Mua vé ở TP.HCM, taxi Hà Nội đã biết
|
Chuyện này không mới vì mấy năm nay, hầu như tuyến bay đi bất cứ tỉnh nào chị cũng nhận được các tin nhắn tương tự. Chuyện này cũng xảy ra với anh Trung, một khách hàng tại Q.3 (TP.HCM) khi ngày 8.10, chuẩn bị bay ra Hà Nội lúc 9 gìờ sáng thì tối hôm trước, anh đã nhận tin nhắn chào mời dịch vụ xe riêng từ sân bay Nội Bài vào trung tâm Hà Nội. “Thậm chí các dịch vụ còn biết chính xác giờ bay khiến lúc đầu mình thật sự rất hoảng, không biết vì sao và liệu có chuyện gì xảy ra sau đó không”, anh Trung nói.
Sau nhiều phản ánh từ khách hàng và các cơ quan báo chí, tháng 11.2017, Cục Hàng không VN đã công bố kết luận thanh tra đối với 3 hãng máy bay về vấn đề tuân thủ các quy định trong bảo mật thông tin cho hành khách. Kết luận này chỉ rõ thông tin hành khách đi máy bay có thể bị lộ từ cán bộ, nhân viên của hãng hàng không, nhân viên phòng bán vé của hãng hàng không hoặc của nhân viên phục vụ mặt đất tại sân bay do chỉ có những đối tượng này xem được thông tin đặt chỗ (đại lý bán vé chỉ xem được hành khách do mình bán). Kết luận thanh tra cho biết, đối tượng hành khách bị nhắn tin dịch vụ taxi có chọn lọc, tập trung vào các hành khách đã được chốt sổ đặt chỗ, giữ chỗ, bán vé... Những hành khách bị bán thông tin chủ yếu có lộ trình đi đến các sân bay Nội Bài, Cam Ranh và Liên Khương (Lâm Đồng) - đều là các cảng hàng không xa trung tâm TP…
Thế nhưng, tình trạng này sau đó vẫn diễn ra thường xuyên. Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, cho rằng các hãng hàng không phải chịu trách nhiệm về việc để lộ thông tin khách hàng. Tuy nhiên, chưa thấy đơn vị nào lên tiếng nhận lỗi hay đưa ra cơ chế bồi thường cho khách hàng mà chỉ trả lời là sẽ rà soát khá chung chung.
Lừa đảo tràn lan
Chị Trang, chủ một đại lý bán vé máy bay ở Biên Hòa (Đồng Nai), mới bị lừa mất gần 20 triệu đồng sau khi có khách hỏi mua vé máy bay qua Facebook. Sau khi đồng ý về giá, giờ bay, khách hàng báo đang ở nước ngoài nên sẽ chuyển khoản. Trong quá trình giao dịch, khách yêu cầu chị Trang nhập mã xác nhận vào đường link gửi kèm để ngân hàng quy đổi tiền đô sang tiền Việt.
“Mình tưởng thật nên làm theo. Sau khi làm, vào kiểm tra tài khoản, thì không còn một đồng nào. Mình cay đắng nhận ra vừa bị kẻ cắp lừa mất gần 20 triệu đồng”, chị Trang ngậm ngùi chia sẻ. Tương tự hành vi lừa đảo này là việc mua hàng qua mạng, hay sử dụng Facebook của người thân, bạn bè để lấy tiền trong tài khoản…
Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thông tin CyRadar, nhận định: Việc lừa đảo vẫn luôn diễn ra và chỉ thay đổi một số hình thức. Trong khi các giải pháp công nghệ hay thậm chí cơ quan quản lý nhà nước thường chỉ chạy sau các hành vi này. Đó là chưa kể với việc chỉ mất vài triệu đồng hay vài chục triệu đồng đối với một cá nhân là quan trọng nhưng với cơ quan quản lý nhà nước để lập hồ sơ điều tra, cấu thành tội phạm thì rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Do đó người dùng vẫn phải tự bảo vệ mình bằng cách nâng cao ý thức cảnh giác. Đặc biệt không tải các đường dẫn lạ, thay đổi mật khẩu có độ phức tạp để bảo vệ tài khoản, bên cạnh việc sử dụng các dịch vụ có hình thức bảo mật 2 lớp, qua mật khẩu và qua xác thực gửi qua điện thoại di động.
Ông Võ Đỗ Thắng nhận định, việc các chiêu trò lừa đảo tràn lan trên mạng cũng phần nào có liên quan việc bị lộ thông tin cá nhân. Hàng loạt danh sách khách hàng được mua bán công khai với giá rất rẻ trên mạng khiến cho các đối tượng có hành vi lừa đảo dễ dàng có được thông tin cá nhân của họ. Từ đó sẽ lựa chọn một số đối tượng để đưa ra các hành vi lừa lấy tiền.
Bình luận (0)