Số liệu “nợ xấu” NHNN là chính xác nhất
Mở đầu phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN VN) Nguyễn Văn Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển hỏi về các số liệu của tình trạng “nợ xấu” hiện nay.
Ông Hiển hỏi: “Hiện nay có nhiều số liệu về nợ xấu khác nhau. Các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu 3%, NHNN báo nợ xấu 8,6%. Các tổ chức nước ngoài báo cáo nợ xấu trên 13%. Vì sao lại có tình trạng này. Việc báo cáo nợ xấu khác nhau này có thể coi là vi phạm luật tín dụng và luật kế toán hay không? Trách nhiệm của ngân hàng nhà nước để xảy ra tình trạng này trong một thời gian dài? Cách xử lý thế nào?”.
Trả lời về việc này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, việc các số liệu “nợ xấu” được hình thành từ trước chứ không phải bây giờ mới có. “Lý do số liệu nợ xấu khác nhau xuất phát từ việc các tổ chức tín dụng báo cáo. Năm 2000, các tổ chức quốc tế đánh giá nợ xấu của VN trên 30% khiến NHNN phải đánh giá lại và sau này khi Việt Nam gia nhập thế giới thì các tổ chức tín dụng nước ngoài cũng đánh giá tình hình tín dụng của VN. Ban đầu, chính chúng tôi gặp nhiều khó khăn để giải trình với Chính phủ về vấn đề này. Cũng có khi vì mục tiêu lợi nhuận mà các tổ chức tín dụng không muốn công khai các khoản nợ xấu. Phía ngân hàng lý giải là không nắm bắt được thông tin”.
Ông Bình cho ví dụ: “Điển hình như việc NHNN xử lý 9 tổ chức tín dụng cách đây không lâu. Tại thời điểm đó, các tổ chức tín dụng này báo cáo nợ xấu không quá 2,5% và đều làm ăn có lãi. Tuy nhiên qua kiểm tra, NHNN phát hiện nợ xấu của một số ngân hàng lên tới 30%, có ngân hàng 60% và làm ăn không có lãi, thậm có một số ngân hàng có tình trạng nợ xấu ăn cả vào vốn điều lệ”.
Thống đốc khẳng định: “Từ nhiều nguồn số liệu, tôi xin khẳng định số liệu từ NHNN là chính xác và có cơ sở nhất”.
Ông Bình cho biết thêm, trong thời gian qua, NHNN đã xử lý nghiêm về việc một số ngân hàng báo cáo nợ xấu không đúng với sự thật nhưng hiệu quả chưa cao.
Khó kiểm soát việc thâu tóm
Đề cập đến hiện tượng có hay không hiện tượng thâu tóm trong việc sáp nhập ngân hàng, Thống đốc cho biết: “Trong năm 2011-2012, mục tiêu của NHNN là thanh tra và tái cơ cấu 9 tổ chức tín dụng. Trong đó chú trọng vào việc hợp nhất 3 ngân hàng ở phía Nam. Từ chỗ một số ngân hàng mất thanh khoản đã có thanh khoản, quản lý đã chặt chẽ hơn và đánh giá chung là việc hợp nhất đã mang lại hiệu quả”.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng thừa nhận: “Cần phải công nhận là vẫn có tình trạng thâu tóm các ngân hàng trong quá trình sáp nhập. Điều này xảy ra trên sàn chứng khoán và NHNN rất khó kiểm soát điều này”.
Việc bắt giữ ông Kiên không liên quan đến ACB
Trả lời ĐB Đỗ Văn Đương về việc về việc bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên có liên quan và ảnh hưởng gì đến hoạt động các NH không, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: "NHNN chỉ nhận được văn bản của Bộ Công an về việc bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên với nội dung thành lập 3 công ty (có kể tên 3 công ty) kinh doanh trái phép nên bị bắt giữ tạm giam".
ĐB Đỗ Văn Đương chất vấn - Ảnh: Quang Khánh
Ông Nguyễn Văn Bình giải thích thêm: "Riêng về nhân thân, ông Nguyễn Đức Kiên là nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Đây là hội đồng do NH ACB tự lập ra chứ theo luật thì về cơ cấu tổ chức tín dụng không có hội đồng nào như vậy. Hiện nay, ông Kiên không tham gia HĐQT cũng như không tham gia điều hành Ngân hàng ACB nên việc bắt giữ ông Kiên không ảnh hưởng gì đến hoạt động của NH ACB. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho hệ thống, NHNN đã chỉ đạo đầy đủ các biện pháp hỗ trợ cho NH ACB để đảm bảo thanh khoản nếu có hiện tượng rút tiền hàng loạt".
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận, theo kết luận của Thống đốc, thì việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt không liên quan gì đến việc điều hành của NH ACB. Những khách hàng của ACB hoàn toàn có thể yên tâm và NHNN đang giám sát chặt chẽ diễn biến của NH ACB.
