Thông điệp của Thủ tướng: Tiếng vang lớn đúng thời điểm quan trọng

04/06/2013 15:08 GMT+7

Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhận định: Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 gây được tiếng vang lớn đúng vào thời điểm quan trọng, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.

Trong cuộc trao đổi dành cho phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông nói: Thực tế đã cho thấy bài phát biểu của Thủ tướng đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, của các chuyên gia phân tích quốc tế, của các chính khách cũng như dư luận trong nước.

Dư luận quốc tế cho rằng: Bài phát biểu đã bày tỏ rõ thiện chí, tình hữu nghị của Việt Nam và cũng phù hợp với thực tiễn hoạt động đối ngoại và xu thế vận động của thế giới hiện nay.

Về dư luận trong nước, tôi thấy nhân dân đồng tình với bài phát biểu, bởi đã nói rõ quan điểm của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Bài phát biểu mang tính xây dựng, đúng mực, cầu thị trong quan hệ quốc tế, nhất là ứng xử trong vấn đề Biển Đông.

Theo quan điểm của tôi nội dung nổi bật nhất trong bài phát biểu của Thủ tướng là vấn đề “lòng tin” và “xây dựng lòng tin” giữa các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Muốn xây dựng lòng tin đòi hỏi sự nỗ lực của mọi thành viên.

Tóm lại, tôi ủng hộ bài phát biểu này. Tuy nhiên để những thông điệp nêu trong bài phát biểu của Thủ tướng trở thành hiện thực, cần phải có những nỗ lực và hành động cụ thể.

Vậy theo ông, cần phải làm gì để hiện thực hóa những nội dung trong bài phát biểu  của Thủ tướng?

Ông Vũ Mão: Theo tôi cần làm tốt các công việc sau đây:

Một là, chúng ta cần nghiên cứu sâu sắc hơn nữa để có những hiểu biết toàn diện về luật pháp quốc tế liên quan tới những vấn đề chúng ta đang bàn, cụ thể là vấn đề Biển Đông.

Một yêu cầu cao hơn thế nữa là, chúng ta còn có trách nhiệm nghiên cứu những vấn đề mà quy định chưa rõ, chưa hợp lý, từ đó chúng ta đóng góp ý kiến để hoàn thiện thêm luật pháp quốc tế. Trên cơ sở đó, giúp cho chúng ta có cách nhìn và cách xử lý đúng đắn những vấn đề phức tạp phù hợp với luật pháp quốc tế, để dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ cho ta.

Hai là, cần nhận rõ hiện nay công tác tuyên truyền của chúng ta về vấn đề Biển Đông chưa kịp thời và chưa có chiều sâu. Chính điều đó đã làm cho một bộ phận nhân dân hiểu chưa rõ, thậm chí còn có những người nhìn nhận vấn đề “cực đoan”, phê phán chính quyền yếu thế, nhu nhược, đòi hỏi phải thế này, phải thế kia.

Ba là, muốn khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, muốn cho tiếng nói có trọng lượng thì đòi hỏi chúng ta phải có thực lực. Ông cha ta thường nói: “Có bột mới gột nên hồ” là vì vậy. Có thực lực thì tiếng nói của Việt Nam mới trọng lượng, chúng ta mới có thể trao đổi sòng phẳng với các đối tác.

Nói cách khác, muốn mạnh về đối ngoại thì trước hết chúng ta phải mạnh về đối nội. Nhiều vấn đề trong nước, nhất là các vấn đề về kinh tế và đời sống của nhân dân đang rất bức xúc mà cần phải khẩn trương giải quyết. Có vậy, mới củng cố được niềm tin của nhân dân trong cả nước. Chính niềm tin đó là sức mạnh vô địch.

Bốn là, chúng ta phải củng cố quan hệ tin cậy với các nước trong khu vực, cũng như những quốc gia có lợi ích liên quan, nhất là các nước lớn. Trong đó chúng ta phải củng cố mối quan hệ với những nước có truyền thống lâu đời, để tăng thêm lòng tin, sự hiểu biết giữa hai bên.

Chẳng hạn, giữa Việt Nam – Trung Quốc, phải thường xuyên tiếp xúc, trao đổi; quân đội hai nước cũng phải có sự trao đổi, phối hợp để tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau, tương tự vấn đề an ninh cũng phải làm như vậy.

Năm là, cần đẩy mạnh công tác ngoại giao nhân dân. Chúng ta cần chủ động tuyên truyền làm cho  cộng đồng quốc tế, đặc biệt là để nhân dân hai nước Việt – Trung hiểu nhau hơn. Cần tổ chức nhiều hoạt động gắn kết tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, nhất là nhân dân ở các tỉnh biên giới...

Sáu là, coi trọng vai trò của cộng đồng ASEAN, cần củng cố quan hệ đoàn kết trong khối, tăng cường hợp tác cùng có lợi, kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia mình với lợi ích của quốc gia khác và của cả khu vực. Trong lúc này việc làm có ý nghĩa quan trọng nhất để xây dựng một ASEAN đồng thuận, đoàn kết, thống nhất, chung tay vun đắp hòa bình và thịnh vượng ở khu vực.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

>> Thủ tướng kết thúc tốt đẹp dự Đối thoại Shangri-La
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại tại Shangri-La 12
>> Một số hình ảnh hoạt động của Thủ tướng tại Đối thoại Shangri-La
>> Những nghi ngại về Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La
>> Đoàn Trung Quốc nóng mặt tại Đối thoại Shangri-La
>> Đối thoại Shangri-La: Mỹ sẽ điều thêm binh lực đến châu Á - Thái Bình Dương
>> Đối thoại Shangri-La: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo nguy cơ thầm lặng
>> Châu Âu quan tâm Đối thoại Shangri-La
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm diễn giả chính của Đối thoại Shangri-La
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là diễn giả chính ở Đối thoại Shangri-La
>> Đối thoại Shangri-La và điểm nóng biển Đông
>> Số lượng đại biểu kỷ lục tham dự Đối thoại Shangri-la 2012

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.