Trần Lệ Thủy (thực hiện) | Ảnh: Ngân Diễm
Doanh nhân Dương Quốc Nam
Tạm gác lại những bận bịu thường có của một doanh nhân, chen giữa những chuyến đi tất bật, doanh nhân Dương Quốc Nam đã có một buổi chiều muộn cuối năm trải lòng cùng phóng viên Thời Trang Trẻ, những câu chuyện không chỉ đơn thuần là việc kinh doanh.
Xin bắt đầu câu chuyện với anh bằng một câu hỏi rất quen, với anh, yếu tố cần của một nhà kinh doanh giỏi?
Nhà thiết kế nội thất thường bán những sản phẩm theo ý tưởng của họ, còn tôi bán cái thị trường cần. Đi theo hướng này, tôi có nhiều cơ hội để phát triển hơn. Vậy nên yếu tố cần đầu tiên trong kinh doanh tôi nghĩ đó chính là luôn nhạy cảm trong công việc mình đang làm. Dù không học về lĩnh vực nghệ thuật nhưng tôi có một tình yêu vô bờ bến với nghệ thuật. Điều mấu chốt của “dân” kinh doanh nội thất như tôi chính là bản lĩnh luôn vững, có tầm nhìn kinh doanh, biết cân bằng giữa về những xu hướng của tương lại, giữa cơ hội trong hiện tại và kinh nghiệm đã trải qua trong quá khứ, biết cảm thụ cái đẹp từ mọi khía cạnh một cách tinh tế.
Có phải luôn thức tỉnh mình phải biết cân bằng giữa vòng tròn quá khứ , hiện tại, tương lai của một nhà kinh doanh nột thất nên anh đã dám bỏ ra tiền tỉ để tài trợ công trình độc bản sách khổ lớn Tổng Tập Sắc Phong Việt Nam vừa qua?
Tôi đồng ý tài trợ toàn bộ cho công trình này với sự chân tình quí trọng dành cho thầy - Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần. Một người thầy, một người bạn lớn mà tôi rất tôn kính, thường tìm đến xin những lời khuyên trong cuộc sống cũng như trong đời sống tâm linh. Thầy là một bảo tàng sống về lịch sử Việt, hơn nữa đây là một công trình hiếm có mà thầy đã dành tâm huyết cho thế hệ con cháu, nên khi được thầy chia sẻ, tôi nhận lời hợp tác ngay.
Vì anh cũng nhận thấy “cơ hội” đến với mình?
Đúng! Một cơ hội để tôi được góp một phần nhỏ cho xã hội mà trước tiên là cho con cháu trong nhà. Văn hóa nước Việt ta không thua kém một đất nước nào trên thế giới, nhưng vì không có sự kết nối, tổng hợp quá rời rạc, chưa chính xác khách quan nên dần dần lớp trẻ xa rời. Việc được chung tay vào công trình nghiên cứu Tổng Tập Sắc Phong Việt Nam của thầy Thuần lần này là một sự vinh dự, một cơ hội lớn của tôi. Tôi tin rằng Tổng Tập Sắc Phong Việt Nam là một công trình mang ý nghĩa lớn trong việc góp phần lưu giữ di sản lịch sử, văn hóa và tâm linh của dân tộc.
Quay trở lại với nghề kinh doanh nột thất, anh hài lòng với những sản phẩm mang thương hiệu Phố Xinh?
Tất cả đời sống hằng ngày ăn, ngủ, nghỉ của tôi đều xoay tròn bên công việc thiên về nghệ thuật. Từ cập nhật các xu hướng nội thất thế giới đến quyết định đưa sản phẩm nào ra phù hợp tiện ích với khách hàng, thị trường. Khách hàng của tôi nếu tinh tế họ luôn cảm nhận điều này khi đến với các sản phẩm hay dịch vụ của chúng tôi, ngược lại tôi không bao giờ làm phụ lòng những vị khách đã yêu mến sản phẩm và thiết kế của mình mà luôn quan niệm là phải làm tốt hơn sau đó. Tôi có thể tự tin để nói rằng mỗi sản phẩm được thiết kế từ Phố Xinh đều có một câu chuyện của nó.
