Thong dong 3 vùng đất - “Ba vùng đất” đó là Quảng Nam - Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Thanh Hóa - nơi nguồn cội, sinh thành và nuôi dưỡng tác giả, đồng thời là đề tài - cảm hứng sáng tạo thường trực trong các tác phẩm Thơ - Ảnh - Nhạc - Báo chí của Nguyễn Lương Hiệu trong hơn 30 năm qua. Cuốn sách Nguyễn Lương Hiệu - Tập Ảnh nghệ thuật, Thơ, Nhạc tuyển chọn 34 bài thơ, 49 bức ảnh, 14 ca khúc phổ thơ, 4 tác phẩm báo chí (ký sự, phóng sự) của Nguyễn Lương Hiệu và 2 bài báo viết về anh. Buổi triển lãm và giới thiệu sách do Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh và Truyền hình Hội An phối hợp tổ chức.
Hội An trong tác phẩm Thời gian của Nguyễn Lương Hiệu |
nvcc |
Để “thong dong” trở về, nhìn ngắm và “trưng bày” những đứa con tinh thần như vậy thật không dễ dàng. Nguyễn Lương Hiệu rất “khó thở” trong việc chọn lựa, sắp đặt để những tác phẩm ấy không “tự nói lên” mà cùng “nói về nhau” và “nói giúp” cho tâm hồn đa mang nhiều cung bậc, cho những đoạn đời chìm nổi không đoán định, cho những quê hương cách trở và dấu chân lưu lạc… kể từ “Biền dâu xưa gió tạt đến hôm nay” tới cái ngày “Tôi tư lự nhìn mình” (Phố đèn lồng) và chợt nhận ra “trái tim đang gấp khúc/ Sắp thẳng hàng bởi một tiếng chuông ngân” (Vết sẹo). Tác phẩm của Nguyễn Lương Hiệu cả thơ và ảnh hầu như phát lộ vào khoảnh khắc “không thấy” và “thấy” như vậy - “Nỗi buồn không thấy ngọn nguồn/ Thấy con lơ đễnh từ vuông đến tròn” (Viết trong ngày giỗ ba)…
Thơ của Nguyễn Lương Hiệu lung linh hình ảnh và ảnh nghệ thuật của anh lại ẩn chứa một tứ thơ. Trong bài thơ Nhỏ nhẹ Hội An, anh viết “Đi giữa Hội An vẫn nhớ Hội An”. Là nhớ “rêu xanh mộng mị” được ánh chiếu trên các bức ảnh Lối về, Lối xưa, Cầm tay… Nhớ “không gian đắm đuối” trong các bức ảnh Con đường đến trường, Dưới giàn hoa giấy… Nhớ “Hội An không tuổi” trong bức Nón lá, Những mối lương duyên… Ở bài thơ Phố đèn lồng, anh nhìn “từ những ô cửa quá khứ” bằng con mắt thơ để ghi lại các tấm ảnh rất thi vị với Đèn lồng treo cao, Hội An 4 giờ 30 sáng…
Tác phẩm Đèn lồng treo cao của Nguyễn Lương Hiệu |
Tác phẩm Con đường đến trường |
Tác phẩm Dưới giàn hoa giấy |
nvcc |
Ảnh nghệ thuật của Nguyễn Lương Hiệu là bài thơ ánh sáng và nghệ thuật sắp đặt ngẫu hứng trong những khoảnh khắc của sự vật tuy không xa lạ nhưng rất khó nắm bắt, rất khó làm cho mới hơn. Họa sĩ hoàn toàn can dự vào đối tượng mô tả để phục vụ cho ý tưởng biểu đạt. Nhà nhiếp ảnh thì không. Họ nỗ lực giữ nguyên, giữ yên cho cuộc sống lên tiếng. Bức ảnh Lung linh ngõ hẹp khiến ta buột miệng đọc lên câu thơ in trên trang bên cạnh - “trong gánh gió mẹ tôi rực rỡ”, rồi nhận ra “tuổi thơ lớn giữa tuổi già, mẹ tôi”… Các bức Ngôi nhà màu vàng, Dòng kênh kí ức khiến liên tưởng đến “Lung linh nếp nhăn của gió” trong bài thơ Cỏ. Rồi trong Bài tặng xứ Thanh, nơi “Sưởi ấm lòng ta mấy nẻo về”, bỗng hiển hiện hư thực gần xa trong những tấm hình về miền đất mà chỉ nghe tên thôi đã nhớ thương vời vợi: Suối Mây, Bến En, Phù Luông, Sông Mã, Hàm Rồng…
Như một hành trình muốn chọn ga đỗ trên đường tàu lữ thứ, Thong dong 3 vùng đất của nghệ sĩ lãng du Nguyễn Lương Hiệu đã cho người xem cái đọc, cho người đọc cái nhìn, và cho người chỉ muốn nghe thì đã sẵn những giai điệu tươi tắn và không ít khắc khoải với Tình tự sông Hàn, Rumba xanh (Nhạc và lời Nguyễn Lương Hiệu); các ca khúc phổ thơ Nguyễn Lương Hiệu: Bồng bềnh Hội An và Tiếng lá (Quỳnh Hợp), Thành phố ngát xanh (Thái Phú), Vùng có xanh (Đình Láng), Sài Gòn thành phố đời tôi (An Thuyên), Sài Gòn nhìn từ trên cao (Trương Tuyết Mai), Thành phố lung linh (Nguyễn Văn Hiên), Màu xanh bao la (Thế Hiển), Nhịp bước đường về (Phạm Đăng Khương), Tiếng chim rơi (Lê Quốc Thắng), Rực rỡ mắt em cười (Nguyễn Đức Trung), Xứ Thanh ngày trở về (Nguyễn Đình Thậm).
Tác phẩm Những mối lương duyên của tác giả Nguyễn Lương Hiệu |
nvcc |
Thong dong 3 vùng đất, và tiếp tục con đường sáng tạo, đam mê của mình, Nguyễn Lương Hiệu sẽ còn rất nhiều thành công đón đợi phía trước.
Bình luận (0)