Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Tôi khẳng định luôn có lợi ích nhóm”

14/11/2012 04:05 GMT+7

Đúng như dự báo, phiên chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình hôm qua 13.11, diễn ra nóng bỏng với hàng loạt vấn đề vốn gây bức xúc dư luận thời gian qua như quản lý thị trường vàng, lợi ích nhóm trong tái cơ cấu ngân hàng, nợ xấu, doanh nghiệp đói vốn…

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Tôi khẳng định luôn có lợi ích nhóm”
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn - Ảnh: Ngọc Thắng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thời gian qua, các ngân hàng (NH) đã mua được 60 tấn vàng, hiện tại trong dân còn khoảng 250-300 tấn. Tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng đã chấm dứt, ổn định tỷ giá. Việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô.

Tiêu diệt thị trường vàng ?

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Tôi khẳng định luôn có lợi ích nhóm”
Từ sáng tới giờ tôi cũng nói nhiều, nhưng có lẽ năng lực giải thích của tôi có hạn nên ĐB chưa hiểu hết được. Tôi cũng rất mong có gì mời ĐB cùng chúng tôi tiếp tục trao đổi và làm rõ để hiểu nhau hơn

Thống đốc Nguyễn Văn Bình

ĐB Nguyễn Văn Tuyết không ngần ngại nói thẳng: “Thống đốc đừng tưởng người dân không biết gì”. Dẫn Nghị quyết QH 2011, yêu cầu khắc phục bất cập trong quản lý thị trường, đảm bảo liên thông giá trong nước và quốc tế, thậm chí Nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2013 cũng khẳng định đảm bảo liên thông giá trong và ngoài thế giới, ĐB Tuyết chất vấn: “Với câu trả lời của Thống đốc như vậy, Thống đốc có thực hiện Nghị quyết của QH hay không?”.

Thống đốc trả lời, vì phải thực hiện theo Nghị quyết 2011, nên NHNN đã cho nhập 15 tấn vàng để bình ổn giá. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 24 quản lý vàng có hiệu lực vào tháng 5.2012, việc liên thông giá vàng trong nước và thế giới là không cần thiết.

ĐB Trần Du Lịch tỏ ra khá quyết liệt khi “phê” Thống đốc điều hành thị trường vàng không phải ổn định mà theo hướng “tiêu diệt thị trường”. Dẫn những quy định cụ thể tại Nghị định 24 của Chính phủ rằng NHNN có trách nhiệm bình ổn, can thiệp, điều hành thị trường, nhưng NHNN lại tiến hành chấm dứt huy động vàng, cắt đứt sự liên thông với thị trường thế giới, ĐB đặt dấu hỏi: “Việc chấm dứt như vậy Thủ tướng có biết chưa?”.

Ông Bình thừa nhận trong Nghị định 24, NHNN bỏ ngỏ một số nội dung trong đó có việc huy động vàng trong dân. Lý do là vì trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế hiện nay và sự biến động của giá vàng quá mạnh nên mọi hình thức huy động vàng chỉ làm tăng thêm tình trạng vàng hóa. Vì vậy NHNN quyết định việc này lại.

ĐB Lịch tiếp tục: “Thống đốc nói trước đây nhà nước không quản lý gì, buông lỏng thị trường, chỉ khi Thống đốc lên thì mới làm nghị định. Chính sách có bất cập nhưng Thống đốc nói như vậy thì bất công cho Chính phủ quá. Cần xem xét lại và làm rõ vấn đề này”.

 

 Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Tôi khẳng định luôn có lợi ích nhóm”
Thống đốc hứa rằng thị trường chênh lệch 400.000 đồng một lượng thì NHNN điều tiết, bây giờ không làm được thì nói không cần liên thông với nước ngoài. Thống đốc nghĩ như thế nào, Thống đốc có nhớ mình nói như thế không?

ĐB Trần Du Lịch

“Nghị định làm từ 2009, được cả tập thể Chính phủ đánh giá chứ không phải riêng NHNN. Tôi không gắn thời gian tôi làm, đó là cả một quá trình của tập thể, mong ĐB hiểu đúng vấn đề”, Thống đốc Bình đáp.

Tiếp tục giải trình thêm về vấn đề “không cần phải liên thông”, ông Bình cho biết, năm 2008 vì muốn liên thông, muốn kéo sát giá nên nhà nước chưa mở nhiều sàn vàng, dẫn tới thị trường bất ổn, khó quản lý… “Có nhiều ông chủ sàn vàng bây giờ gặp tôi nói rằng, ngày đó em căm anh lắm nhưng nếu để tiếp tục đến nay em cũng giống bầu Kiên thôi, lỗ hàng trăm tỉ đồng vì sàn vàng”, Thống đốc nói.

ĐB Trần Du Lịch truy: “Thống đốc hứa rằng thị trường chênh lệch 400.000 đồng một lượng thì NHNN điều tiết, bây giờ không làm được thì nói không cần liên thông với nước ngoài. Thống đốc nghĩ như thế nào, Thống đốc có nhớ mình nói như thế không?”.

“Từ sáng tới giờ tôi cũng nói nhiều, nhưng có lẽ năng lực giải thích của tôi có hạn nên ĐB chưa hiểu hết được. Tôi cũng rất mong có gì mời ĐB cùng chúng tôi tiếp tục trao đổi và làm rõ để hiểu nhau hơn”, Thống đốc đáp.

