Thống đốc Lê Minh Hưng cam kết gì về việc giảm lãi suất?

Anh Vũ
Anh Vũ
09/05/2020 12:04 GMT+7

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng đã có những phát biểu quan trọng, định hướng điều hành vĩ mô, lãi suất, tỷ giá, cũng như giải pháp cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp , người dân vào sáng 9.5.

Tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ các doanh nghiệp sáng nay, 9.5, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) là một trong những tư lệnh ngành được mời giải đáp trực tiếp các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nói về các giải pháp của ngành ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, vừa qua NHNN đã ban hành Thông tư 01 với cơ chế rất mạnh, tạo điều kiện về cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng (TCTD) tháo gỡ vốn vay cho khách hàng, cơ cấu các khoản nợ gốc, lãi đến hạn với thời hạn phù hợp hơn và không bị chuyển nhóm nợ xấu.
Trong thời gian này khách hàng không phải trả nợ gốc và lãi, không bị tính lãi phạt. Sau khi được cơ cấu nợ, tiếp tục được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý để các TCTD miễn giảm lãi và phí. "Chúng tôi cho rằng, đây là những giải pháp rất hữu hiệu để giảm áp lực về nguồn tiền trả nợ đến hạn, để các doanh nghiệp tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.
Bên cạnh đó, NHNN cũng chủ động đề xuất với Chính phủ cho vay tái cấp vốn lãi suất 0%, với số tiền tối đa là 16.000 tỉ đồng thông qua Ngân hàng chính sách xã hội.
Mục tiêu là giúp các doanh nghiệp có tiền trả lương cho lao động bị ngừng việc do dịch Covid-19. Ngoài ra, NHNN cũng trình Chính phủ cho phép sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán cho những giao dịch có giá trị nhỏ (Mobile-Money) và chuẩn bị trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị định thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
“Ngành ngân hàng đã vào cuộc rất sớm, rất chủ động và linh hoạt, từng bước tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và đạt được kết quả ban đầu quan trọng”, ông Hưng khẳng định.

Khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn

Ảnh Ngọc Thắng

Ngân hàng giảm chi phí, lợi nhuận để hạ lãi suất 

Về các kiến nghị của doanh nghiệp tại hội nghị, Thống đốc NHNN cho biết, sẽ điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục kinh tế sau dịch; ổn định tỷ giá, sẵn sàng can thiệp đảm bảo ngoại tệ cho nền kinh tế. NHNN cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, sẽ cân nhắc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ở mức cao hơn so với kế hoạch đầu năm.
Đối với lãi suất, NHNN đã có phương án điều hành phù hợp, thời gian tới sẽ xem xét để giảm tiếp các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất thị trường mở…; quyết liệt chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay bền vững trong thời gian tới.
NHNN tiếp tục xem xét chủ trương có thể kéo dài thời gian cơ cấu nợ nếu cần thiết. Vừa qua, theo Thống đốc, một số ít TCTD còn triển khai chưa quyết liệt, cho nên trong thời gian tới chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng vào cuộc xử lý kịp thời và triệt để các trường hợp doanh nghiệp vướng mắc, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm gây phiền hà.
“Chúng tôi yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các TCTD phải trực tiếp chỉ đạo. Đơn giản hoá thủ tục, xử lý nhanh kiến nghị của doanh nghiệp. Ngay sau hội nghị này, NHNN sẽ lập đoàn công tác đi các địa phương, các khu vực kinh tế trọng điểm để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh”, Thống đốc báo cáo.
Cuối cùng, ông Hưng cũng lưu ý, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với phương châm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng khách hàng vay vốn bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, chương trình tín dụng được thực hiện từ chính tiền gửi của người dân và chính các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Do đó, yêu cầu đặt ra cho các TCTD phải đảm bảo vốn vay an toàn, hoạt động để không gây tác động tiêu cực tới toàn nền kinh tế.

Quy mô gói tín dụng lãi suất rẻ lên tới 650.000 tỉ đồng

Theo số liệu của NHNN, quy mô của gói tín dụng lãi suất thấp mà ngành ngân hàng đăng ký ban đầu (300.000 tỉ đồng) đã lên tới khoảng 650.000 tỉ đồng. Đến nay, đã có 147.637 khách hàng được vay với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23.1.2020 đạt khoảng 553.000 tỉ đồng. 
Các ngân hàng cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 170.746 khách hàng với số dư nợ 128.210 tỉ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.441 tỉ đồng. Ngoài ra, hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng với dư nợ là 980.163 tỉ đồng và mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5 - 2%. Thậm chí, có một số tổ chức tín dụng đã hạ lãi suất cho vay từ 2,5% lên tới 4%/năm so với trước khi có dịch.
Bên cạnh đó, ngân hàng đã thực hiện chính sách miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng. Nhiều loại phí được giảm từ 75 - 100% mức phí cũ. Kết quả, theo thống kê sơ bộ đến tháng 3 đã có 44 ngân hàng đã thực hiện miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng với tổng số tiền giảm khoảng 560 tỉ đồng. Ước tính số phí giảm năm 2020 lên đến trên 1.000 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.