Bài: Minh Minh
Thông tin Spotify đang chuẩn bị vào Việt Nam được loan ra từ hơn nửa năm trước, khi Spotify ráo riết tìm tuyển biên tập viên bản địa cho mảng nhạc Việt , thì bây giờ, trung tuần tháng 3 đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam, sau 10 năm thành lập và có mặt 65 quốc gia trên thế giới.
Sự tự tin về thói quen tiêu dùng văn minh
Vào Việt Nam, Spotify hứa hẹn sẽ là đối thủ đáng gờm cho các ông lớn cung cấp nghe nhạc trực tuyến hiện nay, hứa hẹn sẽ giúp cho thị trường nghe nhạc số trực tuyến sôi động hơn và giúp cho nhiều đơn vị kinh doanh tương tự khác ở nước ngoài tham gia hoặc… trở lại. Trước đây, đã có một vài công ty tương tự vào Việt Nam một thời gian rồi lặng lẽ rút lui không kèn trống vì không thể thay đổi thói quen quen thuộc lâu nay của người dùng vốn thích xài chùa, không quen nghe nhạc trực tuyến phải trả tiền.
Đứng trước câu hỏi của giới truyền thông liệu Sportify có tự tin khi thị trường VN từng có đơn vị kinh doanh tương tự mà không thành công, đại diện của Sportify đã trả lời rằng với kho âm nhạc lớn như thế, Spotify có niềm tin chinh phục thị trường Việt Nam. Những tín hiệu nghe nhạc có bản quyền ở châu Á thời gian qua rất tích cực và Spotify cũng đã tìm hiểu ở Việt Nam rất kỹ trước khi vào, khi đã thấy có những có tín hiệu tích cực hơn và có niềm tin về thói quen tiêu dùng văn minh đang được xác lập.
Chuyện nghe nhạc trực tuyến có thu phí hay miễn phí, phí bao nhiêu cũng là vấn đề đau đầu nhiều trang nghe nhạc trực tuyến trước đây ở Việt Nam và vấn đề này tuy không mới nhưng vẫn tồn tại lâu nay. Đây cũng là điều mà có lẽ Sportify đang rút kinh nghiệm khi vào Việt Nam khi họ đã chuẩn bị sẵn 2 dịch vụ Spotify cung cấp dịch vụ nghe nhạc cho cả 2 nhóm miễn phí (có quảng cáo) và gói dịch vụ trả phí (gói Spotify Premium với mức phí 59.000 VNĐ/tháng sẽ không phải xem quảng cáo. Gói trả phí có chất lượng stream nhạc khá cao (320kbps) Phát bất cứ bài nào, bất cứ khi nào bạn muốn. Không giới hạn quyền bỏ qua bài hát. Âm nhạc theo yêu cầu và hoàn toàn không bị gián đoạn bởi quảng cáo trên cả máy tính, điện thoại và máy tính bảng. Ngoài ra gói này còn được nghe nhạc offline.
Như vậy, công chúng có thêm 1 chọn lựa để nghe nhạc và nghệ sĩ, cụ thể ở đây là ca nhạc sĩ sẽ có nơi để quảng bá và tang thêm thu nhập. Tuy nhiên, không phải ai cũng hào hứng và nghĩ rằng mình có thêm kênh quảng bá, thu nhập mà ngược lại. Đó cũng là lý do vì sao Spotify có thể vừa dễ vừa khó tiếp cận với các nghệ sĩ, nhất là ca sĩ Việt vốn luôn hoạt động riêng lẻ chứ không đầu quân hay trực thuộc một công ty quản lý âm nhạc nào.
Nhưng bước đầu các ngôi sao như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng đến các nhóm FB nation, Suboi…đã hào hứng tham gia thì tương lai gần, triển vọng là các fan sẽ móc túi chi cho thần tượng mình thông qua các trang nhạc trực tuyến sẽ triển vọng hơn. Thông tin đáng quan tâm là kể từ khi ra mắt vào tháng 10/2008, Spotify đã chi trả 8 tỷ Euro cho các bên sở hữu tác quyền.
Kho nhạc khổng lồ và số tiền to hay nhỏ
Với một cộng đồng rộng lớn lên tới 159 triệu người dùng toàn cầu trong đó hơn 71 triệu người dùng trả phí , Spotify mang đến thị trường Việt Nam kho nhạc có hơn 35 triệu bài hát quốc tế và nhạc Việt dành cho cả hai nhóm người dùng miễn phí và có trả phí. Hơn 30.000 ca khúc mới được bổ sung hàng ngày. Hơn 2 tỷ playlist có sẵn, với 2 triệu playlist được tạo mới mỗi ngày . Riêng mảng nhạc Việt, gọi là phong phú thì chưa, nhưng bước đầu Spotify cho thị trường Việt cũng kịp có mặt tạm đủ các xu hướng nghe nhạc đang chiếm lĩnh trên thị trường. Cũng đủ mặt các giọng ca đang được giới trẻ ưa chuộng cho đến như các chủ đề soạn sẵn như nhạc cho thư giãn , đi phượt, tập thể dục, tình yêu… Dĩ nhiên, cũng hiểu theo mức vừa phải cho nền tảng đầu mới xây dựng, chứ thí dụ để các bài hát của Vũ Khanh (ca sĩ hải ngoại vốn quen thuộc với dòng nhạc thính phòng) vào trong album Tuyệt phẩm Bolero chung với Lệ Quyên, Quang Lê, Chế Linh, Như Quỳnh…thì chưa ổn thật.
Hôm ra mắt với giới truyền thông, trong lúc trà dư tửu hậu, một thành viên của Spotify hỏi rằng với mức 59 .000 đồng/ tháng với người Việt như vậy có hợp lý hay có cao quá không. Cánh phóng viên cười nửa đùa nửa thật mà rằng chuyện này cũng …hên xui. Thích thì 59.000 đồng là chuyện rất nhỏ, nhưng văn minh xài chùa bén rễ trăm năm thì số tiền chưa bằng tô hủ tiếu, tô phở các quán ăn có tiếng ấy cũng đã là quá nhiều. Lắm người vẫn sẵn sàng chi bạc triệu nhưng lại ngần ngừ khi chi bạc chục nghe nhạc vì không quen. Lắm người sẵn sàng chi bạc triệu mua hoa tặng ca sĩ nhưng đi nghe nhạc thì vẫn cứ miễn phí cơ. Dù gì thì cũng chúc cho Spotify gặp hên.
Và chúc mừng các nghệ sĩ không phân biệt ngôi sao đẳng cấp nhất, ngôi sao qua thời hay nghệ sĩ có tài mà chưa may mắn có tên tuổi cũng đều có cơ hội quảng bá thêm sản phẩm của mình.
Thay lời kết
Rồi đã tới lúc những ứng dụng nghe nhạc trực tuyến giúp, gợi ý, dụ dỗ, khuyến khích và áp đặt người nghe một cách ngọt ngào nhất những bài hát mình soạn ra cho người dùng. Hơn 2 tỷ playlist có sẵn, với 2 triệu playlist được tạo mới mỗi ngày mà. Hẳn nhiên điều này sẽ làm dấy lên những cuộc đua, quảng cáo trá hình giữa nhiều nhãn hàng và nhiều nghệ sĩ hoạt động độc lập sẽ bị thiệt thòi khi không nằm trong các bảng xếp hạng, các playlist được các ông lớn trong âm nhạc thế giới , các nhãn hàng ngấm ngầm thực hiện, tài trợ.
Nhưng đó lại là một câu chuyện khác và chúng tôi sẽ đề cập đến trong một bài viết khác vậy.