gặp ở những bệnh nhân từ 40 - 50 tuổi, phổ biến là ở phụ nữ; polyp cholesterol chiếm trên 50% các trường hợp polyp túi mật, chúng thường nhiều và có cuống, có kích thước từ 2 - 10mm; adenomyomas là loại phổ biến thứ hai của polyp túi mật, chiếm khoảng 30% trường hợp polyp túi mật, thường đơn độc, kích thước từ 10 - 20mm, thường thấy ở đáy của túi mật; các polyp ác tính chiếm khoảng 5%; những polyp ít gặp là ung thư nơi khác di căn đến túi mật, carcinoma tế bào vảy và angiosarcoma.
Triệu chứng
Hầu hết các polyp túi mật thường không gây ra triệu chứng gì hoặc có thể đau vùng hạ sườn phải, ngoại trừ khi polyp có biến chứng như viêm nhiễm hay tắc mật thì sẽ đau nhiều, sốt… Để xác định có polyp túi mật hay không, người ta thường dùng các kỹ thuật thăm dò chẩn đoán, trong đó phổ biến nhất và được lựa chọn hàng đầu là siêu âm chẩn đoán. Mặc dù có độ nhạy và độ đặc hiệu khá cao nhưng siêu âm không thể phân biệt được polyp lành tính hay ác tính để có chỉ định phẫu thuật. Chụp CT Scan có giá trị hơn nhưng khá tốn kém và cũng không thể khẳng định chắc chắn.
Biện pháp
Không có phương pháp nào để khẳng định chắc chắn polyp là lành tính hay ác tính. Việc xác định chỉ có được sau khi đã mổ cắt túi mật và làm giải phẫu bệnh. Qua siêu âm, nếu nghi ngờ polyp túi mật mà bệnh nhân không có triệu chứng như đau, sốt… thì nên kiểm tra lại sau 6 tháng hay một năm để khẳng định. Trường hợp hình ảnh polyp rõ, cần theo dõi định kỳ bằng siêu âm 6 tháng nếu khối u lớn trên 10 mm. Nếu phát hiện các biểu hiện ác tính qua xét nghiệm máu, các thăm dò khác hoặc polyp đã có biểu hiện lâm sàng như đau, sốt tái phát, nên chỉ định phẫu thuật sớm. Do không thể có một thăm dò nào chẩn đoán chính xác bản chất của polyp túi mật nếu chưa có can thiệp phẫu thuật và giải phẫu bệnh lý nên không có thuốc đặc trị cho bệnh polyp túi mật.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt túi mật được chỉ định trong các trường hợp: polyp lớn hơn 10mm, có hình ảnh gợi ý ác tính, phát triển sau thời gian theo dõi 3 - 6 tháng. Ngày nay với sự phát triển phẫu thuật nội soi, cắt túi mật nội soi là tiêu chuẩn vàng để điều trị polyp túi mật, là phẫu thuật ít xâm hại, ít đau và bệnh nhân hồi phục nhanh, ít biến chứng nếu phẫu thuật viên có kinh nghiệm. Túi mật là nơi dự trữ mật, còn gan mới là nơi sản sinh ra dịch mật. Vì vậy sau khi cắt túi mật không làm mất đi dịch mật để tiêu hóa thức ăn. Có khoảng 20% - 30% số bệnh nhân sau cắt túi mật có triệu chứng đầy hơi khi ăn nhiều dầu, mỡ, trứng và triệu chứng này mất đi sau 3 - 6 tháng.
Phòng bệnh
Ít nhất phải thăm khám sức khỏe định kì 6 tháng/lần đối với phụ nữ tuổi từ 30 - 55. Đây là “giai đoạn vàng” để phát hiện và chữa trị kịp thời những căn bệnh nguy hiểm. Nếu nghi ngờ polyp túi mật phát hiện qua siêu âm mà bệnh nhân không có triệu chứng như đau sốt... thì nên kiểm tra lại sau 6 tháng hay một năm để khẳng định. Nếu sau thời gian đó mà không còn hình ảnh của polyp thì không cần phải xử trí gì. Trường hợp hình ảnh polyp rõ, cần theo dõi định kỳ bằng siêu âm 6 tháng nếu khối u lớn trên 10mm, hoặc có phát hiện các biểu hiện ác tính qua xét nghiệm máu, các thăm dò khác hoặc polyp đã có biểu hiện lâm sàng như đau sốt tái phát nên chỉ định phẫu thuật sớm.
