Thơm bùi vị lạc quê

17/07/2016 04:00 GMT+7

Bạn đi qua cánh đồng lạc xứ Nghệ, chụp lại hình ảnh những dây lạc vừa dỡ lên khỏi đất cát. Xung quanh bạn lúp xúp những dáng còng của các bác, các chị đang hối hả nhổ lạc. Chỉ vậy thôi mà tôi cũng lao xao, nhớ mùa lạc thơ ấu thuở nào.

Mùa lạc đầu tiên tôi ấn tượng là năm lên 5. Bà đi nhổ lạc, sợ để cháu ở nhà một mình không yên tâm liền đội lên đầu cháu một nón lá lụp xụp và dúi vào tay một bao bì xác rắn: “Đây nhé, cháu mót được bao nhiêu, cho cả vào đây. Được bao nhiêu đem về cho mẹ bấy nhiêu”. Đó là thời gian mẹ bận em nhỏ, tôi được gửi về bà ở Đô Lương. Lâu lâu mới trở về phố Vinh thăm mẹ. Dĩ nhiên tôi háo hức với công việc ấy. Đứa trẻ nào lại không háo hức khi đem thành quả về cho mẹ. Nhất là khi, thành quả ấy chỉ một ngày nhặt nhạnh đã đầy một bao cao ngang ngực người.
Trên cánh đồng lạc có nhiều cô bé tuổi loi nhoi bằng hoặc lớn hơn tôi chút xíu. Các bạn cũng đi mót lạc trên cánh đồng. Chỉ có điều, tôi phát hiện ra ruộng của bà có nhiều lạc sót lại hơn so với ruộng của những nhà khác. Bà tôi cố ý để lại những chùm lạc chắc mẩy để tạo hứng thú cho cháu. Thi thoảng, nhổ được củ lạc nảy mầm, bà dành riêng ra, rửa sạch và bóc vỏ bỏ gọn vào miệng cháu. Vị hăng hăng, ngòn ngọt tươi mới của mầm lạc vừa dỡ lên từ đất ngậy béo, thơm ngon suốt cả tuổi thơ.
Mùa lạc, tôi nhớ chum lạc khô của bà nội cất ở một góc nhà. Bà không có khoản thu nhập nào khác ngoài tiền chế độ vợ liệt sĩ. Số tiền ấy chắc chỉ tầm đủ tiền chợ nhưng bà vẫn dè xẻn để dư ra để mùa nào thức nấy, mua lạc, khoai, nếp, đậu… cất vào chum làm quà cho những đứa cháu đi xa về. Tôi thường về thăm bà vào cuối tháng sáu, khi vừa nghỉ hè. Đó là lúc chum của bà thơm phức mùi lạc mới quyện với mùi nắng gió ngai ngái. Bà tôi tính xuề xòa, không có lạc mới dỡ thì… dùng đại lạc vừa phơi, ngâm nước qua đêm để luộc đãi cháu. Món lạc luộc của bà cứng, không mềm và ngọt như lạc tươi nhưng hai bà cháu vẫn lẩn nhẩn ngồi ăn ngon lành. Nhà bà nằm gối lưng lên đồi. Một tiếng chim lạ đánh rơi sau nhà, một làn hương hoa dẻ mê hoặc lẩn quất lướt qua. Trong không gian ấy, dù lạc có cứng hơn, nhạt hơn thông thường một tẹo cũng vẫn ngon hơn bình thường.
Ngày bà mất, chum lạc của bà vẫn đầy. O tôi kể. Tôi cay sè mắt khi thấy vẫn như bên mình tiếng hỏi: “Bà cho cháu nhiều thế, bà để mà ăn chứ?”. “Bà không thiếu, trên ni mua chi nỏ có”. “Trên ni mua chi nỏ có” là vì lòng bà rộng. Chứ kỳ thực, bà ở Ngọc Sơn, Đô Lương, nhà cách nhà có khi cả quả đồi, đi chợ cách mấy quả đồi, mua bó rau con cá cũng khó gấp mấy lần ở phố. Có phải vì mất công vậy mà lạc bà cho bao giờ cũng bùi thơm?
Lạc là một trong những món quà quê mà mỗi người Nghệ An đi xa lại mang theo với niềm tự hào khôn tả. Bạn ở Sài Gòn hỏi tôi, vì sao lạc Nghệ An lại ngon hơn các vùng khác? Tại nắng, tại gió, tại đất cát cằn khắc nghiệt nên khi chắt chiu được chút phù sa, vị lạc sẽ thơm bùi hơn, chắc mẩy hơn. Bạn nói, ừ nhỉ, cũng như những người trưởng thành từ gian truân sẽ mạnh mẽ hơn.
Lại một mùa lạc ở quê. Có một tâm hồn đi rong thả nỗi nhớ về quê nhà, thèm vị ngọt bùi lạc mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.