Nếu là một tín đồ thời trang thực sự thì đến Quảng Nam, đến Hội An bạn nhất định phải ghé thăm làng lụa Hội An - nơi ghi dấu hàng trăm năm phát triển nghề lụa nơi đây.
Tận mắt chứng kiến những vuông lụa Mã Châu danh tiếng một thời và thưởng lãm vẻ đẹp nõn nà mà mịn màng, nhẹ mà bay cùng những hoa văn độc đáo, mới mẻ pha lẫn truyền thống cùng các bức họa đẹp tựa như tranh màu trọn vẹn trên các mặt lụa, du khách mới thấy hết được sự ngỡ ngàng đến trầm trồ, thán phục.
Hiếm có ai tin được, giữa vùng đất miền Trung đầy những đất mặn và gió nóng lại có được một vùng đất ngọt màu mỡ để trồng dâu, nuôi tằm và cho ra những vuông vải tơ tằm óng ả, hoàn hảo đến thế.
Dân gian kể lại lụa Mã Châu được phát triển thịnh vượng dưới thời của bà Đoàn Quý Phi - Hiếu Chiêu Hoàng hậu (vợ của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) vốn đẹp, độc đáo và khác biệt so với các loại khác là bởi sự kết hợp của những tinh hoa, kinh nghiệm từ nghề dệt vải, trồng dâu, nuôi tằm của người Đàng Ngoài, người Chăm Pa bản địa với bí quyết dệt của người Hoa đã từng sống ở đây.
Cùng với nguồn tơ sống dồi dào, phong phú thì Mã Châu còn có nhiều loại nổi tiếng như sa (loại mỏng, trơn, mềm, mượt), là (loại dệt từ tơ nõn), lượt (loại trơn, sợi dệt thưa), vóc (loại bóng mịn có hoa văn) hay văn (loại quý, có hoa văn lớn, độ dày lý tưởng).
Thương cảng Hội An xưa với tấp nập bán mua không còn. Người làm nghề dệt vải cũng không còn đông đúc như thời bà chúa Tằm Tang (bà Đoàn Quý Phi - Hiếu Chiêu Hoàng hậu) nhưng du khách đến đây vẫn được ngắm trọn vẹn những tinh hoa nghề dệt qua nhiều thế kỷ nhờ địa danh làng nghề mà địa phương tái hiện, giữ gìn.
Ngay trong khuôn viên của thành phố Hội An, một ngôi làng thủ công thu được giữ gìn và sẻ chia với du khách những xúc cảm vừa cũ lại vừa mới, vừa hoài cổ lại vừa hiện đại.
Ở đây, các tín đồ du lịch mê thời trang sẽ được chứng kiến nguồn gen dâu tằm quý hiếm, xem quy trình dệt thủ công từ thời Chăm Pa (Đại Việt), thưởng lãm bộ sưu tập trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam và đặc biệt là bộ sưu tập 100 bộ áo dài thể viện văn hóa Việt trong suốt hơn 3.000 năm lịch sử.
Giữa không gian của các khu nhà rường mang đậm không khí và kiến trúc Việt cổ, những khu trồng dâu và đặc biệt là cây dâu cổ có tuổi đời hàng trăm năm với loại lá hình chân chim nguyên bản (không lai tạp) cùng những chiếc khung cửi lớn nhỏ, nồi nấu tơ ấm nóng đỏ lửa trên bếp sẽ mang đến những xúc cảm thật lạ.
Có một Hội An có lẽ sẽ thật khác. Một Hội An rất Việt, rất đằm, không xô bồ giao thương, không ồn ã bán mua, không chen chúc người qua kẻ lại… Một Hội An nông thôn, thuần phác, chân chất nhịp nhàng trôi trên những dòng tơ mỏng và trong như sợi nắng mai. Một Hội An rất an bình, xưa cũ vừa mang đậm âm hưởng Bắc bộ - Đàng Ngoài lại vừa đầy ắp sự đơn giản, thuần dịu của những vùng quê phù sa trên những tán lá dâu xanh mươn mướt…
Nếu đến Hội An, đừng chỉ mỗi ghé thăm và nhớ về thương cảng xưa kia tấp nập, hãy ghé ngôi làng thủ công nhỏ và ngắm lụa Mã Châu nức tiếng một thời và nhớ về con đường tơ lụa trên biển trứ danh mà nơi đây đã từng góp nhịp, tham gia...
Ảnh: Quảng Hà