‘Thơm xứ Thần Kinh’ gửi gió thanh tao

31/12/2021 19:03 GMT+7

Thơm xứ Thần Kinh (NXB Thuận Hóa, 2021) là tập tản văn thứ ba của Trang Thùy tiếp theo Giữa Huế yêu thương, Dấu ấn Côn Đảo .

Sự ra đời của Thơm xứ Thần Kinh là thành quả đẹp từ mối quan tâm đặc biệt của thân hữu gần xa ưu ái dành cho tác giả; họ chung tay góp sức, mong muốn những tản văn mà Trang Thùy cần mẫn, chăm chút viết trong bề bộn mưu sinh gian khổ được đến với công chúng yêu văn học.

Với 58 tản văn, bằng bút pháp chân thật, nhẹ nhàng, trữ tình pha chút suy tư sâu sắc, tác giả đã khéo léo, kín đáo sắp xếp nội dung theo từng chủ đề về các di sản văn hóa lịch sử, phong tục tập quán, cảnh quan thiên nhiên, những thú tiêu khiển phong nhã, chuộng cầm kỳ thi họa, cung cách chế biến món ăn, thức uống thường nhật hay trong các dịp cúng giỗ cùng con người Huế giàu tình cảm với gia đình, dòng tộc, yêu cuộc sống thảo hoa thanh bần lạc đạo.

Tiêu biểu cho các chủ đề này là Ai về cầu ngói; Tiếng chuông trong cõi tịnh; Mùi của Tết; Nghệ thuật hào soạn trong mâm cổ người Huế; Đêm coi hát bội, tuồng cổ ở Huế; Cà phê Chiều một nét Huế đằm sâu; Thú uống trà đêm ga Huế; Dã ngoại Thiên An xưa và nay…

Bìa sách Thơm xứ Thần Kinh

V.Q

Trong tập tản văn này, tác phẩm Thơm xứ Thần Kinh được lấy làm tên cho cuốn sách là những trang viết về nghề làm hương trầm quen thuộc ở Huế. Khi đang còn là một cô bé tuổi học trò, tác giả đã cùng gia đình ở làng Hạ, Thủy Xuân gắn bó với nghề làm hương nên đã có những trải nghiệm buồn vui, những thực tế sinh động giúp cho dòng văn ánh lên những hình ảnh dễ thương, gửi cảnh, tạo hình: “Mạ sinh thêm em trai, chị em tôi thay nhau ru em bên chiếc nôi cạnh những bó hương trầm ngào ngạt, em say giấc nồng, môi nở nụ cười thơm ngát trầm hương, tôi chập chờn giấc mơ cánh cò triền đồi gió lộng, thoảng mùi trầm hương phảng phất đâu đây bên tiếng sáo diều, chung quanh là những sạp phơi hương xếp đều tăm tắp. Những hôm ba mạ chở hương đi bán chưa về, ở nhà em khóc dỗ mãi không nín, sốt ruột, chị em tôi lấy ba cây hương, bắt chước người lớn đứng giữa sân khấn vái. Bốn đứa trẻ đón ba mạ về trong nụ cười hiền của mạ, chùm bánh ú trong tay ba, tiếng cười vang lên trong ngôi nhà nhỏ thơm mùi hương trầm. Chúng tôi đã lớn lên giữa hương thơm như thế, như thể cả đất trời của xứ Thần Kinh này gom thành một mùi hương trầm lan tỏa đâu đây”.

Năng động, chịu khó tác giả còn đi và viết loạt bài về các ngành nghề truyền thống khác của người dân Huế với Về làng Sình để yêu tranh làng Sình hơn; Làng nghề mây tre Bao La – bao la tình; Hồn gốm Phước Tích; Sắc xuân hoa giấy Thanh Tiên… Bằng sự tâm thành, mỹ ý, chứa chan tình cảm, góc nhìn, quan sát nhạy bén, cảm nhận sâu sắc của người phụ nữ qua mảng đề tài này, Trang Thùy đã giúp người đọc nhận biết sự kiên trì, bền bỉ của người dân Việt nói chung, người Huế nói riêng luôn trân trọng những giá trị truyền thống của quê hương dân tộc. Họ kiên trì bám làng nâng niu, gìn giữ các ngành nghề phục vụ dân sinh của tiền nhân được tiếp truyền từ đời này sang đời khác, cho dù có những nhọc nhằn, khó khăn bởi chuyển biến thời cuộc, hay bất an vì thiên tai, dịch bệnh…

Phần cuối của cuốn sách Trang Thùy dành sự ưu ái, thiện cảm viết về những ấn phẩm văn học mà mình yêu thích, mến mộ trong quá trình tìm đến văn chương, nghệ thuật: Cùng đi và như là ở lại với Lê Vũ Trường Giang; “Miên man lục bát” man mác đầy tình; “Niềm nhớ” hồn thơ của một nữ danh nhân; “Tình nghĩa mẹ cha” suối nguồn hiếu hạnh; “Tiếng trúc vi vu” sâu lắng trong tâm hồn… Nhà văn Tô Nhuận Vỹ khi đọc phần này đã cảm nhận tóm tắt trong bốn từ: tâm thành, tinh tế.

Từ Tây Úc xa xôi, khi đọc bản thảo Thơm xứ Thần Kinh của Trang Thùy, Thạc sĩ Giáo dục, nhà thơ Võ Thị Như Mai đã hoan hỷ viết bài giới thiệu mở đầu cuốn sách với tựa đề “Gửi gió thanh tao xin nhận nắng hồng”, trong đó có một đoạn văn khái quát phần nào về tác giả và Thơm xứ Thần Kinh: “Khi tâm hồn đẹp thì bài viết cũng toát lên những điều lành. Chị phác họa nét văn hóa, phong cảnh, ẩm thực, con người xứ Huế, tình cảm gia đình cùng những ký ức tuổi thơ của mình qua lối viết gần gũi, ngôn ngữ mộc mạc giàu chất thơ, nhẹ nhàng của một người bươn chải bôn ba trong lòng miền Trung, của một cô gái có tâm hồn nhạy cảm, của một người mẹ người vợ người con tận tình, của một thành viên ca Huế và của một cô nàng mê trang phục áo dài lụa trắng. Nghe nói chị viết bằng điện thoại giữa những phút nghỉ ngơi của công việc bán dừa, phụ quán ăn bận rộn, giữa đêm khuya thức dậy hay bất chợt bắt gặp hình ảnh của một phận người giữa cõi trần chèo chống gian nan…”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.