Thống nhất dân phòng, công an bán chuyên: Lo 'chính quy hóa', phát sinh chi ngân sách

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/09/2020 12:26 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định thống nhất gần 750.000 bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên sẽ giảm 500.000 biên chế và giảm chi 375 tỉ đồng/tháng. Song nhiều ý kiến vẫn lo phát sinh chi ngân sách.

Sẽ giảm 500.000 biên chế

Sáng 11.9, tiếp tục phiên họp 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Đây là lần đầu, luật được Chính phủ trình ra Quốc hội với đề xuất chính sách quan trọng là thống nhất, tổ chức lại gần 750.000 bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng làm nhiệm vụ tham gia hỗ trợ công an chính quy tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.
Tờ trình mà Bộ trưởng Bộ Công Tô Lâm, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, trình bày tại phiên họp, đưa ra 6 lý do khẳng định việc xây dựng ban hành luật là cần thiết.
Theo đó, ông Lâm nhấn mạnh, việc thống nhất 3 lực lượng nêu trên thành 1 lực lượng sẽ giảm số người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách.
Bộ trưởng Bộ Công an giải thích, luật mới quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự; các chức danh không phải là người hoạt động chuyên trách. Do đó, khi hợp nhất 3 lực lượng thành lực lượng mới sẽ cắt giảm được khoảng 500.000 người hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Bên cạnh đó, luật mới chỉ quy định mức bồi dưỡng, hỗ trợ cho lực lượng mới và bỏ chi trả phụ cấp hàng tháng. Như vậy, sẽ giảm chi ngân sách nhà nước để chi trả hàng tháng cho các lực lượng này như hiện nay.
Theo tính toán của Bộ Công an, nếu sắp xếp thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thì có thể cắt giảm chi ngân sách cho khoảng gần 500.000 người, tương đương với việc cắt giảm chi 375 tỉ đồng/tháng để chi hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Có thể dẫn đến "chính quy hóa" lực lượng?

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại phiên họp thẩm tra của ủy ban này, có ý kiến cho rằng, các quy định về tuyển chọn, thành lập, công nhận chức danh; nơi làm việc, trang bị, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận và các chế độ, chính sách khác như trong dự thảo luật có thể dẫn đến việc “chuyên nghiệp hóa”, “chính quy hóa” lực lượng này, làm phát sinh kinh phí, trùng dẫm với một số quy định của pháp luật có liên quan...

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

Một số ý kiến cho rằng, quy định về điều kiện hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có thể làm phát sinh chi phí, ngân sách nhà nước, nhất là các quy định về bố trí nơi làm việc, phương tiện hoạt động, thanh toán công tác phí, hỗ trợ thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Từ đó, các ý kiến này đề nghị rà soát, chỉ quy định một số điều kiện và chế độ, chính sách thực sự cần thiết, có lộ trình cụ thể cho phù hợp với khả năng bố trí kinh phí của T.Ư và từng địa phương, nhất là các địa phương khó khăn; nghiên cứu quy định một số chính sách xã hội hóa nguồn lực bảo đảm, hỗ trợ hoạt động của lực lượng này.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng băn khoăn về việc sau khi hợp nhất 3 lực lượng thì số nhân sự sẽ tăng lên khoảng 800.000 người so với hiện tại, dẫn đến nhu cầu ngân sách nhu cầu cần bổ sung rất lớn kinh phí về ngân sách.
Theo ông Tùng, dù dự thảo luật không không tiếp tục duy trì lực lượng công an xã bán chuyên trách, không tiếp tục duy trì đội bảo vệ dân phố, cắt giảm phụ cấp nhưng dự thảo luật cũng quy định các lực lượng này được hưởng chế độ bồi dưỡng hàng tháng. Thực chất, đây có thể chỉ là cách gọi khác thôi, về tính chất như phụ cấp.
“Đây là vấn đề cần hết sức cân nhắc, có tính toán kỹ về điều kiện bảo đảm khi trong khi dự án luật quy định ngân sách địa phương sẽ bảo đảm cho hoạt động của các lực lượng này”, ông Tùng phân tích.
Bên cạnh đó, ông Tùng cũng cho rằng, qua tổng kết cuối năm 2019 liên quan đến tinh giản biên chế ở các cấp cơ sở, sau 2 năm mới tinh giản khoảng 100.000 người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở; trong khi nếu theo dự án luật này sẽ tăng thêm 800.000 người hưởng chế độ bồi dưỡng thường xuyên, chưa kể còn chế độ khác bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tán thành ban hành dự án luật, song đề nghị cần nghiên cứu kỹ các chính sách. Theo bà Ngân, cần có ý kiến của Bộ Tài chính về các điều kiện đảm bảo cho lực lượng mới từ bồi dưỡng, huấn luyện, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, nơi làm việc, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế. 
Bên cạnh đó, bà Ngân cũng nêu vấn đề, hiện công an xã bán chuyên trách khi trở thành lực lượng mới thì có cần phải hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế nữa không và ngân sách có chịu được nữa không? 
"Nơi làm việc, đề nghị phải bố trí địa điểm làm việc riêng cho lực lượng này thì không phù hợp với thực tiễn. Mỗi ấp, thôn có một tổ làm nhiệm vụ này. Các đồng chí tưởng tượng không, mỗi địa bàn xã, phường, thôn đều có 1 tổ, trong khi những nơi này đã có nhà văn hoá", bà Ngân dẫn chứng.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, dự thảo luật quy định tiêu chuẩn về lý lịch, trình độ học vấn, sức khỏe của người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù họp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự của từng vùng miền cũng như quan hệ công tác của lực lượng này với hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, công an cấp xã và đối với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã.
Dự thảo luật cũng quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do hội đồng nhân dân tỉnh quyết định; được hưởng chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ (pháp luật hiện hành đang quy định bảo vệ dân phố được hưởng phụ cấp hàng tháng và hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ; công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ công an xã được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, được hưởng phụ cấp hàng tháng và mức bồi dưỡng, hỗ trợ).
Ngoài ra, luật cũng quy định điều kiện đảm bảo hoạt động của lực lượng này gồm: bố trí địa điểm, nơi làm việc và trang bị; bồi dưỡng, huấn luyện; kinh phí cơ sở vật chất; trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ; trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận và giải quyết trường hợp khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, tai nan, chết, bị thương, hy sinh...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.