Thông điệp về một Việt Nam năng động và đổi mới

Ngọc Mai
Ngọc Mai
24/06/2024 06:22 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sáng nay 24.6 rời Hà Nội, bắt đầu chuyến công du 4 ngày tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc.

Hội nghị WEF Đại Liên 2024 diễn ra từ ngày 25-27.6 với chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới" tại TP.Đại Liên, Trung Quốc. Hội nghị thu hút 1.600 đại biểu, được tổ chức với tinh thần là nơi hội tụ, kiến tạo những ý tưởng mới, các lĩnh vực mới, các mô hình tiên phong, sáng tạo sẽ định hình các ngành kinh tế trong tương lai.

Bài phát biểu đặc biệt

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có chương trình hoạt động dày đặc, liên tục, cả song phương và đa phương. Và lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ sẽ có bài phát biểu đặc biệt tại Phiên khai mạc toàn thể cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và các nhà lãnh đạo các nước. Ngoài ra, Thủ tướng sẽ phát biểu tại các phiên thảo luận tại hội nghị, chủ trì các cuộc đối thoại, tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp dành riêng cho VN.

"Thủ tướng Chính phủ là một trong số ít người đứng đầu Chính phủ được WEF và nước chủ nhà Trung Quốc mời tham dự hội nghị trong 2 năm liên tiếp. Điều đó thể hiện WEF và Trung Quốc hết sức coi trọng vị thế, vai trò và đóng góp của VN cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tầm nhìn phát triển của VN đối với nền kinh tế trong tương lai", ông Bình cho biết khi trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến thăm.

Theo Bộ Ngoại giao, tại hội nghị lần này, Thủ tướng sẽ chia sẻ những đánh giá, nhận định và quan điểm của VN về kinh tế thế giới, những triển vọng, thời cơ, thách thức, những "bước chuyển mình lớn" của thế giới đang diễn ra, tác động đến phát triển kinh tế toàn cầu trong ngắn và dài hạn. Thủ tướng cũng sẽ trao đổi và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có vai trò của các nền kinh tế lớn của khu vực như Trung Quốc. Đặc biệt, chúng ta sẽ thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm của VN, nhấn mạnh vai trò của tư nhân và hợp tác công - tư trong thúc đẩy tăng trưởng, nhất là các động lực tăng trưởng mới.

Đồng thời, Thủ tướng sẽ truyền tải thông điệp về thành quả phát triển kinh tế - xã hội của VN, chia sẻ về tầm nhìn, chủ trương, định hướng phát triển và kinh nghiệm điều hành kinh tế vĩ mô của Đảng, Chính phủ VN. Thủ tướng cũng sẽ kêu gọi sự hợp tác, hợp lực của WEF và các đối tác, nhất là trong các ngành nghề ưu tiên cao, mới nổi, các ngành công nghiệp của tương lai, có tác động lan tỏa như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Những cơ hội cho VN

Hội nghị WEF Đại Liên diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tăng trưởng phục hồi chậm. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là điểm sáng năng động trong bức tranh kinh tế thế giới với kỳ vọng thúc đẩy 2/3 tổng tăng trưởng toàn cầu, song vẫn đứng trước một số rủi ro do sự phân mảnh của kinh tế thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng và những căng thẳng về địa chính trị, cạnh tranh nước lớn.

Chủ đề WEF năm nay là "Những chân trời tăng trưởng mới" với trọng tâm trao đổi, tìm kiếm hướng đi cho các động lực tăng trưởng mới, các ngành công nghiệp mới, phát huy vai trò của doanh nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng như chung tay ứng phó biến đổi khí hậu. Dự kiến 6 chủ đề sẽ được thảo luận gồm: xây dựng nền kinh tế toàn cầu mới; tinh thần kinh doanh trong thời đại AI; kết nối giữa khí hậu, thiên nhiên và năng lượng; các lĩnh vực tiên phong cho các ngành công nghiệp; Trung Quốc và thế giới; đầu tư vào con người.

Trả lời Thanh Niên chiều 23.6, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (ĐH Fulbright VN) cho rằng chủ đề của hội nghị phản ánh sát sườn những vấn đề đang tác động tới nền kinh tế thế giới hiện nay. Theo ông Trung, với quy mô nền kinh tế hơn 400 tỉ USD và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có nhu cầu cấp thiết cho việc chuyển đổi năng lượng sạch, cũng như đang trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước thì VN có thể được coi là thành viên tích cực của WEF với tư cách là một chủ thể đồng kiến tạo nền kinh tế thế giới.

Đánh giá về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến công tác, Thứ trưởng Phạm Thanh Bình nói hội nghị là dịp để VN nắm bắt và đóng góp tiếng nói trong những vấn đề, xu thế mới, nội hàm mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế thế giới, trao đổi về tư duy phát triển, quản trị ở cấp độ quốc gia và toàn cầu. Hội nghị cũng là cơ hội để quảng bá thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, truyền tải thông điệp mạnh mẽ về VN năng động, đổi mới, là điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu. Và hội nghị cũng là dịp để VN tăng cường trao đổi, thúc đẩy quan hệ với các nước và đối tác, tổ chức quốc tế, khẳng định vai trò và vị thế của nước ta đối với cộng đồng quốc tế, góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Theo kế hoạch, trong chuyến đi, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến song phương với các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Trong bối cảnh hai bên thời gian qua nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện VN - Trung Quốc, nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược VN - Trung Quốc, việc hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường sự tin cậy chính trị, cụ thể hóa nhận thức chung và Thỏa thuận cấp cao giữa hai bên.

Đây là lần thứ hai trong 2 năm liên tiếp, Thủ tướng thăm và tham dự Hội nghị WEF tại Trung Quốc, thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng và Chính phủ VN đối với quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện VN - Trung Quốc. Trong bối cảnh quan hệ hai Đảng, hai nước đang phát triển sâu sắc, thực chất và toàn diện như hiện nay, Đại sứ VN tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhận định chuyến công tác dự WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng sẽ là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu thảo luận những biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.