Trong quá trình xây dựng thương hiệu, khó khăn nào khiến anh ghi nhớ nhất?
Trong kinh doanh nếu nói đến khó khăn thì có muôn vàn điều để nói. Ngay từ bước khởi đầu tôi đã gặp trở ngại, bởi gần ngày khai trương siêu thị nội thất “Phố xinh” thì 2 tòa nhà thương mại lớn nhất thế giới ở Mỹ bị khủng bố làm sập. Cả thế giới kinh hoàng, khiến tôi lo lắng thị trường Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng theo và liệu trong lúc khó khăn thì người tiêu dùng có muốn mua sắm nội thất gia đình không? Dù suy nghĩ nhiều nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện lý tưởng của mình. Và may mắn là hiện giờ như bạn thấy nội thất Phố Xinh sau hơn 10 năm đã phát triển lớn mạnh. Những năm tháng làm kinh doanh, tôi nhận thấy khó khăn đến với mình dù ở thời điểm nào cũng là động lực để tôi thử sức xem mình vượt qua “tường lửa” hay không. Người làm kinh doanh như tôi như luôn đang chơi một bàn cờ. Phải biết tính kỹ từng bước, tương lai thế nào, quá khứ ra sao và hiện tại mình phải làm gì?
Tôi có thể hiểu anh là nhạy bén và khá “lạnh”trong kinh doanh ?
Trong tôi luôn tồn tại hai con người. Một con người của nghệ thuật với nhiều cảm xúc có thể chạm tới trái tim của mình. Có những sản phẩm, những thiết kế, thạm chí cả những công trình sau khi chiêm ngưỡng đã khiến tôi si mê đến quên ăn quên ngủ, nó ám ảnh tôi trong một thời gian dài với chất chứa hàng ngàn câu hỏi. Thậm chí nó “dày vò” tinh thần tôi vì với tôi nó đẹp quá, nó chạm vào cả những “góc khuất” mà chỉ mình tôi mới hiểu nguyên cớ. Nhưng khi trở về với thương trường, tôi lai lạnh lùng, tính toán với con số, những quyết định táo bạo. Trong kinh doanh, tôi luốn để lý trí chiến thắng cảm xúc.
Thế còn cuộc sống ngoài đời của anh thì sao?
Để tôi kể bạn nghe nhé. Tôi đã tình cờ gặp đươc 1 họa sỹ người người Việt định cư ở nước ngoài. Ông có biệt tài vẽ bằng phấn về những khung cảnh đời thực của Việt nam. Từ bà bán bắp trên đường , tiệm hớt tóc của ông già bên vỉa hè, đến những chiếc đờn cò, đờn tranh treo trong các cửa tiệm đều được ông vẽ lại rất thực. Ông bảo ông đang vẽ bằng những kỷ niệm… Khi nhìn các bức vẽ của ông, tôi đã trào nước mắt, vì nó đã làm lay động tâm hồn mình, chạm đến phần sâu thẳm nhất trong trái tim tôi, đó chính là ký ức sống động về một tuổi thơ. Tôi đã mua toàn bộ các bức tranh phấn đó về treo trang trọng trong nhà. Sáng sáng, tôi ngồi ngắm tranh bên ly cà phê sữa cùng vài củ khoai lang luộc, những phút giây thư giãn bên các bức tranh đã cho tôi thêm nhiều năng lượng của một ngày làm việc mới, với tôi đó là những giờ phút bình an cho bản thân.
