Thông qua việc giảm thuế với xăng dầu, tăng giờ làm thêm

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/03/2022 05:50 GMT+7

Ngày 23.3, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu và Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động .

Theo Nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, UBTVQH đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường theo đề xuất của Chính phủ. Cụ thể, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng là 2.000 đồng/lít; 1.000 đồng/lít với dầu diesel, dầu mazút, dầu nhờn, mỡ nhờn (giảm 50% so với các mức thuế hiện hành); và 300 đồng/lít với dầu hỏa (giảm 70% so với mức thuế hiện hành). Thời gian áp dụng mức thuế mới từ ngày 1.4 đến hết 31.12.2022, sau đó sẽ quay lại mức cũ.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được áp dụng từ 1.4 đến hết 31.12.2022

Ngọc Dương

Trước đó, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề xuất nghị quyết chỉ quy định mức giảm tối đa theo đề xuất của Chính phủ, đồng thời ủy quyền cho Chính phủ quyết định mức giảm trong từng thời điểm cụ thể để có thêm công cụ linh hoạt trong việc điều hành giá xăng, dầu. Đề xuất của Chủ tịch QH được nhiều thành viên UBTVQH đồng tình vì cho rằng sẽ tạo điều kiện để giá xăng, dầu bám sát với giá thị trường thế giới - điều mà hiện nay chưa làm được. Tuy nhiên, sau khi hội ý, đại diện của Chính phủ tại phiên họp là Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị nghị quyết ghi mức giảm “cứng” như đề xuất của Chính phủ trong tờ trình trước đó.

Từ ngày 1.4 chính thức giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng:lít xăng

Đối với nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động, UBTVQH đồng tình với đề xuất của Chính phủ tăng số giờ làm thêm tối đa trong năm lên 300 giờ nhưng bổ sung quy định loại trừ những đối tượng lao động đặc biệt như người lao động chưa thành niên từ 15 đến dưới 18 tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ, người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... Đối với mức trần giờ làm thêm trong 1 tháng, UBTVQH quyết định chỉ cho phép tăng từ tối đa 40 giờ hiện nay lên tối đa 60 giờ thay vì 72 giờ như đề xuất của Chính phủ.

Theo quy định hiện hành, số giờ làm thêm trong 1 tháng không quá 40 giờ; số giờ làm thêm trong năm không quá 200 giờ. Một số ngành nghề như dệt may, da, giày, chế biến thủy hải sản… được làm thêm từ trên 200 giờ đến không quá 300 giờ. Chính phủ đề nghị nâng số giờ làm thêm trong 1 tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ; và số giờ làm thêm trong 1 năm của người lao động là không quá 300 giờ và được áp dụng cho tất cả ngành, nghề, công việc.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhìn nhận, việc tăng giờ làm thêm là quyết sách lớn có tác động nhiều mặt, đồng thời UBTVQH chỉ được QH ủy quyền để quyết định vấn đề này trong điều kiện cấp bách, dịch bệnh. Do đó, Chủ tịch QH đề nghị các thành viên TVQH cần cân nhắc kỹ lưỡng trên quan điểm hài hòa lợi ích giữa các bên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.