Thông tin giả trong hồ sơ xin visa Mỹ thường bị phát hiện như thế nào?

13/04/2023 11:49 GMT+7

Viên chức lãnh sự Mỹ được đào tạo để phát hiện thông tin giả mạo trong hồ sơ xin visa và cả khi được trình bày bằng lời nói.

Chủ đề "Bằng cách nào, nhân viên sứ quán Mỹ phát hiện được thông tin giả trong hồ sơ xin thị thực" thu hút hàng trăm người bình luận trên diễn đàn hỏi đáp nổi tiếng hàng đầu thế giới Quora. Nhiều người cho biết bị từ chối visa vào Mỹ nhiều lần mà không rõ lý do; người khác lại hướng dẫn cách vượt qua vòng phỏng vấn an toàn và chuẩn bị hồ sơ thế nào phù hợp…

Thông tin giả trong hồ sơ xin visa Mỹ thường bị phát hiện như thế nào nào? - Ảnh 1.

Visa Mỹ được cho là khó xin thành công

PV

Sứ quán Mỹ có nhiều biện pháp khác nhau để phát hiện thông tin giả mạo hồ sơ xin thị thực. Theo các trang chuyên về tư vấn thị thực Mỹ: Một trong những phương pháp chính để phát hiện thông tin giả mạo là xác minh tài liệu. Nhân viên sứ quán sẽ xem xét kỹ lưỡng các tài liệu được nộp, bao gồm hộ chiếu, thư tuyển dụng và các tài liệu hỗ trợ khác. Họ cũng có thể tiến hành kiểm tra lý lịch để xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp.

Nhiều người xin thị thực được yêu cầu tham dự một cuộc phỏng vấn trực tiếp tại sứ quán Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn này, nhân viên sứ quán sẽ đặt câu hỏi để xác minh thông tin được cung cấp trong đơn. Họ cũng có thể yêu cầu tài liệu bổ sung hoặc làm rõ nếu cần.

Sứ quán Mỹ cũng có thể thu thập dữ liệu sinh trắc học, bao gồm dấu vân tay và nhận dạng khuôn mặt, để xác minh danh tính của người nộp đơn.

Đồng thời sử dụng nhiều công nghệ khác nhau để phát hiện các tài liệu và thông tin giả mạo. Chẳng hạn, có thể sử dụng thuật toán để xác định dấu hiệu gian lận.

Đừng bao giờ đánh giá thấp khả năng tiếp cận của văn phòng lãnh sự quán Mỹ hoặc hệ thống toàn cầu của họ để tiến hành kiểm tra lý lịch. Họ có mối quan hệ trong chính phủ và các lĩnh vực thương mại của đất nước bạn để kiểm tra thông tin hồ sơ nếu cần.

Chính phủ Mỹ sử dụng một mạng lưới cơ sở dữ liệu và thông tin khổng lồ. Viên chức sứ quán đã quen thuộc với cách các tài liệu thật và giả xuất hiện ở các quốc gia. Hãy nhớ rằng, họ cũng cộng tác với các quan chức khu vực và một số nhân viên của sứ quán là người địa phương, có thể phát hiện ra giấy giả trong "nháy mắt".

Ngoài ra, họ biết về lịch sử du lịch và độ tin cậy của người nộp đơn xin thị thực.

Cuối cùng, họ chứng kiến hàng trăm người nói dối mỗi ngày vì đã được đào tạo để phát hiện ra điều đó. Một số người "sáng tạo" ra những lời nói dối mới mà không biết rằng chúng đã được người khác sử dụng.

Sau khi đơn được nộp, hồ sơ của bạn sẽ được kiểm tra. Cho đến khi người xin visa xuất hiện để phỏng vấn, nếu hồ sơ có thông tin giả sẽ dễ dàng bị lộ. Họ hỏi bạn những câu hỏi cụ thể và sau đó phân tích câu trả lời trong khi quan sát kỹ giọng nói, ánh mắt và mọi hành động...

Lời khuyên là khi xin thị thực ở bất cứ đâu, không riêng Mỹ, đừng nói dối. Hãy nói đúng thực tế. Nếu bạn có số dư nhỏ trong tài khoản ngân hàng, hãy mang theo số dư đó thay vì kiếm một khoản 50.000 đô la Mỹ bỏ tạm vào. Có người đã xin được thị thực Mỹ với chỉ 300 đô la trong tài khoản ngân hàng, thừa nhận rằng cô ấy là một người mẹ ở nhà nội trợ và không có việc làm.

Nhìn chung, đại sứ quán Mỹ sử dụng kết hợp các phương pháp thủ công và tự động để phát hiện thông tin giả mạo khi mọi người nộp đơn xin thị thực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.