Cũng như nhiều doanh nhân khác, vì công việc tôi cũng tậu cho mình những chiếc xe hơi đẹp những ngôi nhà có không gian mà người ngoài nhìn vào trầm trồ. Song tôi vẫn lưu giữ chiếc xe đạp cũ, xe gắn máy đã gắn bó với mình. Tôi luôn mong muốn giữu lại được những kỷ niệm của từng thời khắc, nhìn vào đó, giúp tôi thấy cuộc sống đơn giản hơn, giúp tôi biết mình đang ở đâu giữa cuộc sống này.
Anh xuất hiện khá nhiều trong các sự kiện của giới showbiz, có phải để PR cho thương hiệu?
Với tôi, đi chơi cũng là đi làm. Công việc chính của tôi là kinh doanh, nhưng 90% hiệu quả kinh doanh lại nhờ vào các mối quan hệ. Khi tôi đi tham gia các sự kiện đó cũng với mục đích xem người ta làm việc như thế nào, quan điểm của họ về đồ nội thất ra sao, và trên hết là tạo dựng và làm mạnh thêm các mối quan hệ đó. Ngoài ra, thương hiệu cá nhân và thương hiệu công ty có sự tương tác thúc đẩy nhau. Khi nói đến Nam thì người ta nghĩ đến Phố Xinh, khi nói đến Phố Xinh thì người ta nhớ đến Nam. Tôi thấy mình cũng có khiếu về marketing đó chứ!
Mở thêm nhà hàng Con Gà Trống, anh có nghĩ mình đã đầu tư đúng khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp đang thất bại vì đầu tư vào lĩnh vực không chuyên?
Tôi đã từng học nghề đầu bếp trong thời sinh viên của mình. Tôi yêu hương vị ẩm thực của người Khơ-me tại Việt Nam với những bài thuốc gia vị tăng cho con người ta sức đề kháng. Nhà hàng Con gà trống đã được tôi ấp ủ hơn 5 năm với đi từng bước vững chắc nên không ảnh hưởng tới việc kinh doanh nột thất. Nhà hàng chuyên các món ăn mang hương vị Khơ-me, nhưng cũng là không gian thể nghiệm các ý tưởng riêng trong thiết kế, từ nội thất đến vật dụng, món ăn. Quan điểm của tôi là đã đầu tư là phải am hiểu và có khái niệm rõ ràng. Để đảm bảo nguồn vốn cho Phố Xinh, tôi không lấy lợi nhuận từ Phố Xinh để đầu tư vào nhà hàng. Sau hơn 4 năm có mặt trên thị trường ẩm thực, đến giờ phút này tôi và các cộng sự đã có quyền tự hào về bước đi đầu tư mới nhưng đúng hướng của mình.
Nghe nói, anh cũng nổi tiếng về sự nhẫn nhịn?
Nếu được bình chọn, tôi tin mình sẽ đứng trong Top 10 người nhẫn… nhịn nhất ở Việt Nam. Tôi luôn học chữ Nhẫn của nhà Phật, tôi tin vào những triết lý đó nên lúc nào cũng giản dị và chan hòa, tận tình với mọi người. Tôi tin trong cuộc sống nếu bạn cũng học được chữ Nhẫn, xã hội này sẽ khác đi nhiều lắm. Nhờ học chữ Nhẫn, đã tôi luyện cho tôi một khả năng có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh, môi trường và dĩ hòa với tất cả.
Ngay cả trong buổi trò chuyện ngày hôm nay?
(Cười to!!!) Không! Đây là buổi trò chuyện về cuộc sống, về công việc và trên hết là sự sẻ chia cùng nhau, tại sao tôi phải “nhẫn nhịn”!! (cười)
Điều cuối cùng anh thường nghĩ đến trước khi ngủ là gì?
Tôi thường kiểm tra lại xem trong ngày mình làm được bao nhiêu việc, những việc nào của ngày mai cần phải làm thì viết ra. Có việc nào làm chưa tốt thì chưa tốt ở chỗ nào để mình làm lại cho tốt hơn. Đó là thông lệ của tôi từ ngày xưa, luôn tổng kết lại việc đã làm trong ngày.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.