Thông tư vừa ra đã bị kêu 'lỗ hổng bản quyền'

21/04/2016 06:17 GMT+7

Thông tư 01 hướng dẫn Nghị định 15 về nghệ thuật biểu diễn vừa ban hành đã có nhiều ý kiến cho rằng bị lỗ hổng bản quyền.

Thông tư 01 hướng dẫn Nghị định 15 về nghệ thuật biểu diễn vừa ban hành đã có nhiều ý kiến cho rằng bị lỗ hổng bản quyền.

Theo luật sư, rất có thể chủ sở hữu quyền tác giả sẽ yêu cầu cả việc ca sĩ nào được hát bài hát của mình - Ảnh: Độc LậpTheo luật sư, rất có thể chủ sở hữu quyền tác giả sẽ yêu cầu cả việc ca sĩ nào được hát bài hát của mình - Ảnh: Độc Lập
Bản quyền tác giả và thủ tục để bảo đảm quyền đó ra sao là một trong những nội dung nóng tại cuộc họp trực tuyến phổ biến Thông tư 01 hướng dẫn Nghị định 15 về nghệ thuật biểu diễn sáng 20.4 của Bộ VH-TT-DL tại Hà Nội. Ông Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng Nghệ thuật biểu diễn - Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết hiện có 3 lựa chọn để hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gồm: Hợp đồng với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm; Thỏa thuận với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm; và Văn bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tránh lập lờ trốn trả tác quyền
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, là người nêu ý kiến đầu tiên trong cuộc họp. Ông nói tới những vụ xích mích tranh cãi đau lòng giữa nhà tổ chức và tác giả. Trong Thông tư 01, theo ông, có một văn bản hướng dẫn cam kết. Tuy nhiên, cam kết này lại không yêu cầu tác quyền phải được thanh toán trong thời hạn nhất định.
Theo ông Cẩn, cần đặt luật lên trên hết. Ông cho biết cũng có khi người dân và tổ chức cố tình lập lờ để trốn tránh trả tác quyền. “Không thể nào mỗi chương trình, anh Phó Đức Phương với Đinh Trung Cẩn lại đi tranh chấp (đây là hai người thuộc Trung tâm bản quyền tác giả - NV) về tiền tác quyền với đơn vị tổ chức biểu diễn. Cái đó là không hay. Khi người dân và tổ chức cố tình lập lờ thì cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc”, ông nói.
Ông Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nói: “Ở đây vấn đề là pháp luật không cho phép hành chính hóa các quan hệ dân sự, nếu đưa vào cơ quan quản lý sẽ làm sai quy định”. “Mọi hành vi vi phạm về quyền tác giả đều đã có chế tài xử lý vi phạm và các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm còn có quyền khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật”, ông Tuấn cho biết thêm. Cũng theo ông Tuấn, trong thực tế đã nhận được nhiều phản ánh một số tổ chức đại diện quyền tác giả nại lý do này, kia không cung cấp đầy đủ căn cứ pháp lý cho bên sử dụng tác phẩm về nội dung, phạm vi được ủy quyền thu phí và thực hiện thu phí của cả các tác giả không ủy quyền cho mình. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc không chấp hành nghiêm quy định của các bên.
Ông Chương cũng cho rằng nếu đơn vị xin cấp phép biểu diễn không trả tác quyền thì đơn vị này cũng sẽ không được cấp phép cho lần xin phép biểu diễn sau đó. “Ở đây, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt phải có trách nhiệm phát hiện đơn vị không nộp tác quyền và kiến nghị với sở, cục để từ đó đơn vị quản lý từ chối cấp phép biểu diễn”, ông nói.
Ai hành chính hóa quan hệ dân sự ?
Tuy nhiên, một chuyên gia về tác quyền lại cho rằng Cục Nghệ thuật biểu diễn mới đang là đơn vị hiểu không đúng về hành chính hóa quan hệ dân sự. “Nếu anh can thiệp và bảo hai anh phải thỏa thuận như ý tôi thế này, ngày bao nhiêu, ở đâu, mục gì mới là hành chính hóa. Còn ở đây nếu bảo các anh phải ký kết hợp đồng mới được sử dụng thì là theo đúng luật Dân sự và luật Sở hữu trí tuệ. Điều 48 luật Sở hữu trí tuệ nói rõ như thế”, chuyên gia này nói.
Chuyên gia bản quyền này cũng nhận định việc cho phép sử dụng quyền có rất nhiều góc độ. Chính vì thế, hợp đồng bằng văn bản sẽ là cách tránh được rủi ro tốt nhất. Theo đó, ngoài tiền, hai bên có thể còn thỏa thuận với nhau nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn, tôi là người nghiêm túc, vì thế tôi yêu cầu bài hát này không được biểu diễn ở những sân khấu mà người xem có thể uống rượu. Hay tôi cũng không cho phép anh biểu diễn bài hát của tôi sau một bài hát nào đó mà tôi nêu tên cụ thể. Hoặc cũng có thể tôi không cho phép ca sĩ nào đó biểu diễn bài hát của tôi, dù với bất cứ giá nào. Vì thế, nếu chỉ căn cứ vào một cam kết sẽ thực hiện đúng quyền tác giả với Cục Nghệ thuật biểu diễn thì không thể bảo đảm tác quyền sẽ được thực thi.
Liên quan đến hoạt động biểu diễn ở phòng trà, ông Đinh Trung Cẩn cho rằng đó là hoạt động kinh doanh. “Thời gian qua, theo quy định thì việc biểu diễn ở phòng trà không phải xin cấp phép biểu diễn mà chỉ cần thông báo về ca khúc. Đó là những ca khúc được phép biểu diễn. Họ không bán vé nhưng có phụ thu cao, và như thế thì gọi là kinh doanh. Mà như thế thì không thể chỉ thông báo được. Đề nghị đưa cái này vào hồ sơ cấp phép cho chặt chẽ quản lý nhà nước. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay thủ tục trong Nghị định 15 chưa có gì thay đổi. Pháp nhân nào xin phép biểu diễn cho ca khúc nào thì chỉ sử dụng cho ca sĩ đó. Chưa có gì thấy thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp khi xin cho cá nhân nghệ sĩ Việt kiều về nước biểu diễn”, ông Cẩn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.