Sáng 18.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên 26, cho ý kiến với các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Còn tình trạng sở hữu chéo ngân hàng không?
Trong báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, về lĩnh vực ngân hàng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm.
Thiếu chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới băn khoăn: hiện nay còn tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng không và điều này có tác động đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế hiện nay hay không? Ông đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng có giải trình thêm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói thêm vấn đề ông Tới nêu.
Là chủ nhiệm cơ quan thẩm tra dự án luật Các tổ chức tín dụng, ông Thanh cho biết, qua thẩm tra dự thảo luật thì thấy rằng sở hữu chéo đã được kiểm soát tốt, vi phạm đã xử lý rồi, nhưng cơ chế để xử lý dứt điểm các cổ đông lớn thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng còn nhiều ý kiến khác nhau.
"Các chính sách mới đề xuất như giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng hay tỷ lệ sở hữu cổ phần có xử lý dứt điểm được sở hữu chéo hay không còn chưa khẳng định được. Phía ngược lại, mở rộng hơn hay thu hẹp hơn đều có ảnh hưởng đến nền kinh tế, thị trường chứng khoán, thu hút đầu tư nước ngoài", ông Thanh nói.
Với nợ xấu, ông Thanh cho hay, từ ngày 15.8.2017 (thời điểm Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực) đến ngày 28.8.2023, xử lý được hơn 400.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu có xu hướng tăng, nợ xấu nội bảng đến 3,36%. "Vậy luật xử lý thế nào, luật hóa quy định của Nghị quyết 42 ra sao vẫn còn ý kiến khác nhau", ông Thanh nhấn mạnh.
"Chờ quy định xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo thì không có"
Giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề sở hữu chéo, thao túng, sân trước sân sau trong lĩnh vực ngân hàng là vấn đề T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện văn bản quy định của pháp luật cũng như khi triển khai trong thực tiễn để khắc phục.
“Trên hồ sơ thì sở hữu chéo giữa các ngân hàng đến nay đã được khắc phục. Tức là trên hồ sơ thể hiện rõ cá nhân, tổ chức nào giữ tỷ lệ cổ phần như thế nào đối với hệ thống ngân hàng qua hoạt động cho vay”, bà Hồng nói.
Tuy nhiên, theo Thống đốc, thực tế, các tổ chức, cá nhân có thể đứng tên hoặc nhờ đứng tên sở hữu cổ phần, thậm chí thành lập doanh nghiệp trong hệ sinh thái để cho vay vốn ngân hàng. Vấn đề này qua điều tra và một số vụ việc vừa qua phát hiện. “Cho nên, đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm”, bà Hồng nói.
Thống đốc cũng cho hay, khi dự thảo luật Các tổ chức tín dụng, việc khắc phục tình trạng sở hữu chéo, thao túng cũng là vấn đề trọng tâm khi thiết kế dự thảo luật.
Dự thảo cũng đã thiết kế một số giải pháp giảm hiện tượng sở hữu chéo như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng, giảm giới hạn cấp tín dụng. Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến cũng còn ý kiến khác nhau như ông Vũ Hồng Thanh nêu.
“Tuy nhiên, nếu chờ quy định xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo thì không có”, bà Hồng nói, và cho rằng, dự thảo luật chỉ là một phần, cần phải kết hợp với các quy định khác để làm sao hoạt động của các tổ chức cá nhân minh bạch thì mới hướng tới giảm tình trạng này.
Cạnh đó, theo bà Hồng, là vấn đề thực thi. “Quy định như vậy nhưng doanh nghiệp, người dân phải tuân thủ, nếu cố tình nhờ đứng tên thì Ngân hàng Nhà nước không xử lý được. Đó là thực tế. Khi cố tình chỉ có cơ quan điều tra phát hiện như một số vụ vừa qua”, bà Hồng khẳng định.
Với lo ngại quy định trong luật tác động tới thị trường chứng khoán, tăng chi phí, thủ tục, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, vấn đề ưu tiên khi xây dựng luật là đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Do đó, việc phân tích, đánh giá tác động cần "bức tranh" lớn hơn, đó là vai trò của tổ chức tín dụng, ngân hàng trong nền kinh tế.
Về vấn đề nợ xấu, theo bà Hồng, trong bối cảnh hiện nay nợ xấu tăng lên. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sử dụng biện pháp tiếp tục xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)