Vì sao lãi suất vẫn cao?
ĐB Ngô Văn Minh (đoàn ĐBQH Quảng Nam) chất vấn chuyện lãi suất hiện nay vẫn còn cao. Ông Minh hỏi: “NHNN quy định trần lãi suất huy động ở mức 9%/năm nhưng trên thị trường các NH áp dụng ở mức 11-12%/năm. Các NH đang lãi lớn nhưng tại sao NHNN không kéo lãi suất cho vay xuống ở mức 13%/năm mà lại ở mức 15%/năm?".
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong quá khứ việc các NH lãi lớn là có thể có nhưng hiện nay điều này không còn nữa. Với lãi suất huy động 10-12%/năm cùng với việc những quy định của NHNN về trích dự phòng rủi ro, chi phí về mặt bằng cho thuê, nhân sự…, việc quy định lãi suất cho vay ở mức 15%/năm thì các NH thương mại, cổ phần cơ bản là hòa vốn.
“Trước đây dư nợ có lãi suất trên 15%/năm chiếm trên 65% tổng số dư nợ nhưng sau khi có chủ trương giảm lãi suất, tính đến ngày 16.8 tổng số dư nợ có lãi suất trên 15% chỉ còn 24%. Kết quả này có thể coi là một thành công nhất định của việc kéo giảm lãi suất” - Thống đốc thông báo.
Thống đốc nhận trách nhiệm về “nợ xấu”
Nhắc lại chuyện “nợ xấu”, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị Thống đốc cho biết đâu là số liệu chính xác và nói rõ tỉ trọng các khoản nợ xấu của các NH. Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị do Thống đốc đã giải thích lý do vì sao có sự khác nhau giữa các con số về nợ xấu ở phía trên nên vấn đề cần thiết hiện giờ là nên đi vào chuyện “giải pháp xử lý nợ xấu” thế nào.
Liệt kê các nguyên nhân gây ra “nợ xấu” như: chính sách kinh tế vĩ mô trong thời gian dài phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng tín dụng quá "nóng" làm nợ xấu tăng lên; chính sách của NHNN nhiều năm không đổi mới nên không theo kịp thực tế dẫn đến không định hướng tín dụng; hoạt động của các tổ chức tín dụng, thẩm định dự án sơ sài; doanh nghiệp vay sử dụng vốn không đúng mục đích…, Thống đốc Nguyễn Văn Bình kết luận: “Nợ xấu” của các NH đã tăng lên hết sức nhanh chóng, 6 tháng đầu năm 2012, “nợ xấu” của các NH đã lên đến 47%.
Từ đó, ông Bình nêu các giải pháp: NHNN đã thay đổi lại cơ bản các văn bản quy định về hoạt động tín dụng, sẽ ban hành đầy đủ trong quý 3 năm nay và có hiệu lực từ 2013; sắp xếp lại cơ quan thanh tra giám sát hoạt động các NH; phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa (như đẩy nhanh chi tiêu công giúp giải phóng lượng hàng tồn kho đặc biệt trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, giám sát các tổ chức tín dụng); phối hợp với chính quyền địa phương, tòa án để phát mại, xử lý nhanh các khoản nợ trong hệ thống NH để xử lý “nợ xấu”.
"Nợ xấu của chúng ta hiện nay chưa đến mức hốt hoảng, nguy kịch hóa. Trong thời kỳ khủng hoảng một số nước còn có tỉ lệ nợ xấu cao hơn ta nhiều”, ông Bình khẳng định.
Đồng thời, Thống đốc cho biết, đến nay các tổ chức tín dụng trong cả nước đã trích lập 70.000 tỉ đồng để dự phòng giải quyết “nợ xấu”.
Về tỉ trọng của các khoản nợ xấu, Thống đốc xin trả lời bằng văn bản.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Thống đốc cho biết trách nhiệm của NHNN và Thống đốc trước tình trạng nợ xấu của các NH như hiện nay và việc xử lý sai phạm.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời ông xin nhận trách nhiệm về việc này.
Bên cạnh đó, ĐB Phương chất vấn Thống đốc, Chính phủ đã có Nghị định 80 có đề nghị NHNN phối hợp với Bộ Tài chính ban hành chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo. Thế nhưng, đến nay đã qua năm mà hướng dẫn thực hiện chưa có. Đề nghị thống đốc cho biết khi nào có hướng dẫn để người nghèo có thể vay ưu đãi.
Trả lời câu hỏi của ĐB, ông Bình cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB-XH để giải quyết.