Cắt túi mật ảnh hưởng đến sức khỏe không? |
Cắt túi mật không ảnh hưởng đến gan vì túi mật chỉ là nơi dự trữ mật do gan tiết ra nên sau khi cắt túi mật, cơ thể không có dự trữ mật sẵn, chỉ khi nào ăn uống thì mật trong gan mới tiết ra để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Hàng năm trên thế giới có vài chục ngàn người cắt túi mật nhưng chưa ghi nhận cá nhân nào bị ảnh hưởng sức khỏe do việc cắt túi mật. Tuy nhiên sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật có thể có những xáo trộn bất thường về số lượng và chất lượng của dịch mật lên hệ thống tiêu hóa, bởi chức năng của túi mật là nơi chứa mật và cô đặc mật từ gan đưa xuống. Do vậy người đã cắt túi mật nên ăn uống những thực phẩm dễ tiêu, hạn chế mỡ và những đồ ăn chiên rán; vừa ăn vừa thăm dò, nếu không thấy xuất hiện những khó chịu nào đáng kể thì có thể trở lại ăn uống bình thường. Chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao cũng vậy, có thể trở lại hoạt động bình thường khi sức khỏe sau phẫu thuật ổn định. |
Hãy chăm sóc đến túi mật của mình! |
Túi mật là một bộ phận của đường dẫn mật ngoài gan, nằm trong hố túi mật dài từ 8 - 10cm, rộng nhất là 3cm, gồm 3 phần: đáy, thân và cổ. Ống túi mật dẫn mật từ túi mật tới ống mật chủ, dài 3 - 4cm, đoạn đầu rộng 4 - 5mm, đoạn cuối hẹp 2,5mm. Trong lòng ở phần trên của ống túi mật có những van gọi là van Heister làm cho ống túi mật không bị gấp lại và làm cho mật lưu thông dễ dàng. Trong cơ thể, dịch mật được tiết ra liên tục từ các tế bào gan nhưng bình thường hầu hết lượng mật này được dự trữ ở túi mật. Cứ 12 tiếng, gan tiết ra một lượng dịch mật khoảng 450ml, tuy nhiên thể tích tối đa của túi mật chỉ ở mức 30 -60ml. Để chứa được lượng dịch mật này, túi mật hấp thụ hầu hết nước, Na, Cl và các chất điện giải trong dịch mật thông qua lớp niêm mạc. Đến bữa ăn, túi mật co bóp và chuyển dịch mật trong túi mật vào tá tràng giúp tiêu hóa thức ăn. Chức năng quan trọng nhất của mật là giúp cho quá trình tiêu hóa và hấp thu chất béo cũng như các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, K, E và caroten. Đối với người bị polyp túi mật thì chế độ ăn uống phải thanh đạm gần giống với người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp, tức là phải giảm cholesterol xấu trong máu. Bạn có thể giảm cholesterol bằng các loại thực phẩm lành mạnh gồm: Yến mạch, các loại hạt, đậu, thay chất béo từ thực vật bằng động vật, tăng ăn cá hồi thay thịt động vật... Đặc biệt, không nên uống rượu, cà phê mà thay vào đó là uống trà xanh bởi trà xanh chứa catechins, là những hợp chất chống oxy hóa giúp giảm cholesterol xấu một cách khá tốt. Nên chọn thịt nạc từ gia cầm. Nếu ăn cá, nên chọn các loại cá biển. Đặc biệt là nên ăn những loại rau xanh có chứa nhiều chất xơ. Nên ăn những thực phẩm theo màu như màu đen chọn nấm hương, mộc nhĩ; màu vàng chọn cà rốt, bí ngô; màu xanh chọn các loại rau họ cải; màu trắng chọn cải bắp, su hào... bởi những thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, vitamin A, B1, C và chứa thành phần chống viêm cho người bệnh. |