Nợ xấu là do lợi ích nhóm

Chuyển sang chủ đề lợi ích nhóm, trả lời câu hỏi của ĐB Trịnh Ngọc Phương, ông Bình khẳng định nợ xấu có nguyên nhân từ lợi ích nhóm. Kết quả thanh tra toàn diện 27 NH trong năm 2012 cho thấy, một số NH do một số cổ đông thao túng cho vay các khách hàng liên quan, thậm chí có NH cho vay khách hàng là công ty sân sau, quen biết lên tới 90% tổng dư nợ. Khi thị trường bất động sản đóng băng dẫn tới nợ xấu tăng nhanh.

Nợ xấu cao có sự tiếp tay của các lãnh đạo đã thao túng, nắm giữ chức danh chủ chốt của NH đó. Mặc dù cán bộ cấp dưới biết vi phạm, cấp trên vẫn quyết định khiến dư nợ tín dụng rơi vào nhóm cổ đông đó

Thống đốc Nguyễn Văn Bình

ĐB Vũ Hương Sen đề nghị Thống đốc cho biết có hay không tình trạng cán bộ lợi dụng, tham nhũng nâng khống tài sản dẫn tới nợ xấu? Thống đốc trả lời: “Nợ xấu cao có sự tiếp tay của các lãnh đạo đã thao túng, nắm giữ chức danh chủ chốt của NH đó. Mặc dù cán bộ cấp dưới biết vi phạm, cấp trên vẫn quyết định khiến dư nợ tín dụng rơi vào nhóm cổ đông đó”.

ĐB Đỗ Ngọc Liễn hỏi thẳng: “Dư luận đồn rằng có lợi ích nhóm trong hệ thống NH. Thống đốc khẳng định có hay không và đã xử lý bao nhiêu trường hợp vi phạm”.

Thống đốc thừa nhận: “Tôi khẳng định luôn có lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực nhất định. Cả một NH chỉ phụ thuộc vào quyết định của một vài ông, kiểm soát hết hoạt động thì các khách hàng thân quen được hưởng lợi ích. Chúng tôi đã đề nghị các bên phải xử lý bằng tài chính, nếu nghiêm trọng thì tái cấu trúc, có dấu hiệu hình sự chuyển sang cơ quan điều tra”.

Trước chất vấn của ĐB về vấn đề giải quyết nợ xấu, vì sao có nhiều con số, ông Bình khẳng định con số 8% tổng dư nợ là chính xác nhất. Còn dư nợ cả nền kinh tế hiện nay 2,7 triệu tỉ đồng, 73% có tài sản đảm bảo, trong đó 66% đảm bảo bằng bất động sản. Theo ông Bình, các NH từ đầu năm đến nay đã trích lập dự phòng rủi ro 75.000 tỉ đồng và đã xử lý 12.000 tỉ đồng từ nguồn trích lập này.

Kéo dài tình trạng giá vàng SJC đắt hơn thế giới

Ngày 13.11, giá vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới 3,56 triệu đồng/lượng, giá mua - bán vàng ở mức 46,78 - 46,98 triệu đồng/lượng, giảm 70.000 đồng/lượng. Giá vàng thế giới giảm mạnh hơn, khoảng 10 USD/ounce, tương đương giảm 250.000 đồng/lượng, còn 1.725 USD/ounce.

Mức chênh lệch giá trong nước cao hơn thế giới xuất hiện từ tháng 8, khi các NH tranh nhau mua vàng trên thị trường để cân đối trạng thái vàng, bù vào số vàng đã bán ra trước đó. Để không gây áp lực lên thị trường tiền tệ, NHNN cho phép các NH phát hành chứng chỉ huy động vàng đến hết ngày 24.11.2012 nhưng thời gian đáo hạn của các chứng chỉ huy động vàng này không vượt quá ngày 30.6.2013. Ngay tức thì, một số NH tăng gấp đôi, gấp ba lãi suất huy động vàng. Mặc dù vậy khoảng cách chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước vẫn không thể nào kéo ngắn lại. Con số 20 tấn vàng mà các NH cần mua trên thị trường trong thời gian tới chính là vật cản lớn nhất cho việc kéo gần khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới. Đặc biệt, thời điểm các NH mua số lượng vàng này không xác định nên mức giá chênh lệch 3 - 4 triệu đồng/lượng dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Nguồn cung vàng trên thị trường khan hiếm giải thích cho mức chênh lệch trên và theo tính toán, lực cầu sẽ tiếp tục áp đảo nguồn cung vàng trong thời gian tới. Cụ thể, theo quy định của NHNN, các NH thương mại chỉ được phép bán ra 40% số vàng huy động được. Với 80 tấn vàng mà các NH đã bán ra thời gian qua thì hệ thống NH phải huy động được khoảng 200 tấn và phải trả lại cho dân. Hiện nay, các đơn vị đang xin chuyển đổi vàng SJC móp méo, phi SJC sang SJC với khối lượng khoảng 350.000 lượng (khoảng 14 tấn). Việc chuyển đổi này diễn ra khá chậm nên thị trường vẫn không có cung. Đó là lý do, giá vàng trong nước sẽ còn tiếp tục duy trì khoảng cách lớn với giá vàng thế giới.

Thanh Xuân

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.