Nhà thiết kế Lan Chi (áo dài thêu Nâu Corner) là người chịu trách nhiệm về trang phục của Đỗ Hải Anh trong vở diễn này. Trong khuôn khổ Festival về múa đương đại quốc tế và lưu trú biên đạo Danzinc - sẽ có phần trình diễn của 3 đoàn nghệ thuật tới từ Mỹ, Italy & Vietnam bao gồm phần trình diễn "Modern Barbarism" của công ty múa Khambatta (USA); "Yên Lam" của Công ty múa Unicorn Dance (Vietnam), với phần trình diễn của vũ công Đỗ Hải Anh- quán quân So you think you can dance; Home Sweet Home" của công ty Equilibrio Dinamico Dance Company (Italy).
Festival về múa đương đại quốc tế lần này được diễn ra từ ngày 16-18/8/2018. PV TTT đã có buổi trao đổi với NTK Lan Chi.
1. Lý do chị hợp tác với Dancer Đỗ Hải Anh trong việc thiết kế áo dài thêu phá cách cho cô ấy trong chuyến lưu diễn ở Singapore lần này trong Festival Danzinc?
Khi biết Hải Anh muốn đưa dự án Yên Lam để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, tôi đã rất xúc động và cảm thấy sẽ trọn vẹn hơn nếu kết hợp áo dài trong vở diễn của cô ấy vì đối với tôi " ở đâu có phụ nữ Việt - ở đấy có áo dài Việt "
2. Chị nhận xét như thế nào về các tiết mục biểu diễn và biên đạo của Đỗ Hải Anh?
Tôi không hiểu quá nhiều về chuyên môn nhưng tôi rung cảm khi xem cô ấy biểu diễn và trân quý quá trình mà cô ấy chuẩn bị cho vở múa này. Đối với tôi, tác phẩm Hải Anh mang đến Singapore lần này không đơn thuần chỉ là múa mà cô ấy còn mang cả tinh thần, nghệ thuật và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè Quốc tế.
3. Khi thiết kế các họạ tiết, chất liệu trên chiếc áo dài thêu của Nâu Corner, chị lấy cảm hứng từ đâu? Chị hãy chia sẻ một chút về ý tưởng của bộ sưu tập này, và tên của bộ sưu tập (nếu có).
Tôi là một người tìm tòi và sáng tạo thời trang từ văn hóa truyền thống dân tộc, nên những họa tiết và chất liệu tôi chọn là những gì Việt Nam nhất, dù là sen, cúc hay rồng, phượng thì cũng là những hình ảnh thân thương gắn bó với người Việt bao đời nay.
BST lần này tôi thiết kế riêng cho Hải Anh nên nó mang tinh thần rất rõ của vở Yên Lam, đó là hình ảnh các mẹ các chị, các bác nông dân với những gam màu của đất trời, cây cỏ phối hợp trên nền chất liệu mộc mạc của linen và thổ cẩm.
4. Các chất liệu màu sắc như vậy thể hiện nét văn hoá Á Đông của người Việt như thế nào? Và có gửi gắm thông điệp gì khi Đỗ Hải Anh khoác bộ áo dài này đi lưu diễn quốc tế không ạ?
Tôi chọn nhiều những màu sắc và chất liệu mang đậm nét Á Đông như vậy, bởi tôi muốn thông qua trang phục, các bạn có thể hiểu về văn hóa và bản sắc dân tộc một cách gần gũi và đơn giản nhất, là cách các bạn trả lời cho câu hỏi: bạn là ai và đến từ đâu.
Do đó tác phẩm Yên Lam, đối với góc nhìn của tôi là một hành trình giữ gìn văn hóa nguồn cội và hòa nhập với thế giới.
5. Trong thời gian sắp tới, chị có dự định sẽ tiếp tục hợp tác với Hải Anh trong việc thiết kế trang phục cho các chuyến lưu diễn quốc tế không ạ? Nếu có thì đó sẽ là trang phục gì?
Tôi rất hứng khởi nếu được hợp tác với Hải Anh trong những dự án tiếp theo của cô ấy. Và nếu có thì đó sẽ là những trang phục được lấy cảm hứng từ lụa và những cô gái Kinh Bắc xưa.
Xin cảm ơn chị!