Bài: Thùy Dung
Ảnh: NVCC
Một tuần là thời gian quá ngắn để có thể chuẩn bị chu đáo tất cả các phần việc mà một lễ cưới truyền thống cần có. Thế nhưng với sự giúp sức từ mỗi thành viên trong gia đình, bạn bè mà Uyên và An đã có một lễ cưới đáng nhớ. Tất cả khách mời từ họ hàng hai bên gia đình đến bạn bè của Uyên và An đều bất ngờ bởi họ đều chỉ được mời tham dự trước đó 2 ngày.
Chuyện tình yêu từ Facebook
Phương Uyên là một cô gái 8X làm việc trong ngành truyền thông tại TP.HCM. Trước đây, Uyên từng có ý định đi du học nên sử dụng thêm một tài khoản Facebook khác (bên cạnh tài khoản thường xuyên) với mục đích trau dồi tiếng Anh. Uyên vừa đi dạy thêm tiếng Anh, vừa kết bạn người nước ngoài để có dịp trò chuyện, sử dụng tiếng Anh. An là một trong số những người bạn “ảo” của Uyên trên facebook tiếng Anh đó. Dù có cố gắng nhớ thì Uyên và An cũng không thể nhớ ra lý do họ kết bạn với nhau trên FB cách đây hơn 2 năm. Họ cũng chưa từng trò chuyện cho đến khi An trở về sau một khoảng thời gian học thiền – An tạm gác công việc lại vì bị stress do công việc cùng sự hối thúc của mẹ về việc kết hôn. Bắt đầu nói chuyện mỗi ngày rồi dần dần, họ yêu nhau lúc nào không biết.
Có lẽ ít câu chuyện tình nào lại chứa đựng nhiều yếu tố ngẫu nhiên mà như sắp đặt như chuyện tình yêu của Uyên và An. Phải chăng chỉ có hai chữ ‘duyên số” mới có thể giải thích. An là người Mỹ gốc Việt nhưng người thân của An vẫn ở Việt Nam và ở gần nhà Uyên. Tình cảm của đôi bạn có thể phát triển nhanh như vậy cũng nhờ vào sự vun vén từ hai bên cha mẹ. Những cuộc điện thoại đường dài, những email chân tình từ cha mẹ Uyên cho mẹ An, mẹ An cho Uyên đã giúp họ xây dựng lòng tin bền vững. Thế nhưng nếu không có sự sắp đặt ngẫu nhiên đầy thuận lợi thì trong dịp mẹ An và An về Việt Nam vừa rồi, họ chưa thể trở thành người một nhà ngay được.
Phương Uyên kể: “Trong dịp về Việt Nam, mẹ và An dự định gặp mặt Uyên cùng gia đình để làm quen, nếu mọi việc thuận lợi sẽ đính hôn trước. Vậy mà không ngờ mọi chuyện đi nhanh quá! (Cười) Sau 2 ngày về VN, anh An cầu hôn và Uyên nhận lời. Rồi Uyên về hỏi chuyện ba mẹ thì ba mẹ bảo: “Nếu đăng ký kết hôn kịp thì làm lễ cưới”.
Đám cưới trong mơ
Thử thách mà gia đình Uyên đưa ra không ngờ lại chẳng gây khó khăn gì cho đôi bạn trẻ. Dù là đăng ký kết hôn khác quốc tịch nhưng chỉ sau 5 ngày họ đã có giấy Đăng ký kết hôn để trình cha mẹ hai bên. Còn 1 tuần lễ là đến ngày An phải trở lại Mỹ chính là thời gian “chạy nước rút” để tổ chức hôn lễ. Ba Uyên nhận phần việc mời khách, mẹ may đồ cưới và đặt tiệc, mẹ chồng lo giúp các thủ tục, nghi lễ tiệc cưới, chị Hai lo cho Uyên chuyện quay phim chụp hình cũng như quán xuyết hết công việc cho Uyên ở công ty truyền thông (vì chị là sếp của Uyên), rồi bạn bè xúm vào mỗi người giúp một tay.
Khi được hỏi, để phát triển một mối quan hệ với khoảng cách địa lý quá xa như thế sẽ có nhiều thuận lợi hay khó khăn, Phương Uyên trầm ngâm chia sẻ: “Yêu xa có nhiều cái lợi là ít phải giận dỗi, gây sự… này kia tuy rằng nhớ nhung nhiều lúc cũng khó miêu tả tâm trạng. Điều mà Uyên ấn tượng có lẽ là sự lãng mạn của anh. Dịp nào anh cũng đặt hoa Online đến tận công ty của mình”.
Nước mắt của hạnh phúc đã chảy tràn trong đám cưới của Uyên và An – Đó là khi Uyên khóc, ba mẹ khóc và bạn thân cùng khóc cho niềm hạnh phúc của đôi bạn trẻ. “Cám ơn ba mẹ, mẹ, chị Hai, bạn bè…. Nếu không có mọi người, chẳng có lễ cưới tuyệt vời của Uyên và An”, Uyên tâm sự.
Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ có 1 ngày “trăng mật” trước khi An trở lại Mỹ lo giấy tờ bảo lãnh vợ sang cùng. Tại Mỹ, An đã có nhà riêng cùng công việc ổn định tại một ngân hàng. Phương Uyên đang cân nhắc giữa hướng đi học lên Master ngành Truyền thông hoặc một ngành khác phù hợp với năng lực và sở thích.