Ký ức Việt Nam và những chuyến đi
Đối với ông Rachow, Việt Nam là từ hết sức thân quen. Trong vai trò giảng viên khoa kỹ thuật điện tử ở Berlin, cha ông đứng lớp giảng dạy cho không ít người Việt đến Đức theo dạng xuất khẩu lao động. Ông còn nhớ khi còn nhỏ, mình thường được cha dẫn đến nơi ở của các học viên người Việt. Đến tận bây giờ, ông vẫn còn nhớ như in mùi thức ăn tỏa ra từ căn bếp của người Việt. “Tôi còn nhớ họ nấu nướng món bắp cải trắng và những nguyên liệu thực phẩm khác không biết tên. Thế nhưng, mùi vị hết sức nồng nàn và hơn hẳn mọi thứ tôi từng nếm trước đó trong đời”, ông Rachow nhớ lại. Cứ như thế, những món ăn Việt luôn chiếm một phần trong ký ức tuổi thơ của ông. Và ký ức đó được khơi dậy khi ông thật sự đặt chân đến Việt Nam nhiều năm sau đó.
Từ tháng 2 năm nay, ông đến Việt Nam trên cương vị Tổng giám đốc L'Oréal Việt Nam. Đến tháng 7, ông đại diện tập đoàn ký kết chương trình Trồng rừng cho tương lai với phía đại diện Vườn Quốc gia Cát Tiên. Nội dung của chương trình là phủ xanh 4 ha rừng với các loài cây gỗ quý như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương và cây hỗn giao, nhằm phục hồi, làm giàu hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phận rừng Nam Cát Tiên.
Theo ông, cam kết trên có sự tương đồng đối với một trong ba cột trụ cho nền tảng tồn tại của L'Oréal Việt Nam. Đó chính là thay đổi và lột xác bản thân theo hướng tôn trọng những giới hạn của hành tinh chúng ta, và việc tham gia cuộc đấu tranh chống lại tình trạng biến đổi khí hậu hoàn toàn nằm trong mục đích này.
Trong những chuyến đi trước đó đến Nam Mỹ, châu Phi, ông chứng kiến tình trạng rừng bị phá hoại và đời sống hoang dã phải lùi bước trước những bước tiến đầy tham lam của con người. Vì thế, ông hy vọng, thông qua dự án trồng rừng ở Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, bản thân ông nói riêng và L’Oréal Việt Nam nói chung có thể truyền đi thông điệp nhắc nhở con người hãy luôn trân trọng và bảo vệ thiên nhiên. “Cùng nhau, chúng ta đừng chỉ dừng lại ở lời nói mà hãy thật sự bắt tay vào hành động”, ông kêu gọi.
Những cam kết của L’Oréal
Bên cạnh đó, CEO L’Oréal Việt Nam đề cập hai cột trụ kế tiếp của tầm nhìn từ năm 2020 đến năm 2030: L’Oréal Vì một tương lai cho tất cả. “Từ năm 2013, thời điểm chúng tôi triển khai chương trình đầu tiên tập trung vào phát triển bền vững, đến nay thế giới đã trải qua những thay đổi chóng mặt. Con người đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có tiền lệ. Vì thế chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc chuyển sang hợp tác toàn diện để cùng làm thay đổi thế giới, đặt ra những mục tiêu cần phải thực hiện để ứng phó mức độ gia tăng nhanh hơn trước của tình trạng biến đổi khí hậu”, ông giải thích về sự cần thiết của việc thực thi nghị trình mới.
Chẳng hạn, đến năm 2025, toàn bộ các địa điểm của L’Oréal trên toàn cầu, từ văn phòng đến những khu vực sản xuất ở Indonesia, Ấn Độ hay Đức, đều phải đạt mức phát thải ròng bằng zero. Hiện chúng tôi đã hoàn thành phân nửa mục tiêu này. Kế đến, L’Oréal đặt mục tiêu trao quyền cho hệ sinh thái kinh doanh của cả tập đoàn nhằm hướng đến một thế giới bền vững hơn. “Chúng tôi chỉ dẫn người tiêu dùng tái chế rác nhựa, tiết kiệm nước bằng cách đưa vào những công thức sản phẩm thân thiện môi trường hơn trước và những dụng cụ làm đẹp giúp tiết kiệm nước tối đa”, ông liệt kê những điều nhỏ nhặt nhất nhưng có thể tạo nên sự thay đổi.
Và trên hết, L'Oréal cam kết góp phần giải quyết những thách thức trên toàn cầu bằng việc hỗ trợ những nhu cầu cấp bách của xã hội và môi trường. Trong số này, đáng chú ý là khoản quỹ 50 triệu Euro giúp đỡ những phụ nữ thuộc diện yếu thế và dễ bị tổn thương. “Chúng tôi đang vận hành những chương trình khác nhau với mục tiêu bảo vệ phụ nữ đang trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương, từ những người đang chật vật trong sinh kế cho đến các trường hợp đang bị bạo hành về tinh thần lẫn thể xác. Ban đầu chúng tôi đào tạo họ nghề làm đẹp và sau khi học xong sẽ tiếp tục hỗ trợ cơ hội nghề nghiệp hoặc hướng dẫn họ khởi nghiệp trong ngành làm đẹp”, CEO Rachow cho biết.
Trong năm 2022, L’Oréal Việt Nam tiếp tục mở ra chương trình nâng cao kỹ năng cho các tiệm tóc nhỏ, đặc biệt những trường hợp kinh doanh khó khăn vì ảnh hưởng kéo dài đến từ dịch bệnh và các tiệm tóc có thu nhập thấp do thiếu kỹ năng trong nghề với thời gian học 2 tuần lễ. Đến tháng 11, công ty sẽ triển khai sáng kiến mới, theo đó sẽ có 1 triệu phụ nữ Việt được đào tạo nâng cao năng lực số thông qua chương trình đào tạo kỹ năng kinh doanh trực tuyến cho tất cả phụ nữ. Tất cả những chương trình này L’Oreal đều dành tặng miễn phí cho phụ nữ để giúp trao quyền mạnh mẽ hơn cho phụ nữ Việt Nam.
Sau khi đến Việt Nam vào tháng 2, ông Rachow dành thời gian đến thăm tiệm tóc của các học viên theo học chương trình và đề xuất các chương trình hỗ trợ nâng cao hơn nữa với đội ngũ của mình. Khi đề cập đến những chương trình hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và trao quyền cho nữ giới, mắt ông tỏa ra ánh sáng của sự hãnh diện và niềm hy vọng. Người đứng đầu L’Oréal Việt Nam thừa nhận rằng “giải cứu thế giới không chỉ là việc của một cá nhân, một công ty, một tập đoàn. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng mình có thể góp phần hành động để tạo ra ảnh hưởng lan tỏa trong phạm vi cộng đồng, xã hội, từ đó kích hoạt hiệu ứng hồ điệp trên toàn cầu”. “Đó là sứ mệnh và mục đích của L'Oréal trong việc tạo nên vẻ đẹp làm lay động thế giới”, ông kết luận.