Bài: Thùy Dung
Khóa học miễn phí “Dạy trẻ tự bảo vệ bản thân” do Tomato tổ chức được trích từ chương trình dạy trẻ về an toàn của Hiệp hội trẻ thơ Hoa Kỳ, giới thiệu phương pháp dạy trẻ về an toàn bản thân một cách có hệ thống, bài bản phù hợp cho trẻ ở tuổi Mầm non.
Hãy chia sẻ các nguyên tắc về an toàn / không an toàn một cách vui vẻ, nhẹ nhàng và có cách ứng xử không quá trầm trọng mỗi khi trẻ phạm lỗi.
An toàn và không an toàn
Đây là hai khái niệm quan trọng nhất, mang tính nền tảng trong việc dạy cho trẻ ở tuổi Mầm non (3 - 6 tuổi) hiểu chúng nên và không nên làm gì. Các nguyên tắc như không đi cùng người lạ, không để người lạ ôm hôn… cha mẹ nào cũng dạy con. Tuy nhiên, vì là trẻ nhỏ nên chúng sẽ lúc quên lúc nhớ. Đặc biệt khi nói về nạn xâm hại trẻ em, cha mẹ càng khó nói cho con hiểu về những hậu quả. Những cách giải thích như “nguy hiểm”, để “bảo vệ chính mình”… là những khái niệm trừu tượng và khó hiểu với trẻ.Khái niệm an toàn/không an toàn nên được giới thiệu thông qua các hình ảnh cụ thể và các tình huống mà trẻ từng trải qua như bị bỏng, đứt tay, té ngã… Những hành vi không an toàn có gắn với trải nghiệm của bản thân sẽ tác động đến nhận thức của trẻ một cách sâu sắc. Trẻ hiểu được hậu quả khi giữ bản thân an toàn/không an toàn. Khi trẻ đã hiểu được khái niệm này, các tình huống liên quan đến XHTD mới được đưa ra, và trẻ biết rằng nếu mình rơi vào tình huống như vậy thì sẽ rất đau đớn và tồi tệ, tệ hơn cả chuyện gãy chân chảy máu...Bên cạnh đó, cha mẹ cần lặp đi lặp lại hai khái niệm này với trẻ hàng ngày qua trò chơi mẹ hỏi con đáp: Theo con tình huống nào an toàn/ không an toàn? sẽ giúp trẻ “nhớ bài” lâu.
Cơ thể là của con
Có đến 75% nạn nhân của XHTD giấu kín chuyện của mình. Lý do vì trẻ xấu hổ, sợ bị la mắng, bị đe dọa và lý do lớn nhất là trẻ chưa ý thức được rằng cơ thể con thuộc về con. Với các trẻ nhỏ, cha mẹ vẫn thường xuyên “cưỡng chế” trẻ tắm rửa, ăn uống... đúng giờ và vô tình cũng tước đi quyền tự quyết về cơ thể của trẻ. Cần cho trẻ nhận thức được rằng con có quyền với cơ thể của mình. Nếu ai xâm phạm đến cơ thể của con thì đó là lỗi của họ, không phải lỗi của con. Hãy kể với cha mẹ.
Đèn đỏ, đèn vàng, đèn xanh
Hệ thống ký hiệu, màu sắc của đèn giao thông Đỏ - Vàng – Xanh được sử dụng tương ứng với các khu vực trên cơ thể của con. Tay là vùng xanh duy nhất mà người khác có thể đụng chạm vào trẻ. Vùng vàng - vùng không thoải mái bao gồm đầu mặt, vai, bụng, đùi, các ngón chân thường ít được nói tới. Đối với các vùng này, con có quyền cho phép/không cho phép người khác chạm vào khi con không cảm thấy thoải mái hoặc con sẽ hỏi cha mẹ. Chị Uyên Phương cũng lưu ý: “Thường những kẻ xấu luôn tấn công các vùng lân cận trước khi chạm đến vùng kín của trẻ. Vì thế, cha mẹ nên lưu ý dạy con về các vùng vàng”. Vùng đỏ: phần cơ thể nằm dưới đồ lót không ai được phép chạm vào, ngoài cha mẹ khi tắm rửa vệ sinh cho con và bác sĩ khi khám bệnh cho trẻ có mặt cha/mẹ. Khi trẻ đã nắm rõ các vùng màu sắc trên cơ thể cũng là lúc dạy cho trẻ cách phân biệt đụng chạm tốt và đụng chạm xấu. Đụng chạm tốt như khi thầy giáo vỗ vai học sinh, ba mẹ tắm cho con, anh trai nựng má em gái… Đụng chạm xấu là người chạm vào vùng vàng, vùng đỏ trên cơ thể trẻ và nói trẻ giữ bí mật/cho tiền, quà hay đe dọa trẻ… Ở đây, các hành vi như xô đẩy, đánh nhau… cũng được xếp vào nhóm đụng chạm xấu.
Ai là người tin cậy, người quen và người lạ?
Vì phần lớn kẻ xấu tấn công trẻ là người quen nên nếu phân nhóm những người xung quanh ra nhiều nhóm, trẻ sẽ khó lòng nhớ hết. Vì thế, chỉ chia thành 3 nhóm người tin cậy, người quen và người lạ. Việc xác định ai là người tin cậy của trẻ được thực hiện tùy theo bối cảnh gia đình. Người tin cậy có thể là ba/mẹ hoặc ba và mẹ, thêm bà nội/ngoại, dì… những người lớn mà cha mẹ tin cậy (trong trường hợp người trong gia đình không có mặt thì người tin cậy sẽ là chú công an, chú bảo vệ có mặc đồng phục). Những người còn lại là người quen và người lạ. Cha mẹ dạy cho trẻ cách để nhận diện người xấu thông qua các hành vi của người đó: nói trẻ không vâng lời cha mẹ, nói trẻ làm việc gì đó, nhờ con giúp đỡ… mà không hỏi ý kiến cha mẹ. Người xấu trông có thể đẹp hoặc xấu, lạ hoặc quen. Hướng dẫn và yêu cầu trẻ thực hành cách la lớn, bỏ chạy khi gặp nguy hiểm với 3 bước:5 1. Hét lớn – nói không5 2. Chạy đi5 3. Kể lại với người lớn và cha mẹ.Chị Uyên Phương kết luận: “Chỉ có một cách bảo vệ con tốt nhất là cha mẹ trở thành người tin cậy của con. Dành thời gian chất lượng cho con, chơi với con, quan sát con - Sự bảo bọc yêu thương của cha mẹ có giá trị bảo vệ lớn nhất đối với con trẻ.
Những con sốCứ 5 bé gái thì có 1 bé bị XHTD trước tuổi 18, ở bé trai, tỉ lệ là 1/10. 80% vụ việc xảy ra khi trẻ ở một mình với một người lớn. 93% kẻ phạm tội là người quen biết và được gia đình tin tưởng. Gần 40% (4/10 ca XHTD) trẻ bị xâm hại bởi trẻ lớn hơn, to khỏe hơn. |