Thông tư 36 làm địa ốc 'khựng' lại

09/03/2016 17:31 GMT+7

Chỉ chưa đầy một tháng Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo lấy ý kiến Thông tư 36, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã 'khựng' lại, hạn chế đưa dự án mới ra thị trường hay thay đổi chiến lược kinh doanh.

Ngày 9.3, tại hội thảo về "Triển vọng đầu tư: Sự trở lại của thị trường bất động sản", do FBNC tổ chức, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP.HCM nhận định: Chỉ chưa đầy một tháng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố dự thảo lấy ý kiến Thông tư 36, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã “khựng” lại, hạn chế đưa dự án mới ra thị trường hay thay đổi chiến lược kinh doanh.
Theo ông Thành niềm tin người tiêu dùng ở mức vững mạnh trong năm 2015, thị trường bất động sản ấm hơn sau nhiều năm khủng hoảng. Sự trở lại của thị trường bất động sản mọi người đã nhìn thấy rõ, đang tác động đến nhiều lĩnh vực sản xuất khác.
“Thị trường bất động sản đang trên đà phục hồi mạnh, niềm tin đang tăng cao nhưng nếu NHNN thực hiện các giải pháp gây sốc sẽ gây ra tác hại rất lớn đến nhà đầu tư và khách hàng", ông Thành cảnh báo.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN, dẫn lại bức tranh kinh tế giai đoạn khủng hoảng, khi đó hệ thống ngân hàng rót vốn vào bất động sản thiếu kiểm soát. Hiện nay, lạm phát được kiểm soát dưới mức 1%, đi kèm sự phát triển kinh tế khá cao là 6,7%. Lãi suất đã đưa về mức thấp so với thời điểm năm 2011, tỷ giá liên tục được giữ ổn định... Đó là những điểm sáng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, bà Hồng cũng nhấn mạnh rằng NHNN đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua việc lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 36. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, mà trước hết là dự án dở dang trong lĩnh vực bất động sản sẽ tăng trở lại.
Thông tư 36 là tín hiệu được NHNN phát ra để cảnh báo cho thị trường, bởi tín dụng trung - dài hạn đang tăng nhanh hơn nguồn vốn ngắn hạn chỉ trong thời gian ngắn của năm qua. Điều này sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho hệ thống tín dụng trong nước. Bất kỳ một chính sách nào từ NHNN đưa ra cũng sẽ nhận được những phản hồi mạnh mẽ và áp lực từ nhiều hướng.
“Sự lựa chọn cho ai vay, dự án nào là do các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư, nhưng NHNN phải đưa ra những cảnh báo kịp thời để đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng. Chúng tôi đang xem xét cẩn thận để ban hành Thông tư 36 sửa đổi vào một thời điểm thích hợp”, bà Hồng nói.
Tuy nhiên, NHNN vẫn phải kiên định với chính sách điều hành tiền trệ của mình, trong đó làm sao để nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng "chảy" vào thị trường phải đúng liều lượng chứ không theo kiểu mất kiểm soát như giai đoạn trước. Khi đó, lĩnh vực bất động sản đã "ngốn" quá nhiều vốn từ các ngân hàng thương mại, kết quả theo sau cơn sốt này là tồn kho, nợ xấu đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.