“Nếu vấn đề này sáng nay ĐB hỏi Bộ LĐ-TB-XH thì phù hợp hơn hỏi chúng tôi nhiều. Tiền thì chúng tôi sẵn sàng nhưng các tiêu chí xác định hộ nghèo, cận nghèo hiện chúng tôi đang chờ quy định của cơ quan có liên quan. Còn về quy định lãi suất vay, nguồn vốn chúng tôi đã sẵn sàng. Mặc dù đây là năm khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo đầy đủ vốn cho NH Chính sách xã hội”, ông Bình khẳng định.
Trước vấn đề này, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết hiện các tiêu chí về hộ nghèo, cận nghèo đã có. Bằng chứng là BHYT đã có hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo. Vì vậy, bà Ngân đề nghị Thống đốc NHNN VN sớm triển khai cho vay ưu đãi với các đối tượng này.
Tham gia chất vấn, ĐB Công Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) đề nghị Thống đốc NHNN có giải pháp quan tâm đến cho vay tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, các NH, tổ chức tín dụng hầu như rất ít đến những vùng sâu, vùng xa.
Ông Bình thừa nhận, hiện nay, mật độ của các tổ chức tín dụng tại Hà Nội và TP.HCM rất dày đặc. Còn lại, tại vùng sâu vùng xa thì thưa thớt. Vì vậy, trong đề án tái cấu trúc NH, NHNN sẽ có sự phân bố, rải đều các tổ chức tín dụng, NH hoạt động rộng khắp cả nước.
Đồng thời, Thống đốc cho biết, đang xây dựng đề án tái canh lại cây cà phê của Tây nguyên và giao cho NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm cung ứng vốn.
Lãi suất giảm đúng thời điểm
Cho ý kiến về vấn đề điều hành lãi suất, ĐB Phùng Văn Hùng (Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của QH) chất vấn: Việc giảm lãi suất như vừa qua là chưa kịp thời và gỡ khó khăn cho DN. Khi DN cần thì không giảm, chỉ khi DN lả đi mới giảm. Ý kiến của thống đốc về ý kiến này?
Thống đốc Bình giải trình: “Việc điều hành lãi suất phải dựa trên cơ sở chặt chẽ chứ không thể thích thì làm. Chưa kể một số tổ chức quốc tế than phiền việc giảm lãi suất của Việt Nam như vừa qua là quá nhanh. Cuối năm 2011, việc giảm lãi suất xuống còn một con số, ở mức 9%/năm được coi như giấc mơ nhưng đến nay chúng ta đã làm được. việc hạ lãi suất như vừa rồi là đúng thời điểm và được nhiều tổ chức quốc tế ủng hộ”.
ĐB Phùng Văn Hùng chất vấn thêm: liệu “nợ xấu” của NH thương mại của Nhà nước rất lớn và gấp đôi NH cổ phần, NH thương mại ngoài nhà nước. Có hay không việc quản lý yếu kém NH thương mại của nhà nước và để xảy ra thất thoát?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Đến ngày 31.6, nợ xấu của NH thương mại của Nhà nước là 3,76%, còn nợ xấu của NH thương mại ngoài Nhà nước là 4,73%. Như vậy không có sơ sở để nói nợ xấu của NH thương mại nhà nước cao gấp đôi nợ xấu của NH thương mại ngoài Nhà nước”.
ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) hỏi lo lắng về chuyện nhà đầu tư phải lo lắng về lạm phát và lãi suất. Ông Tín hỏi: “Thống đốc cần đưa ra con số cụ thể hạn chế lạm phát bao nhiêu?
“Nhiệm vụ của NHNN vô cùng nặng nề khi vừa kìm chế lạm phát nhưng vừa tạo động lực, hỗ trợ DN phát triển. Với tình hình như hiện nay, lạm phát năm 2012 sẽ ở mức 6-7%. Đây là mức sớm hơn so với lộ trình đưa ra” - Thống đốc dự đoán.
NHNN cho vay tiền: Có tiêu chí, quy định đàng hoàng
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) hỏi thẳng: “NHNN nào có nợ xấu nhiều nhất?” Liệt kê các con số “nợ xấu” của từng ngân hàng Nhà nước, ông Bình kết luận: “Tính đến ngày 31.6.2012, NH NN-PTNT có mức nợ xấu nhiều nhất ở mức 6,14%”.
Bà An chất vấn: “Tiêu chí nào để NHNN cho NH thương mại kém thanh khoản như: Phương Nam, Bắc Á vay tiền?”
Thống đốc Bình khẳng định: “Cơ sở để NHNN cho các NH thương mại vay tiền đều được quy định trong luật và các quy định, quy phạm liên quan đến ngân hàng. NH được vay phải có tài sản đảm bảo ít nhất gấp hai lần khoản cho vay, phải vay đúng mục đích”. Ông Bình còn xin liệt kê các quy định, tiêu chí mà NHNN có thể cho các NH thương mại vay tiền.
