Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì về sửa quy định quản lý kinh doanh vàng?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/05/2024 12:08 GMT+7

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, các đối tượng chịu sự tác động của chính sách thống nhất cho rằng việc sửa đổi Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cần 'cân nhắc thận trọng'.

Tại báo cáo việc thực hiện nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV năm 2022 vừa được gửi tới đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngày 20.3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hoàn thành báo cáo tổng kết Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) trình Thủ tướng Chính phủ.

Để phục vụ việc tổng kết Nghị định 24, NHNN đã tổ chức họp lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì về sửa quy định quản lý kinh doanh vàng?- Ảnh 1.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng báo cáo tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

GIA HÂN

Cụ thể, từ tháng 7.2022, NHNN tổ chức họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, bao gồm Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam và các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng.

"Các đại biểu dự họp đều thống nhất đánh giá những thành công của Nghị định 24 và thống nhất việc sửa đổi Nghị định 24 là vấn đề cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Tiếp đó, vẫn theo báo cáo, NHNN đã lấy ý kiến bằng văn bản về dự thảo tổng kết, đánh giá Nghị định 24, bổ sung kinh nghiệm quốc tế.

Cụ thể, cuối năm 2022, NHNN đã lấy ý kiến của 63 NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về đánh giá, tổng kết Nghị định 24.

Trong tháng 2.2023, NHNN gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam. NHNN đã bổ sung kinh nghiệm quốc tế tại dự thảo báo cáo tổng kết.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết đã tổ chức lấy ý kiến chuyên gia và các đại biểu Quốc hội quan tâm đến vàng.

Cuối tháng 9.2023, NHNN tổ chức buổi tọa đàm "Chính sách quản lý thị trường vàng", có sự tham gia của đại diện Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam và một số chuyên gia kinh tế - tài chính, đại biểu Quốc hội quan tâm về lĩnh vực vàng.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ngày 28.3 vừa qua, NHNN tiếp tục xin ý kiến của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia.

"Các thành viên đều thống nhất rằng sau 12 năm triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24, các mục tiêu đề ra đều đã đạt được và thống nhất cao với các đề xuất của NHNN về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới", bà Hồng cho hay.

Nghị định 24 năm 2012 quy định, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Với vàng trang sức, mỹ nghệ, NHNN cấp phép sản xuất.

Hai năm trở lại đây, đặc biệt là từ cuối năm 2023, đầu năm 2024, giá vàng trong nước liên tục biến động, tăng cao kỷ lục và đặc biệt là chênh lệch với giá thế giới có lúc lên tới 20 triệu đồng. Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, việc quản lý thị trường vàng thời gian qua còn nhiều bất cập.

Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV hôm qua 23.5, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị đã đến lúc sửa đổi Nghị định 24, xóa bỏ độc quyền nhà nước về vàng miếng. 

"Tôi đề nghị, đến thời điểm này nên chăng NHNN không còn độc quyền sản xuất vàng miếng nữa. Nên mở rộng cho doanh nghiệp đủ điều kiện được phép sản xuất vàng miếng dưới sự quản lý của NHNN. Có những doanh nghiệp đủ khả năng để nhập và sản xuất vàng miếng nhưng chúng ta lại không cho", đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (đoàn Quảng Ninh) cũng sốt ruột khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng vẫn chưa được sửa, dù được đề cập rất nhiều lần. Ông Thanh cho biết, tới đây dự kiến Ủy ban Kinh tế sẽ tổ chức phiên giải trình liên quan quản lý thị trường vàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.