Thomas Friedman: Sinh viên phải biết tự tạo việc làm

10/05/2014 20:08 GMT+7

(TNO) Ông Thomas L. Friedman, tác giả của cuốn sách Thế giới phẳng, kể rằng ông thường nói với con: 'Thời của bố, bố phải tìm việc làm nhưng đến thời của con là phải tự tạo ra việc làm'. Đây là khác biệt lớn giữa hai thế hệ.

(TNO) Sáng 10.5, ông Thomas L. Friedman, tác giả của cuốn sách Thế giới phẳng, đã có buổi giao lưu kéo dài gần 3 giờ với giảng viên và sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM về vị thế của sinh viên giữa thế giới phẳng ngày nay.

Thomas Friedman: Sinh viên phải biết tự tạo việc làm
Ông Thomas L. Friedman trong buổi giao lưu tại ĐH Quốc gia TP.HCM sáng 10.5 - Ảnh: Đăng Nguyên

Thế giới đã phẳng hơn

Khoảng hơn 30 phút đầu, ông Friedman chia sẻ với sinh viên (SV): “So với 10 năm trước khi tôi viết Thế giới phẳng, thế giới đã phẳng hơn: kết nối với nhau trở thành siêu kết nối, kết nối nhau thành phụ thuộc nhau. Thời đó chưa có facebook, twitter chỉ mới là âm thanh như chim hót… Chỉ 10 năm đã bao nhiêu sự kiện xảy ra: PC thành smartphone, từ đó chuyển đến điện toán đám mây, mạng không dây tốc độ cao, và công cụ tìm kiếm sắp tới sẽ không còn là Google nữa…”.

Ông Friedman khẳng định tương lai thế giới sẽ rất tuyệt vời cho những người cải cách, doanh nhân nhưng sẽ khó khăn cho thế hệ lãnh đạo, chẳng hạn hiệu trưởng các trường. Trước đây chỉ có đối thoại một chiều thì hiện tại đối thoại rất nhiều chiều. Một hiệu trưởng phải đối mặt với rất nhiều ý kiến trên mạng xã hội từ SV của mình.

Thế giới cũng sẽ rất khó khăn cho người lao động. Cách đây 2 tuần New York Times có đăng bài áp dụng robot thay người vắt sữa bò. Dĩ nhiên, con người sẽ chọn robot chứ không phải con người làm việc này vì robot thì không đi trễ, không đòi tăng lương, không cần đóng bảo hiểm y tế… mà chỉ tốn xăng dầu thôi.

Ông Friedman kể rằng ông thường nói với con: “Thời của bố, bố phải tìm việc làm nhưng đến thời của con là phải tự tạo ra việc làm”. Đây là khác biệt lớn giữa hai thế hệ.

 

4 lời khuyên cho giảng viên, sinh viên

- Tư duy như những người dân nhập cư: Khao khát chiến thắng, thành công lạc quan.

- Tư duy như người thợ thủ công: Cung cấp giá trị thặng dư cho sản phẩm của mình

- Tư duy như những doanh nhân mới thành lập doanh nghiệp của thung lũng Silicon: Tái suy nghĩ, tái học tập, tái thiết kế sản phẩm mới

- Tư duy như phục vụ bàn: Vừa phải cung cấp giá trị vừa cung cấp tư duy như những nhà kinh doanh.

Trả lời câu hỏi của PGS.TS Đỗ Phúc, Trưởng ban Hợp tác quốc tế ĐH Quốc gia TP.HCM, rằng VN cần chuẩn bị lực lượng lao động sắp tới như thế nào, ông T. Friedman cho biết khi đi nói chuyện ở các nước đều nhận được câu hỏi như vậy. Theo ông, điều quan trọng hiện nay là không chỉ nâng tầm SV từ thấp lên trung bình nữa mà phải nâng lên trên cả trung bình. Bên cạnh đó, phải bổ sung tư duy phản biện.

Ông giải thích: Thế giới hiện nay có hai công việc chính: lặp đi lặp lại và không thường nhật (luật sư, bác sĩ…). Công việc lặp đi lặp lại thì hiện nay robot có thể làm thay con người. Chúng ta làm công việc không thường nhật được xem là ổn nhưng có thật sự ổn không? Ngay cả những công việc không thường nhật, để tránh lặp đi lặp lại với bản thân mình, phải luôn làm hiệu quả hơn, tư duy sáng tạo hơn. “Vì vậy, mỗi con người phải tạo ra tư duy độc đáo mới có thể tồn tại trong thế giới cạnh tranh ngày nay”, ông khẳng định.

Đào tạo con người không chỉ biết lắp ráp mà còn phải sáng tạo

Một SV đặt câu hỏi rất tâm huyết: “Tại sao đất nước chúng tôi chưa thu hút được nhân tài? Xin ông cho một số giải pháp để VN có thể thu hút và níu giữ nhân tài”. Ông T. Friedman khẳng định: “VN và Trung Quốc đều từng có giai đoạn phát triển giống nhau. Đó là giai đoạn cất cánh kinh tế, đi rất nhanh vì dựa vào lao động giá rẻ. Nhưng chỉ dựa vào lợi thế này chúng ta sẽ không thể đi xa được hơn nữa. Và có khả năng sẽ rơi vào trường hợp mà VN đang tranh cãi gần đây: có rơi vào bẫy thu nhập trung bình không?”.

Ông nhắn nhủ: “Khi đào tạo SV, phải tạo ra thế hệ không chỉ lắp ráp mà phải thiết kế, tưởng tượng ngay tại Việt Nam. Tính sáng tạo là cực kỳ quan trọng. Để thu hút và xây dựng nhân tài, chúng ta phải tạo một môi trường kinh tế, xã hội, chính trị mà có thể kích thích tư duy sáng tạo, tưởng tượng của cá nhân. Đây là thách thức của cả VN và Trung Quốc trong thời gian tới”.

Một SV Trường ĐH Kinh tế - Luật thắc mắc: “Ngoài những lợi ích toàn cầu hóa mang lại trong thế kỷ 21 này, đâu là những thách thức?”.

Theo ông T.Friedman, mặc dù thế giới đã phẳng nhưng điều này có cả mặt tích cực và tiêu cực. Chẳng hạn, về mặt văn hóa, chúng ta sẽ thành công trong thế kỷ 21 khi công nghệ thông tin (Google, điện toán đám mây...) giúp bảo tồn văn học, ngôn ngữ tốt hơn... nhưng nó cũng có tác động tiêu cực khác. Hiện nay, Mc Donald, Pizza Hut, KFC đã có mặt tại VN, có thể đẩy lùi quốc hồn quốc túy trong phương diện ẩm thực… Vì vậy, nếu chúng ta quản lý tốt thì sẽ phát huy được mặt tích cực của toàn cầu hóa.

Đăng Nguyên

>> Thomas L.Friedman: Những gì tôi viết trong 'Thế giới phẳng' giờ đã sai nhiều
>> Thu hút nhân tài vào hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội
>> Kinh nghiệm quản lý nguồn nhân lực và thu hút nhân tài
>> Quản lý trong thời đại toàn cầu hóa
>> Thành công từ quá trình toàn cầu hóa
>> Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.