Thơm thảo từ những vườn thuốc nam thiện nguyện

21/02/2022 09:31 GMT+7

Giữa thời buổi tấc đất tấc vàng, thay vì canh tác hoặc cho thuê mướn đất để có thu nhập thì nhiều nông dân H.Phú Tân (An Giang) lại trồng thuốc nam để cung cấp dược liệu miễn phí cho các phòng khám từ thiện.

Tùy theo nhu cầu của các phòng thuốc nam từ thiện trong vùng mà những người nông dân trồng đủ các loại cây thảo dược như râu mèo, đuôi chuột, tía tô, bò ngót… để mong gửi gắm chút tình đến bà con không may bị bệnh. Tại vườn thuốc nam thiện nguyện của mình, ông Trần Văn Nhê (ấp Hưng Thạnh, xã Phú Hưng) trồng cây xạ đen và xạ xanh. Phát tâm làm từ thiện nên ông Nhê mua 4,5 công đất trồng các loại cây thuốc nam. Ông tâm sự: “Đời người có bao nhiêu lâu, nay đã 60 tuổi, tôi chỉ muốn dành quỹ thời gian còn lại của mình để làm việc có ích cho xã hội, đó là trồng thuốc nam thiện nguyện”. Niềm vui của ông Nhê là mỗi ngày nhìn thấy cây thảo dược lên xanh tươi tốt.

Để cây thảo dược tươi tốt, bà con nông dân phải thường xuyên nhổ bỏ cây tạp

AN THƠ

Còn ông Bùi Văn Ham (ấp Bình Đông, xã Bình Thạnh Đông) cũng dành hẳn 2 công đất trồng thuốc nam để cung cấp miễn phí cho các phòng khám. Mùa này, ông Ham trồng cây râu mèo, vài tháng nữa sẽ đến ngày thu hoạch. Ông Ham cho biết trồng các loại cây dược liệu, đặc biệt là râu mèo cũng rất công phu, phải thuê máy xới đất, mua rơm ủ đất, thiết kế hệ thống tưới nước tự động và chăm sóc cây thật kỹ để có nguồn thảo dược tốt cứu người.

Có thời gian tìm hiểu, tâm sự mới biết xung quanh vườn thuốc nam thiện nguyện này là những câu chuyện ấm ấp nghĩa tình của người dân quê. Đó là nhiều bà con tự nguyện góp sức, phụ chủ ruộng chăm sóc vườn thảo dược, từ khi gieo giống đến khi thu hoạch. Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự chăm sóc kỹ lưỡng. Trong đó, việc nhổ cỏ dại và nhổ các loại cây tạp mọc lẫn vào cây thuốc để cây vươn lên tươi tốt, chắc khỏe được làm liên tục. Nhiều bà con hoàn cảnh cũng khó khăn, chạy ăn từng bữa nhưng vẫn cố gắng sắp xếp thời gian cho công việc ý nghĩa này. Và dù vất vả cực nhọc, nhưng ai cũng thấy hạnh phúc khi góp phần vào công việc có ý nghĩa, chữa bệnh cứu người.

Ông Nguyễn Văn Cứng chăm sóc vườn thuốc nam

AN THƠ

Như trường hợp anh Võ Văn Phước (ấp Phú Đông, xã Phú Xuân). Sau khi xong việc ruộng rẫy của gia đình, anh có mặt suốt ở vườn thuốc nam nghĩa tình của ông Nhê. Anh Phước chịu khó chăm sóc vườn thuốc như chăm sóc mảnh ruộng nhà mình, bởi anh biết cây thuốc có lợi ích cho đồng bào và xã hội. Gần đó, ông Nguyễn Văn Cứng (ấp Hưng Thới, xã Phú Hưng) cũng dốc hết lòng phụ chủ vườn chăm sóc 5 công thuốc nam thiện nguyện. Mặc dù làm miễn phí, nhưng ông Cứng cũng như bao bà con khác không ai tính toán gì mà ngược lại rất nhiệt tình, vui vẻ. “Mỗi khi nghĩ đến khu vườn thảo dược, với những phương thuốc nam cứu chữa bệnh nhân nghèo khổ, bao mệt nhọc đều tan biến, ai nấy đều có động lực để tiếp tục công việc thiện nguyện này”, ông Cứng chia sẻ.

Cứ vậy, nhờ những vườn thuốc nam với bao tấm lòng thơm thảo của bà con thôn quê mà những phòng thuốc từ thiện có lượng thuốc dồi dào để bốc thuốc miễn phí cứu người. Những việc làm nghĩa tình ấy đã giúp bà con nghèo có được cơ hội trị bệnh, trong hoàn cảnh cơ cực khốn khó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.