“Ngọ Môn s-tôi ?”
Những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, trong khi đang “cứu vãn” các tháp cổ tại Thánh địa Mỹ Sơn, KTS Kazik với tư cách là chuyên gia của UNESCO đã đến Huế để hỗ trợ “cấp cứu” di sản cố đô sau chiến tranh. Trong ký ức của KTS Phùng Phu (nguyên Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế), cuộc gặp Kazik vào năm 1982 chính là định mệnh để từ chuyên môn xây dựng, ông đã chuyển sang sự nghiệp bảo tồn di tích và gắn bó 30 năm cho đến ngày về hưu (năm 2012).
Ngọ Môn - Đại nội Huế là nơi mà cố KTS Kazik nghiên cứu đầu tiên bằng phương pháp quan trắc |
HOÀNG SƠN |
Ông Phu kể, năm 1982 khi đang tập quân sự trước kỳ đài, ông thấy một người đàn ông cao lớn, tóc vàng, râu rậm đang say mê vẽ lại Ngọ Môn bằng màu nước. “Khi tôi lại gần và cất lời khen “ông vẽ đẹp quá”, Kazik có vẻ đã giật mình khi nhận ra tôi nói tiếng Ba Lan”, ông Phu nhớ lại và thổ lộ: “Tôi là du học sinh Ba Lan nên giữa chúng tôi có sự đồng cảm về những di sản đã đi qua các cuộc chiến tranh khốc liệt. Chúng tôi đã nói với nhau rất nhiều về việc làm sao để cứu vãn các di tích Huế đang có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Kể từ đó, chúng tôi trở nên thân thiết cả trong công việc lẫn cuộc sống…”.
Ông Phu cho biết, Ngọ Môn cũng chính là nơi mà Kazik cùng các cộng sự lần đầu tiên nghiên cứu và đo đạc theo phương pháp photogrammetric (phép quan trắc). Ông đã chụp không biết bao nhiêu hình ảnh, dùng các phương pháp hình học, hình họa… để vẽ lại công trình cổ một cách chính xác. Sau đó, các bản báo cáo về di tích Ngọ Môn của Kazik đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí rất lớn của các tổ chức quốc tế.
“Hồi mới gặp Kazik, tôi đã chia sẻ với anh về “lý lịch” của Đại nội Huế, những ý kiến trái chiều cho rằng Đại nội là công trình lai tạp kiến trúc cũ của Trung Hoa… Lúc đó, mặt anh đã biến sắc. Chưa bao giờ tôi thấy anh giận đến như thế. Anh nói rằng những kẻ phát ngôn như thế là ngu dốt. Tôi cho rằng, chính con mắt chuyên môn tinh tường cùng tư duy sắc sảo mà anh đã nhìn thấy một Hội An có kiến trúc đặc sắc. Và cũng nhờ những nghiên cứu, đánh giá quan trọng của anh mà sau này UNESCO đã xem xét và công nhận Cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới (năm 1993)”, ông Phu nói.
Trong khoảng thời gian 15 năm gần gũi với Kazik, KTS Phùng Phu nhớ nhất là câu chào của Kazik mỗi khi gặp lại: “Ngọ Môn s-tôi?”. “Ý anh muốn hỏi là “Ngọ Môn vẫn đứng vững chứ?”. Câu hỏi của anh bao chứa cả mong ước về sự trường tồn của không riêng gì Ngọ Môn mà cả những di sản của Huế đang chịu nhiều tổn thương”, ông Phu nói.
KTS Phùng Phu, người đã tiếp thu nhiều bài học giá trị trong tu bổ di tích từ Kazik |
Tấm gương lớn
Nếu ở Mỹ Sơn, những người công nhân, những cán bộ địa phương được Kazik truyền ngọn lửa đam mê với đền tháp thì với những cán bộ tu bổ di tích Cố đô Huế, ông là người thầy đầu tiên, là một tấm gương lớn trong làm việc. Trong cuốn sách Kazimierz Kwiatkowski - Hồi ức một con người đặc biệt (ấn hành năm 2017), nhà văn Ba Lan Jacek Zygmunt Matuszak cho biết Kazik cũng là người dành nhiều tâm huyết cho lăng Tự Đức (Khiêm lăng). Chính Kazik là người đã bắt đầu đưa ra ý tưởng và chương trình hành động sơ bộ trong tu bổ di tích này.
“Cũng vì khu đất này (lăng Tự Đức - PV) bị ngập nước, phần lớn các tòa nhà đều nằm một phần dưới nước nên Kazimierz đã đề xuất các giải pháp khác nhau để gia cố phần móng đỡ toàn bộ hệ thống của tòa nhà. Cũng giống như tất cả các nơi ông làm việc, ông lập hồ sơ chi tiết. Công việc của ông bị gián đoạn vì sự ra đi đột ngột của ông (ngày 19.3.1997) nhưng nhờ vào hồ sơ và tài liệu ông đã lập, những cộng sự và học sinh VN của ông đã tiếp tục công việc này”, nhà văn Jacek Zygmunt Matuszak viết. KTS Phùng Phu nhận định, vì lăng Tự Đức có nhiều công trình nằm trên lẫn dưới mặt nước nên giải pháp gia cố móng của ông là nguyên lý chính xác cho đến nay.
Ông Phu cũng cho rằng, “di sản” của Kazik để lại là những tài liệu, bản vẽ chuẩn bị cho việc tu bổ Thế tổ miếu vào năm 1997 vẫn còn nguyên giá trị. “Tôi không chỉ xem anh ấy là người anh trai mà còn là một người thầy, là tấm gương lớn trong tu bổ di tích. Ở anh, tôi học được nguyên lý mà sau này vẫn luôn ứng dụng, đó là phải băng bó, phải hô hấp… cho di tích trước, sau đó mới tìm phương án tối ưu để bảo tồn. Đó là cách mà anh đã cứu được Thánh địa Mỹ Sơn”, ông Phu nói.
Năm 1982, khi Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế thành lập, những ngày đầu non trẻ đó KTS Kazik đã hỗ trợ nhiều trong đào tạo cán bộ cho trung tâm. Dấu mốc nâng tầm chuyên môn cho thế hệ cán bộ đầu tiên của trung tâm vào năm 1985, với tư cách là chuyên gia của UNESCO, KTS Kazik đứng lớp để truyền đạt những bài học về di sản… Khóa học được mở trong 2 tuần lễ.
“Anh Kazik làm giảng viên nói tiếng Ba Lan. Còn tôi làm người phiên dịch. Đó là lần đầu tiên cán bộ làm công tác bảo tồn di tích ở Huế được tiếp cận những thông tin vừa giá trị, vừa căn bản của quốc tế, như các nguyên tắc bảo tồn, các công ước quốc tế về di sản… Bài giảng của anh rất sinh động, bởi anh là chuyên gia nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Không riêng gì tôi, nhiều cán bộ bảo tồn di sản xem anh là một người thầy, thầm lặng mà cao cả”, ông Phùng Phu trải lòng.
(còn tiếp)
Bình luận (0)