Thống đốc không biết ai thâu tóm Sacombank
Bà Bùi Thị An chất vấn thêm: Về việc sáp nhập lại NH, NH SHB mua lại cổ phiếu của Habubank, hay NH Phương Nam mua lại cổ phiếu của Sacombank, Thống đốc có biết họ lấy nguồn tiền từ đâu ra không?
Ông Bình cho biết: “Báo cáo Quốc hội là ai đi thâu tóm Sacombank họ cũng không báo cáo với Nhà nước. Do đó chúng tôi cũng không biết họ lấy tiền từ đâu ra. Việc thâu tóm diễn ra trên thị trường chứng khoán và viêc thâu tóm thay đổi thậm chí từng thời điểm trong ngày. Chỉ đến khi đại hội cổ đông hay tại thời điểm NHNN chốt lại thì chúng tôi mới biết”.
“Thế còn tiền đâu thì hiện nay chúng tôi đang cho thanh tra Sacombank từ tháng 7.2012 để làm rõ. Dự kiến hết tháng 8.2012, việc thanh tra sẽ kết thúc và chúng tôi sẽ công bố thông tin rộng rãi”.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) tham gia chất vấn với nội dung: Khối nợ xấu hơn 200.000 tỉ đồng đang gây khó khăn cho nền kinh tế, tài sản này đang bất động vậy làm thế nào cho nó vận động được? Mặt khác, ông Lịch băn khoăn tới thời điểm này, tín dụng tăng nhưng nền kinh tế có nợ xấu liệu có hấp thụ được không?
Trả lời ĐB, Thống đốc nhận định: “Để tín dụng những năm tiếp theo có thể khai thông được thì chúng ta phải giải quyết được hết những khoản nợ xấu trước đó”.
Một lần nữa ông Bình khẳng định nợ xấu của nước chưa đến mức độ nguy kịch nhưng cũng ở mức độ đáng báo động phải xử lý ngay. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ tiếp tục giảm quyết “nợ xấu”” - Thống đốc kết luận.
Trong khi đó, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) chất vấn Thống đốc về việc có nhiều con số về tỉ lệ nợ xấu như vừa qua thì làm sao có cơ sở để giải quyết vấn đề. Tại sao không bắt buộc các tổ chức tín dụng công khai minh bạch thông tin?
Ông Bình khẳng định lại: “Chúng ta phải lấy tỉ lệ nợ xấu của NHNN công bố để làm chuẩn mực xử lý. Còn về việc công khai thông tin của các NH cần có quy định về trách nhiệm báo cáo, kỹ cương báo cáo và chế tài xử lý. NHNN cũng đang hoàn thiện, siết chặt những quy định này”.
Mặt khác, ông Bình cho biết NHNN và một số tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế đang chính thức triển khai chương trình đánh giá khu vực tài cính VN để có cái nhìn bao quát, rõ ràng về hệ thống tài chính của cả nước. Từ đó, sẽ có thông tin minh bạch, chính xác hơn về các ngân hàng và tổ chức tài chính.
Bên cạnh đó, ĐB Lâm Đình Khanh (Hải Dương) lo lắng việc NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH đạt 15% thì liệu có làm lạm phát gia tăng trở lại?
Ông Khanh cũng đề nghị Thống đốc cho biết nợ xấu của các ngân hàng đến mức nào thì phải tuyên bố phá sản? Tại sao hiện nay nhiều NH bị nợ xấu lớn vẫn được xử lý bằng biện pháp sáp nhập chứ không cho phá sản?
Trước băn khoăn này của ĐB, Thống đốc khẳng định: Kiềm chế lạm phát là một nhiệm vụ quan trọng mà NHNN phải đảm bảo. Đồng thời, ông Bình giải thích hiện nay chủ trương của Chính phủ là phải giữ không cho NH nào phá sản để đảm bảo an toàn cho hệ thống.
Sau gần 3 giờ chất vấn Thống đốc NHNN VN Nguyễn Văn Bình, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên chất vất, thống đốc NHNN phải giám sát chặt chẽ việc tái cấu trúc, không để xảy ra đổ vỡ hệ thống ngân hàng.
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu NHNN chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm lãi suất suất cho vay, nhất là ưu tiên giảm lãi suất trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, nông dân, nông thôn, hộ cận nghèo… Ngoài ra, NHNN cần khẩn trương đánh giá lại nợ xấu, đưa ra số liệu tin cậy về nợ xấu và xử lý ngần hàng yếu kém, có nợ xấu cao.
Thanh Niên Online
>> Thường vụ Quốc hội chất vấn 3 thành viên chính phủ
>> Doanh nghiệp “chất vấn” Thống đốc
>> Sẽ chất vấn Thống đốc Ngân hàng về nợ xấu
>> Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lời chất vấn
>> Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường
>> Bộ trưởng GTVT nhận nhiều câu hỏi chất vấn nhất
Bình luận (0)